Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam.
Quảng Nam là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung, có điều kiện tự nhiên, văn hóa và sinh học đa dạng, có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú với rừng, biển, đảo và là nơi có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, của khu vực và thế giới.
Quảng Nam có tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, du lịch, với hàng trăm di tích và danh thắng, những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của cư dân vùng biển, đồng bằng, miền núi; có nhiều làng nghề có lịch sử hình thành từ lâu đời, được nhiều người biết đến.
Theo Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Nam có 12 huyện, thành phố nằm trong danh mục ưu tiên thực hiện.
Thực hiện Chương trình của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp toàn diện ở các địa phương, vùng miền trong tỉnh. Đến nay, Quảng Nam đã xây dựng thành công nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ như chỉ dẫn địa lý cho nhân sâm Ngọc Linh, quế Trà My, tiêu Tiên Phước, Yến sào Cù Lao Chàm – Hội An, sản phẩm Đảng sâm, ba kích Tây Giang. Ngoài ra, tại một số địa phương cũng đã phát triển sản xuất các cây dược liệu như nấm linh chi, hà thủ ô đỏ, giảo cổ lam, ngũ da bì gai, cà gai leo, gừng, nghệ đỏ. Bước đầu hình thành các chuỗi sản phẩm gắn với doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, thu mua, chế biến.
Nhân sâm Ngọc Linh
Triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018 – 2022, Quảng Nam có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 275 sản phẩm ba sao, 58 sản phẩm bốn sao (gồm một sản phẩm tiềm năng năm sao). Trong 260 chủ thể tham gia thì số hộ kinh doanh chiếm số lượng lớn với 48,4%, hợp tác xã chiếm 34,6%, còn lại là doanh nghiệp và tổ hợp tác.
Chương trình OCOP của tỉnh giúp người sản xuất có động lực sáng tạo, đổi mới tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và hướng đến xuất khẩu.