Sóc Trăng chú trọng phát triển ngành nghề truyền thống

Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào nhiều dân tộc cùng chung sống. Việc phát triển ngành nghề truyền thống không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con khu vực nông thôn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, đặc trưng riêng của mỗi dân tộc.

Ngành nghề truyền thống tại Sóc Trăng mặc dù rất đa dạng, nhưng để có giải pháp duy trì và phát triển bền vững hơn trong giai đoạn hội nhập, cần phải có sự kết hợp rất nhiều yếu tố. Với 27 ngành nghề được phân bố rải rác ở khắp các huyện, thị xã, thành phố, số cơ sở tham gia sản xuất trong lĩnh vực nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh là 14.153 cơ sở, thu hút 36.987 lao động tham gia sản xuất.

Một số làng nghề duy trì phát triển mạnh như: Làng nghề bánh pía Vũng Thơm, xã Phú Tân, huyện Châu Thành; Làng nghề giã cốm dẹp, xã Phú Tân, huyện Châu Thành; Làng nghề đan lát Phước Quới, ấp Phước Quới, xã Phú Tân huyện Châu Thành.

Một số làng nghề tiêu biểu:

Làng nghề sản xuất bánh pía Vũng Thơm.

Bánh Pía là một biểu tượng văn hóa ẩm thực của Sóc Trăng, là một món ăn đặc sản gắn liền với làng nghề thủ công truyền thống vùng Vũng Thơm. Bánh pía có vị ngọt thanh, vỏ bánh xốp, nhân bánh mềm dẻo cùng mùi thơm của sầu riêng hòa quyện với vị đậm bùi, béo ngọt của đường, đậu xanh, mỡ heo, lòng đỏ trứng tạo nên hương vị thơm ngon, độc đáo.

Sản phẩm bánh pía Vũng Thơm tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng chú trọng phát triển ngành nghề truyền thống

Hiện nay, nghề làm bánh Pía ở Sóc Trăng không còn đơn thuần là một nghề thủ công truyền thống mà đã được áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Nghề làm bánh Pía Vũng Thơm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống năm 2020. Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cũng đã xây dựng một thương hiệu chung cho sản phẩm bánh Pía ở Sóc Trăng, từ đó các thành viên trong Hội bánh Pía người Hoa Sóc Trăng sử dụng thương hiệu chung này để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã đổi mới trang thiết bị, xây dựng lại nhà xưởng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP.

Kỳ vọng trong thời gian tới, bánh pía Sóc Trăng sẽ có mặt trên khắp năm châu, tạo nguồn thu lớn, giải quyết việc làm cho nhiều người dân, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Sóc Trăng, thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển.

Làng nghề sản xuất cốm dẹp.

Cốm dẹp là đặc sản độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung, Sóc Trăng nói riêng, một trong những lễ vật quan trọng không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Oóc Om Bóc. Nghề làm cốm dẹp là một trong những nghề đã xuất hiện từ rất sớm, là một nghề truyền thống của nhiều làng có người Khmer. Phát triển mạnh nhất là làng nghề Cốm dẹp xã Phú Tân, huyện Châu Thành, là nơi cung cấp cốm dẹp quanh năm cho thị trường.

Cốm dẹp Phú Tân được giã từ loại lúa nếp vừa đỏ đuôi. Cốm mới giã khá giòn, thơm mùi nếp mới, để ngon hơn thì trộn cốm dẹp với dừa rám, ít nước dừa và đường cát trắng. Khi ăn, cho thêm một ít dừa nạo, đậu phộng rang giã nhuyễn, đậu xanh hấp hoặc mè sẽ tăng thêm mùi vị hấp dẫn cho món ăn.

Trong quá trình hội nhập và phát triển như hiện nay, làng nghề truyền thống đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm. Bên cạnh một số cơ sở vẫn làm theo kiểu truyền thống thủ công, hiện nay đã có một số cơ sở, hộ gia đình đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất, nhằm tăng sản lượng, giảm lao động và chi phí, lợi nhuận được tăng lên.

Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, sự phối hợp với các cơ quan, ban ngành tỉnh, huyện Châu Thành đã đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các hạng mục thuộc Dự án “Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên”, Dự án du lịch “Văn hóa làng nghề dân tộc xã Phú Tân” để phục vụ phát triển du lịch của địa phương. Đây là điều kiện để thúc đẩy hợp tác xã làng nghề Phú Tân nói chung, nghề làm cốm dẹp nói riêng sẽ có bước phát triển trong tương lai, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, phát triển du lịch gắn với việc phát triển sản phẩm của các làng nghề truyền thống.

© Tuyên bố bản quyền