Tch cực thay đổi để nước mắm Ba Làng bảo vệ thương hiệu bền vững.
Nước mắm Ba Làng là thương hiệu quen thuộc với người dân, sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận logo và bố cục. Đứng trước nhu cầu phát triển về chất lượng, mẫu mã và vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, chính quyền địa phương đã có những thay đổi để nước mắm Ba Làng giữ vững được thương hiệu.
Nghề đánh bắt hải sản từ lâu đã trở thành thế mạnh của xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Cũng bởi vậy mà vùng đất này nổi tiếng với một loại nước mắm thơm ngon, đó là nước mắm chắt truyền thống hay còn gọi là nước mắm Ba Làng. Xã Hải Thanh là nơi có địa thế ngư trường thuận lợi, có cửa biển sâu và các đảo phía Đông Nam bao bọc. Ngoài khai thác cá gần bờ, ngư dân còn vào vùng biển phía Nam để đánh bắt nên sản lượng khai thác hàng năm lên tới hàng nghìn tấn. Từ nguồn hải sản tươi ngon và phong phú đã làm ra nước mắm Ba Làng đậm đà, chuẩn vị truyền thống được nhiều người ưa chuộng.
Tại xã Hải Thanh, có ba làng Quang Minh, Xuân Tiến và Thượng Hải là nơi các cơ sở làm mắm tập trung nhiều nhất. Theo số liệu từ Hiệp hội nước mắm Do Xuyên – Ba Làng, hiện có khoảng 120 cơ sở chuyên về sản xuất nước mắm và muối các loại mắm, trong đó có 23 doanh nghiệp lớn là thành viên của Hiệp hội. Hàng tháng, sản lượng nước mắm xuất ra trên thị trường lên tới hàng nghìn lít.
Nước mắm Ba Làng mặn hơn nước mắm công nghiệp, nhưng khi ăn sẽ lưu lại vị trên đầu lưỡi rất lâu, đặc biệt hấp dẫn khi dùng với món luộc. Mỗi năm tại Hải Thanh, có hai mùa ủ mắm chính là tháng 6 – 7 (vụ nam) và tháng 11 – 12 (vụ bắc), vì đây là khoảng thời gian hải sản về nhiều, thời tiết phù hợp. Là nước mắm truyền thống nên các công đoạn làm mắm Ba Làng sẽ được thực hiện thủ công. Thành phần gồm cá và muối, bước chọn cá quan trọng nhất, phải là cá tươi ngon, độ đạm cao, nhiều thịt, ngọt nước, có thể tự tạo hương vị cho mắm mà không cần thêm phụ gia khác. Muối dùng ướp cá là muối trắng, hạt to, tùy theo khối lượng của chum chứa mà cá sẽ được muối trong khoảng từ 12 đến 18 tháng.
Đứng trước xu thế mới, nước mắm Ba Làng đã có những kế hoạch để phát triển sản phẩm. Theo đó, nhiều hộ kinh doanh chủ động mở rộng quy mô cơ sở sản xuất, đồng thời sáng tạo để có những cải tiến về mẫu mã và chất lượng, triển khai xây dựng thêm gian trưng bày cho sản phẩm ngay tại cơ sở của mình. Việc tích cực quảng bá thông qua các kênh trực tiếp và gián tiếp giúp sản phẩm mắm Ba Làng được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn. Trước đây, nước mắm chủ yếu được bán trong huyện hay các địa phương lân cận trong tỉnh. Nhưng gần đây, các hộ đã mở rộng thị trường tiêu thụ và có chiến lược hướng đến xuất khẩu. Nước mắm không đóng trong những can nhựa lớn như trước mà chuyển sang đóng chai thủy tinh với dung tích đa dạng để phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng. Bên cạnh đó, thương hiệu mắm Ba Làng đã ký hợp đồng cung cấp nước mắm với nhiều đơn vị quân đội và các bếp ăn tập thể của các cơ quan. Việc đa dạng hóa nguồn tiêu thụ giúp sản phẩm có đầu ra ổn định, người dân yên tâm sản xuất.
Các doanh nghiệp trước đây không chú trọng đến nhãn hiệu, mã vạch, ngày sản xuất và hạn sử dụng của nước mắm, nhưng trong vài năm gần đây địa phương đã khuyến khích các hộ đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình, đồng thời nỗ lực để được xét công nhận OCOP toàn tỉnh. Hiệp hội nước mắm Ba Làng cũng chủ động thống nhất về nguyên liệu, phương thức và chất lượng sản phẩm, thường xuyên tổ chức tập huấn và đào tạo nghề cho người lao động; Chú trọng xây dựng nhãn hiệu và vệ sinh an toàn thực phẩm để nhanh chóng thích nghi với nhu cầu ngày càng cao của xã hội và giữ vững thương hiệu nước mắm Ba Làng.
Khánh Huyền