Cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nam Mỹ sau đại dịch COVID-19.
Vào tối ngày 01/10/2020 (giờ Việt Nam), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chủ trì Hội nghị giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mercosur 2020. Chương trình do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina và Brazil tổ chức.
Hoạt động này là một phần trong chuỗi các sự kiện xúc tiến thương mại và giao thương nhằm kết nối các nhà sản xuất, xuất khẩu uy tín Việt Nam với các nhà nhập khẩu uy tín quốc tế, được tổ chức bởi Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan trong và ngoài nước nhằm duy trì hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19.
Phiên toàn thể Hội nghị còn có sự tham gia của Đại sứ Jorge Neme, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Argentina; Đại sứ Việt Nam tại Argentina và Brazil; đại diện Bộ Thương mại, Phòng Thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp các nước Mercosur; gần 60 doanh nghiệp nhập khẩu đến từ khối Mercosur và hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín Việt Nam, tập trung vào các ngành hàng như dược phẩm, vật tư y tế phòng dịch, nông sản, giày dép, may mặc, đồ nội thất… tham dự trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom Cloud Meeting.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực MERCOSUR đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Trong 10 năm qua, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 2,5 lần, từ 2,45 tỷ USD vào năm 2011 lên 8,68 tỷ USD vào năm 2019, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang MERCOSUR đạt 2,7 tỷ USD và nhập khẩu từ khu vực này gần 6 tỷ USD.
“Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Việt Nam và các nước thành viên Khối MERCOSUR đang trao đổi khả năng để tiến tới đàm phán một Hiệp định thương mại song phương. Hiệp định này sẽ nâng tầm quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai bên và thể hiện rõ nét chính sách thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, tạo ra một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp Việt và nước ngoài”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra những thách thức trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và khối Mercosur, bao gồm tác động của dịch COVID-19, khoảng cách địa lý xa, thiếu tuyến vận chuyển hàng hóa trực tiếp và sự khác biệt về ngôn ngữ cùng với việc thiếu thông tin về môi trường và cơ hội kinh doanh.
Thứ trưởng phụ trách Quan hệ kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao Argentina, Đại sứ Jorge Neme đã phát biểu chào mừng Hội nghị.
Từ đầu cầu Argentina, Đại sứ Jorge Neme chia sẻ rằng MERCOSUR luôn ưu tiên quan hệ với Việt Nam và sẽ tiếp tục chính sách này trong 6 tháng đầu năm 2021 khi Argentina là Chủ tịch luân phiên của MERCOSUR.
“Việt Nam là đối tác nổi bật và tin cậy của Argentina trong tất cả các lĩnh vực. Thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng 4 lần trong một thập kỷ qua. Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 3,5 tỷ USD và dự đoán sẽ duy trì mặc dù dịch bệnh. Chúng tôi mong muốn tiếp tục là đối tác tin cậy cung cấp lương thực chất lượng cho người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời gia tăng thương mại trong các lĩnh vực công nghiệp, dược phẩm và thiết bị y tế”, Đại sứ Jorge Neme cho biết.
Đại sứ Dương Quốc Thanh – Đại sứ Việt Nam tại Argentina cũng cho biết rằng thị trường Uruguay và Paraguay, mặc dù dân số nhỏ, nhưng vẫn có dư địa lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, dệt may, da giày.
Dù có những thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp đôi bên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng đến hiệu quả giao thương. Tại Brazil, Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa cho biết Brazil là thị trường lớn với 200 triệu người và giá trị nhập khẩu hàng năm xấp xỉ 236 tỷ USD, trong đó 30% là từ các nhà cung cấp châu Á. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ Bồ Đào Nha gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này, cùng với quy trình nhập khẩu phức tạp.
Các đại sứ và thương vụ Việt Nam tại Mercosur cho rằng sau dịch COVID-19, các quốc gia trong khu vực có xu hướng định hình lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu, đặc biệt với các nước có sự ổn định trong dịch bệnh. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường hiện diện tại Nam Mỹ nhằm nâng cao thị phần và giá trị xuất khẩu trong tương lai.
Ngay sau khi kết thúc phiên toàn thể, các doanh nghiệp Việt Nam và Mercosur đã tiến hành các phiên giao thương trực tiếp qua mạng với hơn 100 lượt tiếp xúc, trao đổi trong 02 giờ đồng hồ, và đa số doanh nghiệp đánh giá cao công tác tổ chức và tính hiệu quả của chương trình. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục giao thương đến hết ngày 03/10/2020.