Phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tại Bến Tre.

Sản xuất nông nghiệp tại Bến Tre từng bước chuyển đổi theo quy chuẩn sạch, an toàn, tập trung xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc hướng đến phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh.

Ảnh minh họa

UBND tỉnh Bến Tre cho biết, năm 2023, sản xuất nông – ngư nghiệp tương đối thuận lợi, tăng trưởng Khu vực I ước đạt 2,65%. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác, 71 hợp tác xã tham gia và chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp đang dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang chủ động hơn trong việc tham gia các liên kết ngang – dọc trong chuỗi; mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu.

Đến nay, toàn tỉnh có 13 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 642,91 ha; 36 vùng trồng được cấp 71 mã số với diện tích 594,41 ha, đang chuẩn bị thiết lập mã số vùng trồng trên cây dừa; có 5 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Tỉ lệ giá trị sản phẩm nông – lâm – thủy sản chủ lực được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương đạt 11,2% (24.818 ha); thực hiện liên kết đạt 21,65%.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, nhất là về cung ứng vật tư nông nghiệp. Công tác ứng phó với xâm nhập mặn được tập trung triển khai quyết liệt, cùng với sự vận hành hiệu quả hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt nên đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của xâm nhập mặn và không gây thiệt hại lớn cho cây trồng, vật nuôi.

Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 2 đợt triều cường làm thiệt hại đến hoa màu, cây ăn trái, thủy sản của người dân và một số công trình giao thông; 6 đợt mưa dông, lốc gây ra một số thiệt hại; 1 điểm sạt lở bờ sông tại huyện Châu Thành. Các ngành, địa phương đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.

Về trồng trọt, diện tích và sản lượng dừa tăng nhẹ, giá dừa khô giảm mạnh những tháng đầu năm nhưng hiện đã tăng trở lại, bình quân 70.000 – 80.000 đồng/chục; trong năm phát triển được 1.300 ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 18.500 ha; tình hình sâu bệnh hại dừa có chiều hướng giảm.

Xây dựng vùng sản xuất tập trung bưởi da xanh với diện tích 387,58 ha; thí điểm vùng sản xuất tập trung sầu riêng với tổng diện tích chứng nhận VietGAP là 76,5 ha.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tổng đàn bò tăng 11,98%, đàn heo tăng 7,53% và đàn gia cầm tăng 11,20%. Dịch bệnh có xảy ra nhưng không đáng kể với một số ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời.

Hiện nay cả tỉnh có 15.140 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và nhỏ.

Nuôi thủy sản tiếp tục phát triển, diện tích tăng 0,24%, sản lượng thu hoạch tăng 4,29% so cùng kỳ. Nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao được người dân đầu tư khá về quy mô.

Hiện toàn tỉnh có 2.955 tàu, trong đó 2.042 tàu đánh bắt xa bờ; có 160 tổ hợp tác khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục được tập trung triển khai và đạt kết quả tốt.

Phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tại Bến Tre.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện; ước năm 2023, tỉnh công nhận 15 xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

© Tuyên bố bản quyền