Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản Hà Bình

Trong thời gian qua, nhiều sản phẩm đặc sản nổi bật mang giá trị cao như Su Su Tân Lạc, Mía tím Hòa Bình, Cam Lạc Thủy của tỉnh Hòa Bình đã được xây dựng thương hiệu. Trong điều kiện hội nhập kinh tế thì việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất có ý nghĩa để sản phẩm địa phương nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, để sản phẩm địa phương đến được với thị trường cả trong nước và nước ngoài, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội.

Su su Tân Lạc

Su su là loại cây bản địa, dễ trồng, sớm cho thu hoạch, giá bán tương đối ổn định. Trước khi có nhãn hiệu tập thể, sản phẩm su su của huyện Tân Lạc chưa phát triển đúng tiềm năng và lợi thế vốn có về khí hậu, thổ nhưỡng mà thiên nhiên ưu đãi. Trước đây, số lượng hộ trồng su su manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng rau không đảm bảo, sản lượng thấp. Sản phẩm su su mang nhãn hiệu tập thể “Su su Tân Lạc” hoàn toàn được trồng và phát triển tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hoạt chất kích thích khác. Tuy nhiên sau khi được cấp nhãn hiệu tập thể, việc sản xuất, kinh doanh rau su su mang nhãn hiệu đã được huyện quy hoạch đầu tư có trọng điểm, chú trọng công tác quảng bá nên giá thành của sản phẩm đã được cải thiện so với trước.

Hợp tác xã Quyết Thắng, xã Quyết Chiến đã tham gia sản xuất rau su su theo phương thức an toàn, chăm sóc rau su su theo quy trình VietGAP và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh khẳng định chất lượng, sản phẩm rau su su đã được đóng gói, có tem nhãn, xuất xứ đầy đủ, đồng thời được tỉnh, huyện hỗ trợ các thông tin, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường.

Sản phẩm rau su su Tân Lạc tại vùng trồng tập trung xã Quyết Chiến và một số xã lân cận Lũng Vân, Nam Sơn đã tìm được đầu ra và giá cả ổn định hơn. Đặc biệt, thương hiệu rau su su Tân Lạc đã được người tiêu dùng ngoại tỉnh ưa chuộng, tin dùng. Hiện nay, rau su su đã được đưa vào tiêu thụ tại một số siêu thị và chuỗi thực phẩm của Thủ đô Hà Nội. Thời điểm hiện tại, 10 tấn rau su su được tiêu thụ tại Hà Nội, gấp đôi so với lượng tiêu thụ tại Vĩnh Phúc.

Cây su su trồng tập trung tại cánh đồng Bưa Má, Đồng Lim, Bưa Lìm, hiệu quả kinh tế hơn hẳn các loại cây trồng khác. Trên thị trường hiện nay, su su mang nhãn hiệu tập thể có giá bán cao hơn từ 2.000đ/kg so với sản phẩm su su cùng loại của huyện Tân Lạc không mang nhãn hiệu.

Tổng diện tích rau su su hiện đạt 64 ha (Quyết Chiến 60 ha, Lũng Vân 4 ha). Trong đó diện tích su su của các hợp tác xã 12,3 ha, các hộ dân 39,7 ha; năng suất bình quân 63 tấn/năm, sản lượng đạt 3.200 tấn/năm; giá bán bình quân 4.000 đồng, thu nhập đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Cây su su trồng 1 lần, thu hoạch từ 2-3 năm, năm thứ nhất đạt 80 triệu đồng/ha, năm thứ 2 từ 100-120 triệu đồng/ha.

Tại một số hộ gia đình trồng su su tại xã Quyết Chiến, với năng suất bình quân 70 đến 80kg/1.000 m2, giá bán hiện tại 4.000 đồng/kg, các hộ trồng su su thu về trên 3 triệu đồng/tháng, vào thời điểm thu hoạch rộ thì thu nhập đạt 5 đến 6 triệu đồng/tháng.

Chất lượng su su Quyết Chiến khá tốt, hiệu quả khá cao, nên cần đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên nhãn hiệu “Su su Tân Lạc” chưa được quảng bá rộng rãi, chất lượng chưa đồng nhất, trong liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm còn thiếu tính bền vững. Ngoài ra, năng lực cũng như điều kiện để HTX hoạt động chưa thuận lợi cũng ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ su su ở Tân Lạc.

Để sản phẩm được tiêu thụ ổn định, mở ra cơ hội bền vững nâng cao đời sống người dân, huyện Tân Lạc thực hiện quy hoạch lại vùng sản xuất rau su su với diện tích khoảng 100 ha tại các xã: Quyết Chiến, Lũng Vân, Ngổ Luông và Nam Sơn. Huyện cũng mở rộng diện tích trồng rau ôn đới với sự tài trợ của tổ chức GNI và dự án phát triển nông thôn huyện gắn với phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; chú trọng thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau su su và các loại rau ôn đới.

Mía tím Hòa Bình

Hòa Bình là một trong những tỉnh có diện tích trồng mía lớn tại miền Bắc. Các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi được mệnh danh là thủ phủ của cây mía với tổng diện tích trồng trên 9.000 ha, trong đó, mía tím chiếm hơn 5.000 ha.

Mía tím Hòa Bình có màu tím thẫm, thân bóng mịn, lóng dài, trong đó, nổi tiếng nhất là mía Phong Phú (Tân Lạc). Cây to, cao tới gần 2m, ít mắt. Mía mềm, ngọt mà không gắt, mùi thơm đặc trưng. Với người Hòa Bình, cây mía tím còn mang ý nghĩa tâm linh, là sản vật được bày hai bên bàn thờ cho tới hết rằm tháng Giêng với mong muốn năm mới may mắn, ngọt lành.

10 năm trở lại đây, diện tích trồng mía tím được mở rộng nhanh chóng bởi cây mía không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, dễ trồng, ít đòi hỏi công chăm bón mà còn đem lại thu nhập cao gấp 3-4 lần trồng lúa.

Vụ trồng mía tím thường bắt đầu từ khoảng tháng 2 âm lịch hàng năm. Sau gần 10 tháng, cây mía sẽ cho thu hoạch. Đầu vụ trồng, người dân cày xới lại, để ải đất, nhằm loại bỏ hết những mầm bệnh từ mùa cũ, sau đó, thực hiện bón lót bằng phân chuồng ủ hoai mục. Trong thời kỳ cây phát triển, bà con bón thêm NPK và thường xuyên theo dõi, bóc bẹ, làm cỏ để hạn chế sâu bệnh. Loại côn trùng hại mía chủ yếu là kiến và rệp, kiến bò từ gốc lên, đẻ trứng ấp trong bẹ lá. Do vậy, thay vì phun thuốc bảo vệ thực vật, người dân chỉ tận dụng công lao động bóc bẹ mía thủ công để trừ kiến, rệp hại. Lá mía bóc đi được để khô rồi đem đốt.

Hiện nay, sản lượng trung bình của mía tím Hòa Bình đạt khoảng 5 tạ trên một ha. Giá bán tại vườn dao động từ 3.000 đến 4.000 đồng mỗi cây. Mỗi vụ, một ha mía mang lại cho người dân thu nhập trung bình khoảng 150-200 triệu đồng. Bên cạnh thị trường tiêu thụ trong tỉnh, cây mía tím Hòa Bình còn được tiêu thụ khắp các tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai.

Cam Lạc Thủy

Cam Lạc Thủy được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ có chất lượng tốt (vỏ mỏng, mẫu mã đẹp, nhiều nước, ít hạt, tỷ lệ xơ thấp, vị ngọt và thơm). Huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) hiện có 996 ha cây có múi, trong đó diện tích cam 668 ha. Tính riêng diện tích cam được trồng mới kể từ năm 2015 đến nay là khoảng 465 ha; trong đó, năm 2017 trồng thêm 213 ha.

Những vùng cam rộng lớn nhất của Lạc Thủy phải kể đến xã Liên Hòa có 214 ha, xã Phú Thành 286 ha, thị trấn Thanh Hà 140 ha, Thanh Nông 50 ha, Phú Lão 40 ha. Hiện nay, trên 30% tổng diện tích cây ăn quả có múi vào thời kỳ kinh doanh, năng suất bình quân đạt 25 – 30 tấn cam/ha ở niên vụ 2016 – 2017. Giá bán bình quân Cam Lạc Thủy hiện khoảng 25.000 – 28.000đ/kg.

Được biết, các hộ trồng cam ở Lạc Thủy đều áp dụng quy trình chăm sóc, sử dụng các chế phẩm sinh học, bón phân hữu cơ trộn với vôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, với việc áp dụng tốt nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc phòng trừ dịch bệnh hướng tới các giải pháp vi sinh và tổng hợp. Trong 3 năm gần đây, 100% mẫu sản phẩm kiểm nghiệm đều đáp ứng các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Phát triển sản xuất cam hàng hóa chất lượng cao là chiến lược của huyện nhằm tái cơ cấu nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân.

Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản Hòa Bình

Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản Hà Bình

Tại huyện Cao Phong, lễ hội cây ăn quả có múi và Hội chợ nông nghiệp tỉnh Hòa Bình năm 2018 sẽ được tổ chức vào tuần cuối tháng 11/2018 gắn với Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây là dịp để Hòa Bình giới thiệu tiềm năng lợi thế, các sản phẩm nông sản của địa phương, đặc biệt là các loại cây có múi như: cam, bưởi, quýt; đồng thời giới thiệu các thủ tục, chính sách thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Hòa Bình hoặc liên kết sản xuất.

Nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm đặc sản Hòa Bình, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội, định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng, trong những năm tới, tỉnh Hòa Bình tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về giá trị của các đặc sản địa phương đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Nâng cao vai trò của các tổ chức tập thể trong việc tập hợp hội viên giám sát nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác có hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ đã được bảo hộ. Xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh.

Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 mỗi huyện có thêm ít nhất 2 sản phẩm được xây dựng thương hiệu. Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư vào chế biến một số sản phẩm chính của tỉnh như cam, mía. Tăng cường hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp gắn với xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Chú trọng vai trò của doanh nghiệp trong việc áp dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức tập thể, người dân nhằm tạo sự ổn định và bền vững cho sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống, áp dụng tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong canh tác tự động, nâng hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản sản phẩm nông sản sau thu hoạch nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa.

Trong công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, huyện Tân Lạc đã và đang xác định việc xây dựng, phát triển thương hiệu là hành trang thiết yếu để sản phẩm nông sản của địa phương có thể đạt mục tiêu tạo dựng danh tiếng, vươn ra các thị trường lớn, từ đó nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận và thu nhập cho hộ làm nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Theo chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã được tỉnh phê duyệt sắp tới, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với huyện, xã triển khai các bước tổng hợp danh mục, rà soát và lựa chọn số hộ cam kết, đăng ký tham gia phát triển thương hiệu quýt Nam Sơn và tiến tới xây dựng thương hiệu khoai lang Phú Cường ở giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đây cũng là 2 sản phẩm của huyện trong số 35 sản phẩm toàn tỉnh được ưu tiên hỗ trợ cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Các sản phẩm nhãn hiệu tập thể ở tỉnh Hòa Bình đều gắn với đặc trưng của một vùng nhất định. Điều thuận lợi khi sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể sẽ dễ tiêu thụ hơn trên thị trường. Đồng thời, gắn trách nhiệm của chủ sở hữu với sản phẩm. Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể phải có trách nhiệm đảm bảo tuân thủ các yêu cầu nhất định của các thành viên; đảm bảo cho sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra khi được bảo hộ.

Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ không chỉ mở ra các cơ hội thuận lợi về kinh doanh, thương mại mà còn góp phần lớn ổn định và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng nhãn hiệu tập thể ở các địa phương trong tỉnh còn gặp một số vướng mắc. Do các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh hoạt động quy mô vừa và nhỏ nên chưa chú trọng đến hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Công tác quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý còn gặp khó khăn trong việc kiểm soát, in ấn và gắn tem nhãn cũng như phát triển, mở rộng thị trường do thiếu kinh phí, kinh nghiệm hoạt động và đồng bộ trong quản lý. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ thông qua các lớp đào tạo tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên trong tập thể, các tổ chức Hiệp hội, HTX, các cán bộ quản lý các cấp lãnh đạo ở địa phương có đăng ký nhãn hiệu tập thể nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Cùng với đó cần chú trọng tới hoạt động quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ. Các tổ chức, tập thể, hợp tác xã, hội sở hữu nhãn hiệu tập thể cần tích cực tuyên truyền, vận động nông dân ở những vùng có sản phẩm đặc sản chủ động tham gia vào các hợp tác xã, hội để cùng nhau xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Chính quyền địa phương nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nông dân về việc chọn giống cây trồng, nguyên liệu sản phẩm đảm bảo chất lượng và hương vị đặc trưng của sản phẩm.

© Tuyên bố bản quyền