Dưa lưới Hải Nga
Sản phẩm OCOP được xếp hạng: 3 sao
Đơn vị sản xuất: Hợp tác xã Nga Hải, Thôn Hương Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Giới thiệu sản phẩm
Xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh được biết đến là địa phương có mô hình canh tác trồng cây ăn quả, trồng rau sạch trong nhà màng rất phổ biến. Mặc dù Hà Tĩnh là tỉnh có thời tiết khí hậu nóng nhiều so với một số địa phương khác nhưng việc trồng cây dưa lưới cho năng suất chất lượng và các loại cây rau xanh để phát triển kinh tế gia đình, kinh tế địa phương vẫn được bà con nông dân lựa chọn vì nó thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, đến nay toàn tỉnh có 70.000 m2 diện tích trồng dưa lưới trong nhà màng, phân bổ ở nhiều huyện trong tỉnh và trên 50 mô hình trồng dưa với mức tổng đầu tư trên 20 tỷ đồng. Kết quả thu được của bà con là sản phẩm dưa lưới ngon, sạch và an toàn, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha và giá sản phẩm bán ra dao động từ 50 đến 70.000đ/kg. Đây là mô hình canh tác mới được phát triển trong những năm trở lại đây của bà con nông dân địa phương, đã khai thác được thế mạnh về tiềm năng đất đai, khí hậu của vùng và đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hợp tác xã Nga Hải, huyện Nghi Sơn, Hà Tĩnh là đơn vị chuyên canh tác dưa lưới chất lượng cao theo công nghệ Israel ở Thái Lan. Đây là đơn vị điển hình và tiên phong đi đầu trong phong trào trồng dưa lưới sạch theo mô hình nhà màng đã gặt hái được nhiều thành công và được nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh học tập. Sau khi nghiên cứu và học tập kinh nghiệm công nghệ trồng cây nhà màng của nước ngoài, Hợp tác xã đã đầu tư thuê chuyên gia người nước ngoài trực tiếp hướng dẫn và tập huấn về kỹ thuật công nghệ chăm sóc canh tác cho giống dưa lưới. Năm 2017, Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng diện tích nhà màng để phục vụ công tác gieo trồng. Sau một năm canh tác, Hợp tác xã đã có dưa để thu hoạch, kết quả khả quan ngoài sự mong đợi. Năm 2018, Hợp tác xã đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trên 2 tỷ đồng để xây dựng 4 nhà màng khép kín với tổng diện tích 5.000 m2 và đầu tư giống để trồng các lứa dưa tiếp theo để gối vụ. Bên cạnh đó, Hợp tác xã đã nghiên cứu, đầu tư các thiết bị công nghệ áp dụng trong nông nghiệp để phục vụ hoạt động canh tác để đảm bảo hiệu quả, năng suất cao. Ngoài ra, trong quá trình gieo trồng, chăm sóc, người trồng luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình canh tác để hạn chế các loại sâu bệnh cho cây trồng, hạn chế sử dụng tất cả các loại phân bón, hóa chất có vi lượng lớn, vì vậy sản phẩm dưa lưới nhà màng của Hợp tác xã Nga Hải có chất lượng cao, giàu chất dinh dưỡng, được thị trường và người tiêu dùng đón nhận. Tháng 7 năm 2018, sản phẩm dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã Nga Hải đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap.
Đặc điểm sản phẩm và những giá trị dinh dưỡng
Sản phẩm dưa lưới Nga Hải có giống từ nguồn gốc nước ngoài, được gieo trồng theo công nghệ tiên tiến của Israel có hình dáng quả tròn hoặc quả hình bầu dục, vỏ ngoài màu xanh có các đường vân đan xen nhau như lưới nên có tên gọi là dưa lưới, bên trong lòng màu vàng. Khi ăn có vị giòn, thơm ngọt và dịu mát, đặc biệt có cùi vỏ rất mỏng. Trọng lượng thông thường của dưa lưới tầm trên 1 kg đến dưới 3 kg. Đây là loại quả được trồng và chăm sóc 100% trong nhà màng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón sinh học nên đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Dưa lưới có thành phần dinh dưỡng cao, cung cấp một số dưỡng chất beta-carotene, kali và axit folic là chất chống oxy hóa quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể con người và một số vitamin cần thiết cho cơ thể con người như vitamin A, C và E, vì vậy có nhiều công dụng tốt đối với việc phòng, chống bệnh cho con người nếu thường xuyên sử dụng.
Sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Nga Hải
Hoạt động sản xuất và thị trường tiêu thụ
Hiện nay ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đang phát triển mạnh mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, mặc dù chi phí đầu tư lớn hơn so với những mô hình trồng cây thông thường nhưng đem lại chất lượng và hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Với mô hình này, bà con nông dân đã giảm được chi phí sản xuất và nhân công lao động, đồng thời bảo vệ được cây phát triển tốt, tránh được các loại côn trùng, sâu bệnh cắn phá và không bị ảnh hưởng của thời tiết. Trong quá trình chăm sóc hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên cho ra sản phẩm rất ngon và an toàn cho người sử dụng.
Cây dưa lưới là một loại cây khó trồng, cây có vòng đời 75 ngày từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch, người trồng tuân thủ đúng các quy trình và kỹ thuật chăm sóc, một năm có thể thu hoạch 3 vụ. Để cây đảm bảo ra quả cho chất lượng cao, người trồng phải thực hiện đúng các kỹ thuật chăm sóc theo từng giai đoạn phát triển của cây từ khi ươm hạt giống đến xử lý môi trường nhà màng, tưới nước cho cây và đôi khi phải dùng ong để thụ phấn cho hoa. Hệ thống nước tưới cũng phải dùng nước sạch hoàn toàn và sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel, cứ 30 phút lại tưới một lần trong thời gian 3 phút. Cây cao lớn quá thì sẽ bấm ngọn để không cao quá 2,5m, mỗi cây chỉ để nuôi một quả mới cho ra chất lượng ngon theo yêu cầu, đúng tiêu chuẩn Vietgap. Thực hiện được đúng quy trình về chăm sóc cây sẽ cho ra sản lượng từ 10 – 12 tấn/lứa, sau khi trừ các loại chi phí đi thì Hợp tác xã cũng thu được giá trị kinh tế cao từ sản lượng dưa đem lại.
Định hướng phát triển mở rộng diện tích canh tác nhằm nâng cao giá trị sản lượng và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm
Nhằm phát triển mở rộng các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của huyện Nghi Xuân, cơ quan ban ngành các cấp của tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ tạo điều kiện về mọi mặt để các Hợp tác xã, các hộ nông dân đầu tư vào sản xuất trồng trọt theo mô hình mới. Theo thống kê hiện nay, toàn huyện Nghi Xuân đã có 10 mô hình trồng dưa lưới với diện tích trên 15.000 m2. UBND các cấp đã thống nhất ban hành chính sách hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân có dự án xây dựng hệ thống nhà màng đảm bảo đạt tiêu chuẩn và thiết kế mẫu thông qua sự kiểm duyệt của cơ quan chuyên môn để làm nhà vườn ươm cây ăn quả, cây rau sạch có giá trị kinh tế cao với quy mô tối thiểu từ 200 m2 trở lên, giá trị được hỗ trợ là 100.000 đồng/m2 cùng với chi phí xây dựng hệ thống nhà lưới và hệ thống nước tưới không quá 50.000 đồng/cơ sở.
Sự ủng hộ và có định hướng của địa phương đã giúp người nông dân mở rộng được diện tích cây trồng, cũng như nâng cao được các kỹ thuật về chăm sóc cây giống để đạt được sản lượng cao khi thu hoạch và đem lại những giá trị kinh tế lớn hơn khi xuất bán sản phẩm ra bên ngoài thị trường.
Năm 2019, Hợp tác xã Nga Hải tác là một trong những đơn vị được cơ quan ban ngành địa phương hỗ trợ trong dự án phát triển diện tích nhà màng để trồng cây dưa lưới với diện tích trên 2.000 m2. Ngoài ra, Hợp tác xã còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh về kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc cây dưa lưới đem lại năng suất, chất lượng cao và đã làm chủ được quy trình sản xuất. Đến nay, sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Nga Hải đã được dán tem truy xuất, sản xuất theo quy trình Vietgap nên được các thị trường lớn trong và ngoài tỉnh đón nhận như: TP Vinh, Hà Nội, Hải Phòng. Sản phẩm dưa lưới Nga Hải từng bước được khẳng định thương hiệu và đã có mặt trong các hội chợ trưng bày sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh, được đánh giá xếp hạng 3 sản phẩm OCOP năm 2019 do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức. Thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, dễ tiêu thụ nên đầu ra của sản phẩm không bị tồn đọng tại cơ sở sản xuất. Uy tín và thương hiệu của sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn. Đặc biệt mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Hợp tác xã Nga Hải đã được nhiều đơn vị và các hộ nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập.
Đây là những kết quả đáng khích lệ và tạo đà cho Hợp tác xã Nga Hải và bà con nông dân huyện Nghi Xuân có những hy vọng và động lực để tiếp tục mở rộng, phát triển diện tích canh tác nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cho hộ gia đình và cho địa phương nói chung góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh.