Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Sơn La.
Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vị trí trung tâm khu vực Tây Bắc của Tổ quốc, với đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài hơn 274 km, có diện tích tự nhiên khoảng 14.174 km2. Nhờ đất đai màu mỡ, tầng canh tác dày với nhiều loại thổ nhưỡng phù hợp phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nên Sơn La có nhiều sản phẩm đặc trưng, nhất là các sản phẩm từ nông nghiệp có thế mạnh như mận, xoài, chè, nhãn, bơ, na, thanh long, mít, ổi, các loại rau và sản phẩm chế biến đã được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.
Tỉnh Sơn La hiện có gần 85 nghìn ha cây ăn quả, sản lượng quả thu hoạch trong năm 2023 ước đạt 452 nghìn tấn; cấp được 281 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.600 ha xuất khẩu sang các thị trường như Úc, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc, EU và một số thị trường khác. Có 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; Toàn tỉnh hiện có 110 sản phẩm OCOP; công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các loại đặc sản chè xanh Mộc Châu
Thời gian qua tỉnh Sơn La cũng đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác. Việc kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa của Sơn La đã góp phần hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững. Theo Quyết định số 964/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, Sơn La có 11 địa phương thuộc danh mục ưu tiên gồm: Huyện Quỳnh Nhai, huyện Thuận Châu, huyện Mường La, huyện Bắc Yên, huyện Phù Yên, huyện Mộc Châu, huyện Yên Châu, huyện Mai Sơn, huyện Sông Mã, huyện Sốp Cộp và huyện Vân Hồ.
Trong khi đó, sau hơn 4 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Sơn La đã vận dụng được những lợi thế, biến nhược điểm thành ưu điểm tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, OCOP mang giá trị cao, đặc trưng riêng. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 110 sản phẩm OCOP, có 24 sản phẩm mang địa danh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 3 chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn của huyện Yên Châu, Cà phê Sơn La; 18 nhãn hiệu chứng nhận gồm: Chè Ô long Mộc Châu, Nhãn Sông Mã, Cam Phù Yên, Sơn tra Sơn La, Na Mai Sơn, nếp Mường Và, xoài Sơn La, Cá sông Đà, Mận Sơn La; 3 nhãn hiệu tập thể là: Mật ong Sơn La; Chè Tà Xùa; Khoai sọ Thuận Châu.
Đặc biệt tỉnh Sơn La có 2 sản phẩm là chè Shan Tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại châu Âu theo hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020; sản phẩm chè Shan Tuyết được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017. Năm 2021, 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh là sản phẩm xoài và nhãn đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Sơn La” và “Nhãn Sơn La” tại Việt Nam, và đây cũng là 2 sản phẩm được lựa chọn để thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sơn La” tại Trung Quốc.
Thông tin chi tiết xem file đính kèm.