Thừa Thiên Huế thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng tầm thương hiệu tinh dầu tràm.

Dầu tràm là một dược liệu tự nhiên chăm sóc sức khỏe vô cùng hiệu quả được người dân trong và ngoài nước ưa chuộng. Được xem như cái nôi của nghề sản xuất dầu tràm, Thừa Thiên Huế là nơi tạo nên giá trị thương hiệu dầu tràm. Tính đến năm 2018, cả tỉnh hiện có hơn 200 cơ sở sản xuất và kinh doanh dầu tràm, sản lượng tinh dầu khoảng 16.000 lít/năm, doanh thu ước đạt khoảng 14 tỷ đồng.

Đặc điểm dầu tràm Huế

Thừa Thiên Huế thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng tầm thương hiệu tinh dầu tràm.

Dầu tràm Huế có đặc điểm rất khác với các loại dầu gió khác đó là dầu tràm không mang tính nóng, được chiết xuất từ cây tràm gió, được sử dụng bằng phương pháp thủ công truyền thống. Các hoạt chất tự nhiên từ dầu tràm còn có khả năng ức chế virus cúm H5N1 tốt. Dầu xoa nóng nhưng không bỏng rát nên sử dụng rất tốt cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ sau sinh vì không có tác dụng phụ.

Được chiết xuất từ cây tràm gió, tinh dầu tràm Huế có mùi hương dịu nhẹ, dùng làm thuốc xoa bóp chống viêm, trị đau nhức, tê thấp, sát khuẩn, trị ho, cảm, đặc biệt rất tốt cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và sau khi sinh, nên tinh dầu tràm Huế càng trở nên giá trị đối với người tiêu dùng. Hiện nay trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có hơn 200 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh dầu tràm với gần 60 lò chưng cất, sản lượng tinh dầu khoảng 16.000 lít/năm, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Phú Lộc và Phong Điền, đa số là các lò loại nhỏ và có một số cơ sở sử dụng lò chưng cất loại lớn.

Về chủng loại sản phẩm, có khoảng 50% sản lượng dầu tràm đóng chai với giá khoảng từ 1 – 1,8 triệu đồng/lít và khoảng 50% dầu tràm được bán dưới dạng nguyên liệu với giá khoảng 750 – 800 nghìn đồng/lít. Doanh thu từ việc sản xuất và kinh doanh dầu tràm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ước tính khoảng 14 tỷ đồng/năm. Việc kinh doanh sản phẩm dầu tràm cũng khá đa dạng gồm các hình thức bán sỉ, bán lẻ và bán hàng qua mạng.

Được xem là cái nôi của quê hương dầu tràm, huyện Phú Lộc là địa phương tiên phong trong việc duy trì và phát triển nghề nấu tinh dầu tràm hiện nay. Bên cạnh đó, Phú Lộc được xem là địa phương đi đầu trong việc sản xuất và kinh doanh dầu tràm là nhờ cây tràm gió ở đây như được thiên nhiên ban tặng, toàn vùng đều là cây tràm gió, chúng mọc tự nhiên mà không có sự chăm sóc hay tác động nào từ con người. Có lẽ do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại đây phù hợp với loại cây này nên hàm lượng tinh dầu sau khi chưng cất cũng cao hơn, thơm hơn so với những cây tràm gió ở các vùng khác.

Dầu tràm là một trong những nghề tiểu thủ công nghiệp trọng điểm của huyện Phú Lộc.

Nghề nấu dầu tràm Phú Lộc được hình thành từ rất sớm và hiện nay các lò dầu tràm đã được cải thiện hiện đại hơn trước rất nhiều, nhưng công thức vẫn không thay đổi dù năm tháng có trôi qua. Muốn có một chai dầu tràm nguyên chất, người làm phải trải qua nhiều công đoạn như lựa chọn, xử lý nguyên liệu, nấu và lọc dầu. Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, đặc biệt là lựa chọn nguyên liệu, phải chọn những loại lá tràm già, không quá non, thì tinh dầu mới được đúng nguyên chất, đảm bảo được chất lượng khi sản xuất ra. Lò nấu dầu tràm được người dân Phú Lộc tự làm, đơn sơ nhưng vẫn đảm bảo. Dầu tràm phải được nấu với nhiệt độ khoảng 1.000 độ C mới tạo được lượng hơi nước lớn, khi hơi nước được hình thành sẽ truyền theo ống dẫn để thoát thành nước và tinh dầu, rồi sau đó người làm sẽ lọc dầu tràm đang lẫn vào nước. Trung bình một lò nấu dầu chứa được hơn một tạ lá tràm, thời gian để nấu được 400 ml dầu khoảng 5 giờ đồng hồ.

Nghề nấu tinh dầu tràm ở huyện Phú Lộc đã phát triển rầm rộ trong nhiều năm qua, thu hút nhiều hộ gia đình tìm hiểu, nghiên cứu và nấu tinh dầu tràm để kinh doanh và phát triển kinh tế. Theo thống kê của Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Phú Lộc, toàn huyện có trên 90 hộ sản xuất và kinh doanh dầu tràm, trong đó, riêng xã Lộc Thủy có 52 hộ tham gia sản xuất và kinh doanh, xã Lộc Tiến có 39 hộ sản xuất và kinh doanh.

Tại huyện Phú Lộc, nổi bật nhất là thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy vừa được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất. Làng nghề dầu tràm Lộc Thủy đang nỗ lực trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, quản lý chất lượng, phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mô hình tinh chế dầu tràm tại cơ sở chế biến dầu tràm Thanh Bình, xã Lộc Thủy; thực hiện đăng ký mẫu chai độc quyền với tên nhãn hiệu trên chai là “Dầu tràm Lộc Thủy”, bước đầu mang lại hiệu quả và khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Để sản phẩm dầu tràm trở thành một thương hiệu mạnh của Thừa Thiên Huế

Trong năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Phú Lộc đã công bố chuẩn kỹ thuật địa phương đối với tinh dầu tràm Huế. Theo đó, các cá nhân tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm dầu tràm phải đảm bảo những quy chuẩn đã công bố về mùi, vị, màu sắc và các chỉ tiêu về vật lý, hóa học.

Quy chuẩn cũng quy định các tiêu chuẩn về kỹ thuật màu sắc, mùi, vị như: Tinh dầu tràm có màu vàng nhạt và độ trong suốt, mùi thơm đặc trưng của tinh dầu tràm Huế, vị cay và cay dịu đặc trưng của tinh dầu tràm Huế.

Theo UBND huyện Phú Lộc, việc công bố quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm tinh dầu tràm nhằm kiểm soát chặt chẽ các chất hóa học tổng hợp hay tự nhiên vượt quá mức quy định cho phép, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Khi đã công bố các quy chuẩn về chất lượng tinh dầu tràm, các tổ chức, cá nhân sản xuất chỉ được đưa ra lưu thông trên thị trường các sản phẩm tinh dầu tràm đã được đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Các sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn, ghi nhãn theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, giữa năm 2018, dầu tràm Huế là một trong hai đặc sản được UBND tỉnh xác định để thực hiện xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Cùng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh và sự đồng thuận từ đại diện các cơ sở sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế.

Thừa Thiên Huế cũng có kế hoạch phát triển đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm dầu tràm. Tuy nhiên, nguyên liệu là thách thức lớn của ngành nghề này. Việc nhanh chóng xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp hơn, song song với việc xây dựng thương hiệu và đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm dầu tràm Huế là những hoạt động nên được thực hiện đồng loạt và càng sớm càng tốt. Các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở sản xuất kinh doanh cần tập trung đưa ra những giải pháp và định hướng phát triển cho sản phẩm dầu tràm Huế, hướng tới trở thành một thương hiệu mạnh của Thừa Thiên Huế trong tương lai.

Nguồn: VITIC

© Tuyên bố bản quyền