Quảng Trị thành công trong mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ cây trồng thực phẩm đến cây ăn trái và dược liệu.

Quảng Trị xác định ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao là giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, là nhân tố then chốt để chuyển đổi sản xuất từ số lượng sang chất lượng và giá trị. Trên thực tế, tỉnh Quảng Trị đã rất thành công với mô hình sản xuất hữu cơ từ cây trồng thực phẩm đến cây ăn trái, cây dược liệu.

Dưa hấu Vĩnh Tú – Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xem là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Để hiện thực hóa xu thế đó, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người nông dân trong việc sản xuất, liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Là một tỉnh có đa dạng về điều kiện địa hình, đất đai, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau nên Quảng Trị rất thích hợp cho phát triển nông nghiệp, có nhiều loại cây trồng, con nuôi mang tính đặc sản vùng miền, có tính hàng hóa và có khả năng cạnh tranh cao như lúa chất lượng cao, cà phê Arabica, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu…, rất phù hợp để xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Để hỗ trợ người dân cũng như các doanh nghiệp, thời gian qua tỉnh đã ban hành một số chính sách về thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quảng Trị thành công trong mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ cây trồng thực phẩm đến cây ăn trái và dược liệu.

Quảng Trị đã xác định ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao là giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, là nhân tố then chốt để chuyển đổi sản xuất từ số lượng sang chất lượng và giá trị. Định hình một nền sản xuất nông nghiệp mới, biến điều kiện khắc nghiệt thành lợi thế phát triển, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái. Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kĩ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao hiệu quả giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, ổn định tốc độ tăng trưởng nông – lâm – thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tăng thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ ngày càng được nhận rộng tỉnh Quảng Trị.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đối với vụ Đông Xuân 2018 – 2019 đã được triển khai tại tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, mô hình được triển khai trên diện tích 20 ha, sử dụng giống lúa Bắc Thơm 7, tại hợp tác xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tham gia mô hình gồm có 101 hộ, các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 100% giống và 30% vật tư phân bón.

Mục đích của việc chuyển đổi mô hình sản xuất là tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa. Đồng thời, giúp người dân nắm bắt được quy trình sản xuất, quen dần với việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Điểm khác biệt của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ so với các mô hình đại trà là mô hình sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm và 100% hộ tham gia mô hình sử dụng phân chuồng được ủ bằng chế phẩm Trichoderma.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa sẽ tốt hơn; trong thời kỳ lúa trỗ, ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, gạo trong, cơm mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng.

Với năng suất ổn định, năng suất lúa tươi bình quân đạt 56 tạ/ha, nơi cao đạt trên 70 tạ – cho thu nhập khoảng 56 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, giống, phân bón, làm đất, thu hoạch cho lãi bình quân trên 30 triệu đồng/ha, nhiều nơi năng suất cao cho lãi 38 – 40 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất đại trà từ 15-18 triệu đồng/ha.

Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp cùng Hợp tác xã chọn ruộng ở mức độ trung bình, ruộng chuyên sản xuất hai vụ lúa. Trước khi bắt đầu vào vụ sản xuất 45 ngày, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho bà con quy trình ủ phân hữu cơ, quy trình kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng hữu cơ, gieo bằng công cụ sạ hàng, đồng thời cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi chỉ đạo trong suốt thời gian thực hiện mô hình.

Khi canh tác lúa hữu cơ, không còn tình trạng vỏ chai thuốc tràn lan bừa bãi tại các bờ ruộng mà thay vào đó là bà con đã ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ, giúp cây lúa tăng trưởng tốt, cải tạo đất và bảo vệ sức khỏe người nông dân.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp nói chung cũng như Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị nói riêng thường xuyên hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình sản xuất mới theo hướng hữu cơ nhằm tăng năng suất và chất lượng, giảm chi phí đầu tư, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, hiện toàn tỉnh có 8 HTX trồng lúa hữu cơ với tổng diện tích khoảng 300ha. Đặc biệt, tỉnh đã kết hợp với doanh nghiệp xây dựng thành công thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị.

Từ thành công ở mô hình nhỏ nhân rộng ra những mô hình lớn. Nhận thức của người dân cũng dần thay đổi, thích làm nông nghiệp hữu cơ hơn. Nhờ đó, ở Quảng Trị bây giờ có các chuỗi liên kết sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị, chuỗi cà phê Arabica Khe Sanh, hồ tiêu Quảng Trị và rất nhiều cây ăn quả đặc sản. Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết gắn vớidoanh nghiệp đã hình thành nên nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân và góp một phần vào bảo vệ môi trường.

Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 500ha diện tích sản xuất theo phương thức nông nghiệp hữu cơ, dự kiến trong năm 2019 sẽ tăng lên 1.000 ha và trong tương lai, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của tỉnh sẽ làm theo hướng nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch.

Dưa hấu Vĩnh Linh – Quảng Trị nổi tiếng thơm ngon nhờ được trồng bằng phương pháp hưu cơ.

Dưa hấu hữu cơ của xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị thơm ngon nổi tiếng nên người dân trồng ra không đủ bán. Ruột dưa đỏ như son, ăn có vị giòn, ngọt mát.

Nhân dân xã Vĩnh Tú quan tâm chất lượng sản phẩm là hàng đầu nên trồng dưa theo phương pháp hữu cơ, năng suất đạt 1,2 tấn/sào. Vụ Đông Xuân này xã Vĩnh Tú trồng khoảng hơn 100 ha dưa hấu, diện tích tăng gần gấp đôi năm trước, với giống chủ yếu là Tiểu Yến, Mặt trời có chất lượng tốt, thời gian thu hoạch ngắn, mang lại giá trị kinh tế cao. Giá bán dưa hấu tại vườn là 12 nghìn đồng/kg. Theo tính toán mỗi ha dưa sẽ cho thu nhập từ 180 đến 200 triệu đồng, nhiều hơn trồng các loại hoa màu khác trên cùng một diện tích.

Thời gian trồng dưa hấu bắt đầu từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng Giêng âm lịch năm sau. Khoảng chín mươi ngày thì cây dưa cho thu hoạch. Để bảo đảm chất lượng của dưa hấu Vĩnh Tú không lẫn lộn dưa hấu của các địa phương khác, mới đây Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho “Dưa hấu Vĩnh Tú” thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Chủ giấy chứng nhận nhãn hiệu “Dưa hấu Vĩnh Tú” là Hợp tác xã Nông nghiệp Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú.

Vụ dưa hấu này, UBND xã Vĩnh Tú phối hợp một số đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả để mua gần 30 nghìn tem truy xuất nguồn gốc phục vụ việc dán tem cho gần 30 nghìn quả dưa hấu được nông dân trồng tại các HTX trồng trên đất Vĩnh Tú.

Yếu tố đặc biệt làm dưa hấu Vĩnh Tú ngon hơn là do thời tiết, khí hậu ở Vĩnh Tú luôn khắc nghiệt, nắng nhiều, ít mưa. Người nông dân trồng dưa chỉ bón phân hữu cơ, không phun thuốc kích thích, trừ sâu nên sản phẩm sạch. Một yếu tố quan trọng nữa là cây dưa được trồng trên đất cát vàng và đất đỏ pha cát tỷ lệ mười phần trăm nên ẩm vừa đủ cho cây dưa tạo đường, tích tụ hương đất làm cho vị dưa thơm ngậy, mọng ngọt.

Xu hướng phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp cho người tiêu dùng yên tâm hơn với sản phẩm họ sử dụng. Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của người dân, tỉnh Quảng Trị đã rất thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Toàn bộ diện tích nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị sẽ làm theo hướng nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch.

Mặc dù đến nay trên địa bàn tỉnh chưa thành lập được các khu nông nghiệp, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã được triển khai. Đơn cử như hợp tác với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) triển khai mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản với quy mô 500 m2 tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh, áp dụng công nghệ nhà màng, giá thể đất cát, hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân và đã liên kết với Siêu thị Intimex (Hà Nội) thu mua với giá 50.000 đồng/kg; mô hình trồng rau bằng hệ thống thủy canh hồi lưu, trồng dưa lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel trong nhà màng của HTX Nguyên Khang Hải Lăng Garden tại thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng với quy mô 2.000 m2; mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Vĩnh Trung và Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh với hệ thống nhà lưới, nhà màng để trồng rau thủy canh, dưa lưới… quy mô 4.500 m2. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao phát triển vùng nguyên liệu dứa; Công ty Đại Nam – Nhà máy sản xuất phân bón Obi – Ong biển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Công ty Nafoods Tây Bắc triển khai vùng sản xuất chanh leo xuất khẩu; Tập đoàn FLC đầu tư phát triển khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dự kiến sản xuất trái cây như thanh long, chanh leo, dưa lưới… đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam ứng dụng các quy trình tiên tiến trong ương và nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng với quy mô 120 ha.

Nhờ tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật mới gắn với xây dựng mô hình điểm để chuyển giao đã giúp nông nghiệp có những thay đổi căn bản về sản xuất theo hướng ổn định, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng, đồng thời khai thác tốt lợi thế để phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, từng bước xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường như tiêu Cùa, cà phê Khe Sanh, gạo hữu cơ Quảng Trị, cà gai leo An Xuân, chè vằng Định Sơn. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch vùng nên các địa phương vẫn đang còn lúng túng trong quá trình thực hiện; việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp. Hầu hết các mô hình nhà kính vẫn chưa có đầu ra ổn định; việc lựa chọn phương thức, công nghệ xây dựng nhà kính khác nhau, chưa có mô hình chuẩn cho từng vùng sinh thái; chưa xác định được bộ cây trồng, vật nuôi chủ lực để nuôi trồng trong nhà kính nên sản lượng thấp, chưa đồng đều, khó kết nối thị trường; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn gặp khó khăn về nguồn vốn nên việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chỉ mới thực hiện ở một số khâu chứ chưa đồng bộ ở tất cả các khâu trong quy trình sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, hiện ngành Nông nghiệp đang xây dựng đề án quy hoạch tổng thể vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, tập trung các đối tượng cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực như lúa chất lượng cao, cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả đặc sản, cây dược liệu, gỗ rừng trồng, con bò, con tôm. Tăng cường hợp tác, kêu gọi các doanh nghiệp đến khảo sát thực tế, tìm kiếm cơ hội đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, cũng như tham mưu UBND tỉnh trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp về vốn, cơ chế, chính sách.

© Tuyên bố bản quyền