Kon Tum xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương.

Kon Tum là tỉnh nông nghiệp, do đó, việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp được các địa phương và các chủ thể sản xuất chú trọng, nhằm tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Kon Tum xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương.

Hiện tại, Kon Tum có 111 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có 109 nhãn hiệu và 2 chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm chủ lực và đặc trưng của địa phương như cà phê, cao su, mì, mía đường, dược liệu, hoa, rau củ quả cũng đã được tỉnh và các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh đã đăng ký bảo hộ 2 chỉ dẫn địa lý là “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và “Đăk Hà” cho cà phê Đăk Hà.

Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh là sản phẩm quý hiếm chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Do đó, tỉnh đã đặt ra chỉ tiêu phát triển vùng dược liệu thành vùng trọng điểm quốc gia, trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước. Mục tiêu phấn đấu trồng khoảng 4.500 ha sâm Ngọc Linh vào năm 2025 và tăng lên 10.000 ha vào năm 2030, cùng với khoảng 10.000 ha cho các cây dược liệu khác.

Trong những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Tu Mơ Rông và các doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực phát triển sâm Ngọc Linh như một cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Tính đến nay, tỉnh đã có hơn 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ và 5 doanh nghiệp tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích trên 1.240,7 ha. Diện tích sâm này được trồng hoàn toàn dưới tán rừng tự nhiên trên núi Ngọc Linh, chủ yếu tại các xã Măng Ri, Tê Xăng, và Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông.

Sản phẩm sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum.

Tỉnh Kon Tum đã đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ trồng mới khoảng 500 ha sâm Ngọc Linh, trong đó huyện Tu Mơ Rông chiếm 490 ha và 10 ha còn lại ở huyện Đăk Glei. Chính vì vậy, Tu Mơ Rông được coi là thủ phủ của sâm Ngọc Linh. Để phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh, tỉnh đang tiến hành giám sát chặt chẽ các vùng trồng. Cấp tem sản phẩm sâm Ngọc Linh cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để truy xuất nguồn gốc và vùng trồng, từ đó quản lý chặt chẽ hơn và giảm tình trạng hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, Kon Tum cũng đang lên kế hoạch giới thiệu sâm đến du khách thông qua các hội chợ và lễ hội du lịch.

Cà phê Đăk Hà Kon Tum.

Đăk Hà là địa phương sản xuất cà phê lớn nhất tỉnh Kon Tum với diện tích hơn 9.000 ha. Cà phê Đăk Hà được biết đến là một trong 8 vùng cà phê ngon nhất Việt Nam, và đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường.

Sản phẩm cà phê Đăk Hà tỉnh Kon Tum.

Các sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Đắk Hà được bảo hộ bao gồm cà phê nhân và các loại chế biến như cà phê rang, cà phê bột và cà phê phin, đảm bảo chất lượng và phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia. UBND huyện Đắk Hà là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này. Vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Hà nằm ở độ cao từ 523-875 m so với mặt nước biển, bao gồm 11 xã và thị trấn: Đắk Mar, Ngọk Wang, Hà Mòn, Đắk Ui, Đắk La, Đắk Long, Đắk Psi, Đắk Ngọk, Ngọk Réo, Đắk Hring, và thị trấn Đắk Hà, thuộc huyện Đắk Hà.

Cà phê Đắk Hà là cây trồng quan trọng, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển sản xuất cà phê theo hướng bền vững.

© Tuyên bố bản quyền