Tiềm năng xuất khẩu đặc sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa đến thị trường Mỹ.
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có diện tích chè lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Thái Nguyên. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn xác định cây chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo. Do đó, công tác trồng mới, đầu tư khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh, thu hái và chế biến chè luôn được tỉnh quan tâm bằng nhiều cơ chế chính sách phù hợp, như hỗ trợ lãi suất cho người dân và các thành phần kinh tế vay vốn trồng mới, thâm canh, cải tạo các vườn chè già cỗi; hỗ trợ các cơ sở chế biến chè, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.
Tính đến tháng 6/2023, tổng diện tích chè của Hà Giang đạt trên 21.500 ha, trong đó có hơn 19.000 ha cho thu hoạch và được trồng tập trung tại 5 huyện: Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; năng suất chè đạt bình quân 37,04 tạ/ha và sản lượng chè búp tươi đạt trên 72.300 tấn/năm; trong đó có hơn 5.000 ha chè được cấp chứng nhận chè hữu cơ, chiếm hơn 26,3% diện tích cho thu hoạch.
Các diện tích chè của Hà Giang chủ yếu là chè Shan tuyết và chè Shan tuyết cổ thụ, chiếm trên 90% diện tích. Hiện chè Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và nâng cao giá trị của sản phẩm chè, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển sản phẩm bền vững, tỉnh Hà Giang đã triển khai Đề án Phát triển chè theo hướng an toàn VietGAP và chè hữu cơ tại 5 huyện trồng chè đến năm 2030.
Tận dụng những tiềm năng, lợi thế đó, các vùng trồng chè của tỉnh đang đẩy mạnh phát triển sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu và giá trị chè, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Với lợi thế diện tích chè Shan tuyết cổ thụ lớn trên 100 năm tuổi khoảng 7.000 ha, sinh trưởng tự nhiên và phát triển trong môi trường sạch, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, hoàn toàn không có tác nhân chăm sóc, đây là nguồn nguyên liệu sản xuất các loại chè đặc sản, phục vụ xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản và Đài Loan.
Đáng chú ý, trong bối cảnh ngành chè gặp khó do nhu cầu giảm từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Pakixtan, Đài Loan và Nga, việc đẩy mạnh sang các thị trường có tiềm năng tiêu thụ cao là rất cần thiết. Trong đó, Mỹ là thị trường có nhiều tiềm năng để tăng cường xuất khẩu trong thời gian tới, vì xu hướng tiêu thụ chè tại Mỹ rất lớn. Theo Hiệp hội Chè Mỹ, cứ 5 người tiêu dùng nước này thì có 4 người uống chè. Năm 2021, thị trường Mỹ tiêu thụ khoảng 14,76 tỷ lít chè.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn, nhưng cũng là thị trường khó tính, với tiêu chuẩn cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Để tăng cường xuất khẩu, nâng cao hình ảnh chè Việt Nam, khẳng định vị thế, khai thác tốt hơn các thị trường lớn và tiềm năng như Mỹ, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè cần đầu tư sâu hơn vào phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chè, đặc biệt là quan tâm tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để xuất khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ. Đồng thời, cần quản trị tốt công việc lưu trữ chứng từ về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, sản phẩm để phục vụ hoạt động xác minh và điều tra của nước nhập khẩu.