Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình.
Tỉnh Quảng Bình nằm ở Bắc Trung Bộ, Việt Nam, có điều kiện thuận lợi để kết nối các địa phương khác của Việt Nam và thế giới; có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng phát triển du lịch.
Với phần lớn diện tích tỉnh là đồi núi (chiếm trên 85% diện tích tự nhiên), các dạng địa hình khác là trung du, đồng bằng duyên hải và bãi cát ven biển chỉ chiếm gần 15%. Do vậy, diện tích đất canh tác lúa và nông lâm nghiệp tương đối hạn chế và thường xuyên gánh chịu lũ lụt bất thường vào mùa mưa do hệ thống sông suối ngắn, dốc, chảy từ Tây sang Đông.
Mặc dù không có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhưng Quảng Bình lại có rất nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản nông nghiệp vùng miền. Đó là kết quả của quá trình miệt mài lao động của cư dân địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng sớm có quy hoạch phát triển nông nghiệp theo đúng định hướng.
Trong đó, với diện tích rừng tự nhiên lớn, độ che phủ cao nên huyện Tuyên Hóa rất phù hợp cho nghề nuôi ong lấy mật. Mật ong ở Tuyên Hóa có giá trị dinh dưỡng cao, mùi thơm đặc trưng khác biệt so với những nơi khác. Nhờ đó, mật ong Tuyên Hóa cũng trở thành một đặc sản có tiếng.
Tính trên toàn huyện Tuyên Hóa, đến nay có hơn 8.000 đàn ong lấy mật, tập trung nhiều nhất tại xã Hương Hóa, Lê Hóa, Thuận Hóa… sản lượng mật ong ước đạt 60 – 80 tấn/năm, giá trị thu về hàng chục tỷ đồng.
Để người nuôi ong phát triển bền vững đem lại thu nhập cao, các địa phương ở huyện Tuyên Hóa đang tích cực kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hiện sản phẩm mật ong Tuyên Hóa đã có mặt khắp nơi trong tỉnh, khu vực miền Trung và các siêu thị lớn. Nhờ đó đã góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân và đã xây dựng thành công sản phẩm mật ong Tuyên Hóa đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Đồng thời, địa hình bán sơn địa của Tuyên Hóa cũng tương đối phù hợp với mô hình chăn nuôi gà đồi, do đó, để phát triển loại gia cầm chủ lực của địa phương, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng thương hiệu “Gà đồi Tuyên Hóa” để phát triển.
Mới đây, Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hóa hỗ trợ 2.000 con gà giống có nguồn gốc gà kiến (hay còn gọi gà ta, gà địa phương) cho người dân ở huyện Tuyên Hóa nhằm bảo tồn, phát triển giống gà chất lượng cao địa phương.
Trong khi đó, khoai deo là đặc sản gắn liền với Quảng Bình, vùng biển Hải Ninh chính là nơi sản xuất ra nhiều khoai deo đặc sản nhất trên toàn tỉnh, với hương vị, chất lượng tốt nhất.
Tuy nhiên, khi thị trường đầu ra ngày càng mở rộng thì nguồn đất trồng lại đang thu hẹp dần. Theo nhiều cơ sở sản xuất khoai deo ở Hải Ninh, ngoài thu mua khoai ở địa phương thì giờ đây họ còn thu mua các vùng lân cận, như: Lệ Thủy, Bố Trạch… vì số lượng khoai trong vùng không đủ.
Trước đây, vào giai đoạn cao điểm toàn xã Hải Ninh có khoảng 30 ha đất trồng khoai, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 12 ha, không đủ để cung cấp cho các cơ sở sản xuất. Để duy trì và phát triển làng nghề, UBND xã Hải Ninh cũng đã làm hồ sơ chuyển đổi 2,5 ha đất rừng trên địa bàn sang đất nông nghiệp cho người dân trồng khoai nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.