Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bà Rịa – Vũng Tàu là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển. Với vị trí này, Bà Rịa – Vũng Tàu có điều kiện phát triển tất cả các tuyến giao thông đường bộ, đường không, đường thủy và đường sắt, là một điểm trung chuyển đi các nơi trong nước và thế giới.

Bà Rịa – Vũng Tàu xác định mục tiêu phát triển trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp. Để phát huy lợi thế và tiềm năng, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025, ngành nông nghiệp của tỉnh đã hình thành 07 vùng nông nghiệp công nghệ cao tại các huyện: Châu Đức, Phú Mỹ, Bà Rịa, Đất Đỏ, Xuyên Mộc với tổng diện tích 5.910 ha. Tỉnh tập trung phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi thủy sản và Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với chức năng nghiên cứu, sản xuất và lai tạo giống, đào tạo, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 dự kiến tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025 chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một tiềm năng giúp phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Đến cuối tháng 7/2023, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 91 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của 45 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 62 sản phẩm đạt 4 sao và 29 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng của các công ty, hợp tác xã, doanh nghiệp đều chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm; đạt chứng nhận HACCP, VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tập trung phát triển vùng nguyên liệu đầu vào tại địa phương và được kiểm nghiệm đánh giá từ quy trình trồng, thu hoạch, sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Đây là tiền đề, nguồn cung nguyên liệu đa dạng có chất lượng và sản lượng lớn để phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

Bộ sản phẩm hạt tiêu của Công ty cổ phần Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây

Nhận thấy tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh rất lớn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên và phát triển tối thiểu 20 – 24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Sở Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương khuyến khích chủ thể có sản phẩm đạt OCOP hoàn thiện các yêu cầu cần thiết như tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm, hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm để mở rộng chuỗi tiêu thụ, nhất là trong siêu thị.

Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều sản phẩm đặc trưng nên có tiềm năng lớn để xây dựng sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, liên kết và tiêu thụ sản phẩm, phát triển ngành nghề nông thôn. Công tác xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh cũng được đổi mới và hỗ trợ tích cực việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP kết nối vào các hệ thống phân phối hiện đại, các đơn vị phân phối và hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chú trọng đến các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong số này, có 4 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; 27 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, 4 sản phẩm thuộc nhóm khác.

Việc tổ chức bình chọn sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, từ đó có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chú trọng phát triển lợi thế của các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn.

Theo Quyết định số 964/QĐ-TTg, huyện Côn Đảo nằm trong danh mục địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020. Nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của huyện đảo, tỉnh đã xây dựng Đề án “Phát triển Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mục tiêu đến năm 2030, huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Côn Đảo, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao, chú trọng hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và đảm bảo công bằng xã hội. Tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là vùng bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử; là khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ quốc phòng và an ninh.

Thông tin chi tiết xem file đính kèm.

© Tuyên bố bản quyền