Gia Lai chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nổi bật của địa phương.
Gia Lai là một trong những địa phương ở khu vực Tây Nguyên có tiềm năng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Trong giai đoạn 2013-2018, hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Trong 10 tháng năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu, xây dựng hồ sơ chứng nhận nhãn hiệu cho 8 sản phẩm. Các nhãn hiệu bao gồm: “Gạo Phú Thiện”, “Rau An Khê”, “Rau Đak Pơ”, “Thuốc lá Krông Pa”, “Chôm Chôm Ia Grai”, “Mật nhân Gia Lai”, “Chè Bàu Cạn” và “Mật ong Gia Lai”.
Khí hậu và thổ nhưỡng Gia Lai rất thích hợp cho nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi và sản xuất tổng hợp nông lâm nghiệp đem lại hiệu quả cao. Cả tỉnh có gần 450.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 180.000 ha đất trồng cây hàng năm và 235.000 ha đất trồng cây lâu năm. Gia Lai có 828.776 ha diện tích rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên 741.632 ha, diện tích rừng trồng 30.306 ha với trữ lượng gỗ 75,67 triệu m3, ngoài ra còn có khoảng 100 triệu cây tre, nứa và các lâm sản khác có giá trị như song mây, bời lời, sa nhân.
Gia Lai là vùng đầu nguồn của nhiều hệ thống sông lớn chảy xuống vùng duyên hải miền Trung và lưu vực sông Mê Kông nên có vị trí rất quan trọng trong việc cân bằng sinh thái khu vực Tây Nguyên và các tỉnh ven biển miền Trung.
Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây nông sản hàng hóa và nguyên liệu khá quy mô với trên 40 nghìn ha mía nguyên liệu, gần 65 nghìn ha sắn, 75 nghìn ha lúa gắn với các vùng chuyên canh tập trung cây công nghiệp dài ngày thế mạnh như: cao su, cà phê, điều, tiêu.
Gia Lai gắn liền với các sản phẩm thế mạnh đa dạng.
Gạo Phú Thiện
Huyện Phú Thiện – trung tâm của vựa lúa Ayun Hạ, đang tập trung xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” nhằm nâng tầm giá trị hạt gạo, khẳng định vị thế của cây trồng chủ lực có năng suất đứng top đầu cả nước.
Những năm gần đây, huyện Phú Thiện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao vị thế và giá trị hạt gạo, tiến tới hình thành thương hiệu “Gạo Phú Thiện”, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Một trong những giải pháp then chốt góp phần tạo dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” trong những năm qua được huyện triển khai khá mạnh là việc lựa chọn đưa vào sản xuất các giống lúa có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và thị hiếu của thị trường. Đồng thời, gắn với quy trình sản xuất 3 giảm, 3 tăng (ICM) để hạt gạo không bị tàn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Với mong muốn xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển, đáp ứng nhu cầu của thị trường đang cần những sản phẩm sạch, chính quyền địa phương luôn khuyến khích bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện đề nghị ngành chức năng tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, có cơ chế mở để các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào địa phương đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến hàng nông sản, nhất là lúa, sản xuất nhiều sản phẩm từ gạo như: tấm, bánh mầm lúa, ủ men làm rượu để tận dụng hết nguyên liệu.
Thuốc lá Krông Pa
Krông Pa là huyện thuần nông sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi hàng hóa phục vụ chế biến trong nước và xuất khẩu. Trong đó, sản xuất thuốc lá nguyên liệu là thế mạnh của địa phương, chiếm 1/3 tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Do đặc điểm thổ nhưỡng nên từ lâu thuốc lá Krông Pa đã có những đặc điểm vượt trội về năng suất và chất lượng so với những vùng khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do sản phẩm thuốc lá Krông Pa chưa có thương hiệu nên nhiều người đã trà trộn thuốc lá Krông Pa với các loại thuốc lá khác đưa ra thị trường. Điều đó đã làm giảm uy tín thương phẩm của Krông Pa nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Diện tích sản xuất cây thuốc lá trên địa bàn huyện so với một số loại cây trồng khác không lớn, khoảng 2.500 ha đến 3.000 ha, nhưng mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất, cung cấp ra thị trường 4.485 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 200 tỷ đồng/năm và đóng góp vào nguồn ngân sách địa phương hàng năm 8-10 tỷ đồng. Thuốc lá ở Krông Pa được các nhà đầu tư thu mua nguyên liệu để sản xuất thuốc lá điếu đánh giá cao về chất lượng như kích thước lá dài, màu sắc đẹp, độ dầu dẻo cao, độ tổn thương thấp, có vị thơm đặc trưng, thành phần hóa học phù hợp.
Trong lĩnh vực đầu tư trồng, thu mua và tiêu thụ thuốc lá vàng sấy trên địa bàn huyện Krông Pa trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan, duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững diện tích, góp phần lớn vào giá trị sản lượng nông nghiệp của địa phương.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa: Mục tiêu của việc xây dựng nhãn hiệu là nhằm nghiên cứu đánh giá chất lượng, thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể thuốc lá Krông Pa, đảm bảo kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại.
Thuốc lá nguyên liệu Krông Pa sản xuất ra được cơ quan có thẩm quyền gắn nhãn hiệu tập thể được bảo hộ và sử dụng. Việc xây dựng thương hiệu thuốc lá Krông Pa sẽ giúp cho người nông dân trồng thuốc có thị trường tiêu thụ ổn định và được các công ty thuốc lá đầu tư vốn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đảm bảo chất lượng yêu cầu riêng của thuốc lá Krông Pa.
Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn với hơn 90.000 ha; trong đó diện tích cần phải tái canh đến năm 2020 là gần 18.000 ha. UBND tỉnh Gia Lai đã có chủ trương về việc tập trung phát triển sản xuất cà phê gắn với tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện: Kbang, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai, Chư Pah, Đức Cơ và TP. Pleiku rà soát, đề xuất quy hoạch lại vùng chuyên canh cà phê theo hướng bền vững; khuyến khích, vận động người dân phát triển, hình thành những vùng sản xuất cà phê quy mô tập trung tạo vùng hàng hóa, vùng nguyên liệu ổn định, bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm để làm cơ sở xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai. Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng, nhân rộng các mô hình thâm canh, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng 4C, UTZ Certify, VietGAP.
Với mục tiêu hỗ trợ các hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh tiếp cận phương thức sản xuất theo hướng bền vững, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Gia Lai đã và đang tích cực triển khai đến 26 xã, thị trấn ở 3 huyện: Đak Đoa, Ia Grai và Chư Prông. Trong đó, việc hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất cà phê bền vững tại cộng đồng để người dân tham quan học tập, áp dụng vào thực tiễn là kết quả nổi bật.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các trung tâm, viện nghiên cứu, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam ứng dụng các giống tốt cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay để phục vụ, đáp ứng nhu cầu cây giống đảm bảo chất lượng cho người dân trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm để phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp, nông dân sản xuất cà phê. Sở Công Thương tăng cường hoạt động thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị sơ chế, phân loại, đánh bóng cà phê xuất khẩu, cơ sở hạ tầng, kho bảo quản. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương khẩn trương xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai.
Hồ tiêu Chư Sê
Ngày 28/12/2007 Hồ tiêu Chư Sê đã được công bố chính thức thương hiệu, được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho hàng ngàn hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến kinh doanh hồ tiêu Chư Sê, điều này đã mở ra triển vọng mới cho người sản xuất.
Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê có khoảng 1.700 hội viên tham gia, trong đó có một số doanh nghiệp, còn lại đa số là hộ nông dân sản xuất. Diện tích vùng nguyên liệu hồ tiêu trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 ha, tập trung ở huyện Chư Sê và Chư Pưh, sản lượng hồ tiêu bình quân từ 15.000 tấn đến 20.000 tấn (chiếm gần 20% sản lượng hồ tiêu cả nước). Đặc biệt, đây là vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây hồ tiêu, không những cho năng suất cao mà chất lượng hạt tiêu cũng tốt hơn rất nhiều như kích cỡ hạt lớn, dung trọng cao bình quân đạt 570 gr/l. Hạt tiêu Chư Sê có vị thơm và độ cay đặc trưng hơn so với các vùng trồng tiêu khác nên được thị trường thế giới khá ưa chuộng.
Những năm qua cùng với ngành hàng hồ tiêu Việt Nam, sản phẩm hồ tiêu của Chư Sê đã có mặt ở 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữ vị trí đứng đầu thế giới và bỏ qua các đối thủ có nghề trồng tiêu lâu đời như Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Malaysia.
Gia Lai tập trung xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm thế mạnh địa phương.
Thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ – hỗ trợ phát triển một số thương hiệu, nhãn hiệu giai đoạn 2017-2020, Gia Lai đang tập trung xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm thế mạnh trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Trong đó, đặc biệt khuyến khích đưa vào sản xuất các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các cánh đồng lớn sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo vùng nông thôn.
Hiện nay, tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 155 điểm mô hình cánh đồng lớn trên tổng diện tích gần 2.700 ha với 1.100 hộ tham gia. Ngoài ra, toàn tỉnh còn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho trên 9.000 ha cây trồng nhằm ứng phó hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Tham gia sản xuất theo mô hình liên kết, xây dựng cánh đồng lớn, người nông dân được chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm ổn định được đầu ra, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường do kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Phú Thiện là vùng chuyên canh cây lúa nước lớn nhất Tây Nguyên có diện tích hơn 6.000 ha gắn phát triển bền vững với công trình đại thủy nông Ayun Hạ. Phú Thiện có điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng thương hiệu lúa gạo cho riêng mình. Sau 2 năm triển khai, toàn huyện đã hình thành được 17 cánh đồng lớn với diện tích gần 700 ha chuyên sản xuất các loại lúa nước một giống TH6, LH12, OM4900, TBR225. Từ những mô hình lúa nước một giống này, người nông dân đã tạo thêm thu nhập tăng hơn 6 triệu đồng/ha so với trồng thủ công, hạt lúa được các ngành chức năng đánh giá chất lượng hơn, đồng đều hơn và rất được thị trường ưa chuộng.
Thời gian qua, địa phương đã xuất ngân sách hỗ trợ 50% giống lúa cho người nông dân với mục đích giúp người dân dần tiếp cận với các giống lúa mới, sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiên tiến góp phần tạo thêm thu nhập và hướng đến xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện. Thời gian tới, địa phương tiếp tục duy trì diện tích cánh đồng lớn hiện có và tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả từ đó khuyến khích người dân nhân rộng mô hình này để phát triển bền vững hơn.
Đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững, cây hồ tiêu cũng đang được tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm và định hướng phát triển theo xu thế liên kết sản xuất kết hợp với ứng dụng công nghệ hữu cơ sinh học gắn đồng bộ với các giải pháp canh tác tiên tiến như tưới nước tiết kiệm, trồng cây trụ sống, cây che bóng mát, trồng xen canh với các loại cây trồng khác. Mỗi năm, Việt Nam cung cấp trên 170.000 tấn và là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu hồ tiêu. Do đó để hồ tiêu Việt Nam có thể cạnh tranh cũng như tạo dựng được thương hiệu hồ tiêu uy tín, giải pháp cốt lõi là cần phải liên kết sản xuất theo chuỗi kết hợp với việc ứng dụng công nghệ hữu cơ sinh học để giải quyết dứt điểm tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Thời gian qua, Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề nhằm khuyến khích người nông dân liên kết sản xuất với các doanh nghiệp. Qua đó, họ được hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng các loại vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng cũng như ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Là một trong những loại cây trồng chủ lực thuộc nhóm nông sản chính của cả nước, thương hiệu của vùng đất Tây Nguyên, cà phê cũng được tỉnh Gia Lai định hướng đến năm 2020 sẽ xây dựng gần 4.000 ha cánh đồng lớn. Đăk Đoa đang là địa phương đi đầu trong việc vận động hơn 100 hộ dân tại xã Nam Yang liên kết hình thành nên cánh đồng mẫu lớn hơn 120 ha.
Với những thuận lợi trước mắt, tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2020 sẽ mở rộng mô hình cánh đồng lớn lên gần 4.000 ha cà phê, gần 5.000 ha mía, gần 5.000 ha sắn, hơn 3.500 ha lúa, 500 ha hồ tiêu để chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng đã mời gọi được 22 dự án đầu tư với tổng vốn gần 21.000 tỷ đồng. Trong các dự án này có 4 dự án phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chất lượng, bền vững với vốn đầu tư trên 2.600 tỷ đồng. Những nỗ lực này càng thể hiện sự quyết tâm của tỉnh hướng đến ngành nông nghiệp chất lượng cao, bền vững.