Sơn La chú trọng phát triển các loại cây trồng có lợi thế nhằm nâng cao xuất khẩu.

Xuất khẩu một lượng lớn nông sản với giá ổn định, xóa bỏ nguy cơ “được mùa, mất giá” – đó là những thành tích tỉnh Sơn La đạt được trong năm 2018. Đáng chú ý hơn cả, Sơn La mới chỉ tham gia xuất khẩu nông sản bài bản trong 2 năm trở lại đây. Thành tích đó có được phần lớn nhờ những chủ trương kịp thời, đúng đắn của Tỉnh ủy Sơn La.

Năm 2018, sản xuất nông nghiệp của tỉnh miền núi Sơn La có những bứt phá ngoạn mục. Giá trị tăng thêm của ngành ước đạt 7.300 tỷ đồng, tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trên 115 triệu USD, vượt hơn 40% kế hoạch đã đề ra.

Với 350.000 ha đất làm nông nghiệp, đa phần màu mỡ, giúp tỉnh Sơn La vừa phát triển các loại cây trồng có giá trị cao theo hướng tập trung quy mô lớn, vừa phát triển đa dạng những sản phẩm nông sản của vùng, miền trong tỉnh. Đến nay, các sản phẩm của tỉnh như:Rau, củ an toàn, xoài, chanh leo, nhãn, bơ… đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhờ chất lượng rất tốt.

Tuy nhiên để có được nguồn nông sản chất lượng đã khó, để tiêu thụ thành công nông sản còn khó khăn hơn. Hai năm gần đây, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, trong đó, trái cây là mặt hàng quan trọng.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm, khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, nước ngoài. Qua khảo sát, xúc tiến đã ký kết và triển khai biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với một số doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm và đối tác tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; góp phần quan trọng tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của tỉnh năm 2018 và các năm tiếp theo.

Xác định xuất khẩu nông sản là một trong những hoạt động trọng tâm và phải thực hiện một cách bài bản. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chuyển đổi cây nông nghiệp hiệu quả thấp sang phát triển cây ăn quả.

Đối với xuất khẩu năm 2018, ước sản lượng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 17.500 tấn. Trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như: Xoài 3.500 tấn (giá trị 1,75 triệu USD) sang thị trường Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Dubai. Nhãn tươi đạt 5.035 tấn (giá trị ước đạt 11,42 triệu USD) sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ… Chanh leo khoảng 1.700 tấn (giá trị đạt 1,938 triệu USD) sang thị trường Trung Quốc, Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan… Chè khô ước đạt 8.000 tấn (giá trị 16,5 triệu USD), sang thị trường Đài Loan, Pakistan, Afghanistan, Nhật Bản, UAE, Trung Quốc. Cà phê nhân ước đạt 25.000 tấn (giá trị khoảng 60,48 triệu USD), sang thị trường EU, Hoa Kỳ, UAE, Ấn Độ…

Hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh đã đạt 3 yêu cầu: Được mùa, năng suất cao; được giá, giá thu mua ổn định, cơ bản khắc phục hiện tượng ép giá; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả được nhân rộng, đời sống người dân được nâng lên. Đây là việc có ý nghĩa với một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Sơn La.

Sơn La chú trọng phát triển các loại cây trồng có lợi thế nhằm nâng cao xuất khẩu.

Phát triển nông sản công nghệ cao

Năm 2019, tỉnh Sơn La xác định tiếp tục thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nông sản theo yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, sản xuất gắn chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ. Tỉnh Sơn La xác định, xuất khẩu là giải pháp đột phá thúc đẩy tiêu thụ nông sản quan trọng, tạo tác động tương hỗ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các thị trường.

Triển khai kế hoạch trên, tỉnh Sơn La đã đề ra các mục tiêu, đó là xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu; tập trung phát triển mới khoảng 24.346 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đạt 81.785 ha, trong đó có 16.357 ha diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GAP khác. Năm 2019, có 100.000 ha diện tích trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp, rau các loại đủ điều kiện xuất khẩu trong đó có 20.000 ha áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… Triển khai phương thức sản xuất hữu cơ, đẩy mạnh tiến độ cấp mã vùng trồng và diện tích sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn và xuất khẩu.

Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản của địa phương có tiềm năng, lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng; tăng tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu đã qua chế biến, sơ chế như rau, cà phê… Phấn đấu tổng sản lượng xuất khẩu nông sản năm 2019 ước đạt 135.306 tấn, tăng 1,43 lần so với năm 2018; trong đó, sản lượng xuất khẩu sản phẩm quả đạt 21.000 tấn, tăng 20% so với năm 2018.

Để đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu, thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến của các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được chứng nhận sản xuất nông nghiệp an toàn và đã được cấp mã vùng trồng năm 2018.

Đồng thời, tiếp tục chứng nhận nông nghiệp an toàn và mã vùng trồng mới năm 2019; đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững.

Phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây ăn quả tỉnh Sơn La đạt khoảng 100.000 ha, gồm 27.800ha sơn tra và 72.200 ha cây ăn quả khác. Trong đó, diện tích chuyển đổi trên đất dốc trồng cây lương thực là 20.000ha; ghép cải tạo vườn cây ăn quả kém hiệu quả trên 10.000ha. Sản lượng ước đạt hơn 1 triệu tấn. Giá trị sản xuất trên 1 ha trồng cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Các huyện của tỉnh Sơn La đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Đến thời điểm này, 17.500 tấn quả các loại đã được Sơn La xuất khẩu ra thế giới, tổng giá trị nông sản xuất khẩu hàng trăm triệu USD. Đây thực sự là con số trong mơ của tỉnh miền núi này qua các năm. Theo đánh giá, tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, Sơn La là vùng có chuyển mình ngoạn mục. Một số huyện như Yên Châu, đây là vùng đất trồng xoài rất tốt, trước đây cây xoài không được chú trọng. Nhưng sau khi xác định được điều kiện phát triển xoài thuận tiện, vụ xoài của Yên Châu vừa rồi đã cho kết quả rất tốt.

Nhiều huyện của tỉnh Sơn La như Mộc Châu, Mai Sơn, Yên Châu… đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, huyện Mộc Châu đẩy mạnh việc giảm diện tích cây lương thực canh tác trên đất dốc, chuyển diện tích ruộng nước kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả hiệu quả cao. Áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới có hiệu quả, đẩy mạnh đầu tư thâm canh, tăng vụ; xây dựng và bước đầu hình thành một số mô hình, vùng sản xuất rau, hoa tập trung chất lượng cao với quy mô từ 5 đến 20 ha/điểm.

Ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ tại Huyện Mộc Châu chuyển biến tích cực

Hiện diện tích rau, củ của huyện Mộc Châu là 1.470 ha, doanh thu bình quân đạt 400 triệu đồng/ha; sản xuất hoa chất lượng cao đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/ha. Cây chè tiếp tục được phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến. Diện tích cây trồng kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Tập trung phát triển những loại cây trồng có lợi thế như: Mận hậu, nhãn ghép, xoài, bơ, chanh leo, hồng giòn…với diện tích tăng bình quân khoảng 800 ha/năm, nâng tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện lên 5.918 ha. Bên cạnh đó, huyện tuyên truyền người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với việc trồng rừng, tăng tỷ lệ che phủ của rừng.

Việc ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ phục vụ đời sống và sản xuất trên địa bàn huyện Mộc Châu có nhiều chuyển biến tích cực, bám sát nhu cầu thực tế. Các mô hình ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ ngày càng tăng cả về số lượng, năng suất, chất lượng và hiệu quả, người nông dân đã thấy được lợi ích của việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Toàn huyện đã xây dựng được khoảng 100 ha diện tích đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cho các loại cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm được nguồn nước tưới. Do đó, các sản phẩm sản xuất ra có năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đồng đều, chi phí nhân công chăm sóc cây đã giảm rõ rệt so với canh tác thông thường.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, quả, chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả cao như đầu tư nhà lưới, xây dựng hệ thống đường giao thông, cấp điện, xây dựng nhà đóng gói, kho lạnh…

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xây dựng và triển khai Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch đối với các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế với điều kiện phát triển của từng địa phương; tập trung đầu tư thâm canh, luân canh, tăng vụ, tăng năng suất các loại cây trồng, ứng dụng giống mới và các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất tạo ra các sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới và củng cố nâng cao hoạt động của các hợp tác xã gắn với xây dựng chuỗi giá trị từ khâu xuất khẩu đến tiêu thụ sản phẩm.

Mai Sơn một trong những vựa cây ăn quả của Sơn La

Huyện Mai Sơn – tỉnh Sơn La hiện có mô hình từ 3 – 5ha với thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Huyện chủ trương mở rộng mô hình cây ăn quả, phấn đấu hết năm 2020 đạt 9.000ha. Cùng với đó, huyện sẽ tập trung thực hiện rà soát, quy hoạch vùng để tạo ra những vùng cây ăn quả tập trung, góp phần thực hiện tốt xây dựng chuỗi liên kết bảo đảm đầu ra sản phẩm. Đồng thời, thực hiện tốt việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm để xuất khẩu trái cây Mai Sơn đến thị trường Australia, Mỹ, Trung Quốc, EU…

Toàn huyện có 20ha na Thái, trong đó riêng HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh sở hữu 15ha. Với giá bán tại vườn từ 120 – 130 nghìn đồng/kg, thu nhập mỗi thành viên HTX đạt trung bình 500 triệu đồng/năm. Năm 2019 HTX sẽ mở rộng thêm 30ha, dự kiến sản lượng khoảng 200 tấn, đồng thời phấn đấu chứng nhận GlobalGAP để xuất khẩu.

Những năm gần đây, huyện Mai Sơn thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả, việc phát triển cây ăn quả có chất lượng cao ở Mai Sơn mở rộng quy mô hơn. Theo đó, các hộ dân chuyển diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày hiệu quả thấp sang trồng nhãn, na, các loại cây có múi…

Đến nay, toàn huyện đã có 3.985ha cây ăn quả với sản lượng 18.000 tấn/năm. Riêng đối với cây na từ nhiều năm nay đã được khẳng định là loài cây gắn bó lâu dài, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Đặc biệt, từ khi giống na Thái xuất hiện với năng suất, chất lượng cao, thời gian chín kéo dài đến vài tháng, người dân đã tích cực chuyển đổi một số diện tích na dai sang ghép giống na Thái để có thu nhập cao hơn.

Mặc dù diện tích vùng cây ăn quả huyện Mai Sơn ngày càng được mở rộng và phát triển, nhưng đến nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Điều này khiến năng suất, sản lượng chưa đạt như mong muốn. Đồng thời, việc ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất và tiêu thụ hoa quả còn nhiều khó khăn.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Mai Sơn đã và đang thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các hợp tác xã. Đến nay, toàn huyện có trên 80 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có trên 60 hợp tác xã trồng cây ăn quả. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, người dân Mai Sơn nhiệt tình ủng hộ và tình nguyện tham gia hợp tác xã.

Việc thành lập hợp tác xã sẽ bảo đảm cho nông dân trong các khâu cung ứng vật tư, phân bón, giống, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, chỉ khi thành lập hợp tác xã thì tỉnh mới có căn cứ hỗ trợ cấp chứng nhận thực phẩm an toàn, chứng nhận VietGAP và tiến tới GlobalGAP, góp phần khẳng định thương hiệu, nâng cao vị thế trái cây Mai Sơn. Đồng thời, hợp tác xã cũng là cầu nối liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.

Thời gian qua, UBND huyện Mai Sơn cũng đã tích cực phối hợp với các sở, ngành để tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, hội chợ để quảng bá, thúc đẩy việc cấp chỉ dẫn địa lý và công nhận nhãn hiệu cho nông sản. Huyện Mai Sơn đã được cấp chứng nhận 2 mã vùng cho sản xuất xoài và nhãn tại hợp tác xã Ngọc Lan và hợp tác xã nhãn chín muộn với 28,7ha. Trong năm 2018, “na Mai Sơn” đã được chứng nhận nhãn hiệu, từ đây, thương hiệu “na Mai Sơn” đã có chỗ đứng pháp lý vững chắc trên thị trường, mở ra cơ hội hợp tác và liên kết chặt chẽ 4 nhà để sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm bền vững.

Việc trồng và phát triển vùng cây ăn quả đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 20%. Huyện Mai Sơn đã và đang tập trung xây dựng thêm các hợp tác xã nông nghiệp, thúc đẩy ký kết hợp tác tiêu thụ với các công ty, tập đoàn lớn, mở nhà máy chế biến hoa quả ở huyện Mai Sơn để bảo đảm đầu ra ổn định cho người dân yên tâm canh tác.

Huyện Yên Châu thực hiện đa dạng hóa cách tiếp cận thị trường tiêu thụ

Tại huyện Yên Châu, sản xuất nông nghiệp của toàn huyện chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây hàng năm hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả trên đất dốc có hiệu quả kinh tế cao.

Giá trị sản xuất ngành thương mại – dịch vụ của huyện Yên Châu năm 2018 ước đạt 1.255 tỷ đồng, đạt 100,8% so với kế hoạch, tăng 6,2% so với thực hiện năm 2017. Hoạt động thương mại – dịch vụ được quan tâm thực hiện, tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản có thế mạnh của huyện được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh nói riêng và thị trường toàn quốc nói chung. Nhờ đó đã đem lại cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã và nhân dân trong huyện cơ hội tập trung sản xuất, xây dựng vùng trồng an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mã số vùng trồng, tem, nhãn, bao bì đảm bảo các điều kiện xuất khẩu và tiêu thụ nông sản an toàn, đa dạng hóa cách tiếp cận thị trường tiêu thụ, liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến. Đặc biệt, các sản phẩm quả đã được bán sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Úc… Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm 5 loại quả: xoài, nhãn, chuối, mận hậu, chanh leo (trong đó: xoài 771,8 tấn; nhãn 137,5 tấn; chuối 195 tấn; mận hậu 1.266 tấn; chanh leo 110 tấn), giá trị xuất khẩu đạt 4,2 triệu USD.

© Tuyên bố bản quyền