Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp gần 70.000 ha, diện tích rừng gần 335.000 ha, đặc biệt đầm phá Tam Giang – Cầu Hai rộng 22.000 ha; diện tích đất nuôi trồng thủy sản hơn 7.400 ha cùng với nhiều vùng bãi triều nước lợ, cửa biển, cửa sông giàu dinh dưỡng.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Tỉnh đã đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển 03 nhóm sản phẩm gồm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP.
Đến nay, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh đã được cấp chứng nhận, nhãn hiệu như chỉ dẫn địa lý cho tinh dầu tràm, nón lá, nhãn hiệu tập thể đối với thanh trà Huế, Bưởi đỏ Hương Hồ, Bưởi cốm Hương Thọ, Làng nghề Mây tre đan Bao La, làng nghệ Gốm Phước Tích.
Trên cơ sở các sản phẩm đặc trưng, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị nhằm phát huy kinh tế vùng nông thôn.
Một trong những lợi thế của tỉnh khi triển khai Chương trình OCOP là phần lớn các sản phẩm chủ lực đã được các địa phương xúc tiến đăng ký chất lượng, hoặc đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và nhiều sản phẩm đã định hình thương hiệu. Vì thế, việc tiếp tục đầu tư và nâng cấp các sản phẩm tiềm năng thành sản phẩm OCOP là một thế mạnh lớn. Ngoài ra, việc triển khai OCOP không chỉ đơn thuần là phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn, như giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Trong gần 2 năm triển khai Chương trình OCOP (từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2022) tỉnh Thừa Thiên Huế có 56 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 5 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao.
Sản phẩm tinh dầu tràm Huế
Nhằm phát triển sản phẩm đặc sản ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị; trong đó tập trung phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao để trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm đặc sản; tạo nên một thương hiệu có tính tập thể, tính hệ thống, nổi bật, khẳng định thế mạnh của địa phương và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống Huế, nâng cao uy tín cũng như giá trị của sản phẩm thông qua việc cấp quyền sử dụng “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế” và “Con dấu nhận diện sản phẩm đặc sản Huế” cho các sản phẩm của đơn vị đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm đặc sản của tỉnh (ưu tiên tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP). Qua đó kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu: sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu. Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế: xây dựng, đăng ký tài sản trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến.