Nam Định ưu tiên hỗ trợ xây dựng và bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tiêu biểu.

Để góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển xuất khẩu, Nam Định luôn chú trọng ưu tiên hỗ trợ xây dựng, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Thời gian qua, chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh được thực hiện gồm: Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Gạo tám xoan Hải Hậu” (Hải Hậu); xây dựng nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ La Xuyên”, xã Yên Ninh (Ý Yên), “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” (Nghĩa Hưng); nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Rượu nếp Yên Phú”, xã Yên Phú (Ý Yên), “Nước mắm Giao Châu”, xã Giao Châu, sản phẩm “Ngao sạch Giao Thủy” (Giao Thủy) và gần 300 nhãn hiệu hàng hóa là sản phẩm đăng ký bảo hộ của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế.

Nam Định là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm ngành nông nghiệp của tỉnh sản xuất khoảng 950.000 tấn lương thực có hạt; 400.000 tấn rau, củ, quả; 200.000 tấn thịt hơi các loại; 140.000 tấn thủy sản. Trong đó, có nhiều sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAHP, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu và được truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Nam Định ưu tiên hỗ trợ xây dựng và bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tiêu biểu.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng để tham gia vào hoạt động thương mại toàn cầu đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ bởi các cơ quan chức năng của Nhà nước. Mỗi thương hiệu không chỉ là tập hợp các yếu tố để phân biệt sản phẩm mà còn là yếu tố cạnh tranh quan trọng, là tài sản có giá trị lớn đối với sự tồn tại và phát triển của các sản phẩm hàng hóa.

Do vậy, để góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển xuất khẩu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định luôn chú trọng ưu tiên hỗ trợ xây dựng, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Thời gian qua, chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh được thực hiện gồm: Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Gạo tám xoan Hải Hậu”; xây dựng nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ La Xuyên”, xã Yên Ninh (Ý Yên), “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”; nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Rượu nếp Yên Phú”, “Nước mắm Giao Châu”, sản phẩm “Ngao sạch Giao Thủy” và gần 300 nhãn hiệu hàng hóa là sản phẩm đăng ký bảo hộ của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế.

Gạo tám xoan Hải Hậu

Hải Hậu là tên của một huyện thuộc tỉnh Nam Định, nằm ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng, Việt Nam. Là khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho việc trồng các loại lúa đặc sản, đặc biệt là cây lúa tám xoan. Đây là giống lúa cổ truyền, được chọn lọc từ người dân và đã được phục tráng theo quy trình kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Gạo tám xoan Hải Hậu có các đặc điểm đặc thù sau: Hạt gạo hơi dài, thon nhỏ và vẹo một đầu; hạt có màu trong xanh; mùi thơm dịu, tự nhiên và đặc trưng; không bị bạc bụng. Gạo tám xoan Hải Hậu là một đặc sản truyền thống nổi tiếng, được sản xuất trong một khu vực địa lý của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Từ thời phong kiến, gạo tám xoan Hải Hậu đã được dùng để cung tiến triều đình, nổi tiếng là gạo tiến vua. Ngày nay, gạo tám xoan Hải Hậu vẫn duy trì được danh tiếng và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài ra, tập quán bón phân hữu cơ liều lượng cao, thu hoạch khi lúa đã chín tối đa 85% đã góp phần tạo ra hương thơm và độ dẻo của hạt gạo.

Từ tháng 10/2004 để giữ gìn và phát triển thương hiệu gạo tám xoan, Hải Hậu đã thành lập Hiệp hội Gạo tám xoan Hải Hậu. Tiếp đó, đến tháng 5/2007 hạt gạo tám xoan Hải Hậu chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Gạo tám xoan Hải Hậu” – thương hiệu cao nhất về hàng nông sản.

Dù đã quá nổi tiếng, song hiện nay gạo tám xoan Hải Hậu đang phải đối mặt với việc bị làm giả, đồng thời gặp khó khăn trong mở rộng diện tích sản xuất, tìm chỗ đứng trên thị trường. Khó khăn trong phát triển diện tích lúa đặc sản là khó hình thành những vùng sản xuất, vùng nguyên liệu lớn. Việc liên kết với doanh nghiệp chưa nhiều, chưa đủ mạnh; đầu tư công nghệ để xay xát, chế biến cũng hạn chế.

Cá bống bớp

Tỉnh Nam Định với bờ biển dài, rộng lớn và nguồn phù sa, vi sinh vật, vi khoáng núi đá vôi vô tận của hai cửa sông Ninh Cơ và sông Đáy đổ về đã tạo cho huyện Nghĩa Hưng nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy sản; đặc biệt thích hợp cho sự phát triển, sinh trưởng của cá bống bớp. Từ nhiều năm nay, huyện Nghĩa Hưng đã chủ động quy hoạch vùng nuôi, thành lập Hiệp hội nuôi cá bống bớp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tích cực xây dựng thương hiệu cho cá bống bớp.

Cá bống bớp là loài cá nước mặn, đánh bắt tự nhiên ngoài biển, được người dân thuần hóa trở thành cá nước lợ. Với đặc tính khỏe, dễ nuôi, có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều omega 3, nhiều nhớt, thịt ngọt, dai và thơm, được thị trường ưa chuộng nên cá bống bớp nhanh chóng được người nuôi thủy sản vùng mặn lợ đưa vào nuôi đại trà ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định theo cách khai thác và thu mua con giống tự nhiên về nuôi vỗ thành cá thương phẩm. Hiện nay người dân đã áp dụng được kỹ thuật tiên tiến, nuôi được cá đẻ trứng và tiến hành cho ấp nở nên nguồn cá giống rất chủ động.

Từ năm 2010, khi cá bống bớp được nhân tạo thành công với số lượng lớn, chủ động nguồn giống, cá bống bớp bắt đầu được nuôi đại trà ở Nghĩa Hưng, tạo tiền đề cho việc nuôi theo phương pháp thâm canh. Để chuẩn bị ao nuôi, sau khi phơi đáy ao, người nuôi sẽ bón phân và rắc cám gạo để tảo phát triển tốt trước khi thả cá. Về thức ăn, cá bống bớp phát triển nhờ tảo, động vật phù du, giun, giáp xác, ấu trùng, các loại tôm cua nhỏ, hoàn toàn không có cám công nghiệp.

Hiện nay, loài cá này đã trở thành đặc sản, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Theo Hiệp hội cá bống bớp huyện Nghĩa Hưng, nghề nuôi cá bống bớp xuất hiện hơn 20 năm nay. Hiện, toàn huyện có khoảng 400 hộ nuôi loài cá này.

Nhằm gia tăng giá trị cá bống bớp, các hộ nuôi đã liên kết với nhau theo chuỗi khép kín. Theo đó, chuỗi này được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất cung ứng giống đến khâu nuôi thương phẩm, thu mua, sơ chế và tiêu thụ.

Nhờ đó mà thương hiệu “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” ngày càng được nhiều người biết đến. Thị trường tiêu thụ cá bống bớp khá ổn định. Cá được xuất bán nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và cả nước ngoài. Giá cá bống bớp hiện khá cao, dao động khoảng 280.000-300.000 đồng/kg (8-12 con). Cùng với tiêu thụ trong nước, hiện cá bống bớp đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Sản lượng cá bống bớp tăng lên theo từng năm.

Năm 2015, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bống bớp Nghĩa Hưng” và đến năm 2016, cá bống bớp Nghĩa Hưng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận là 1 trong 69 chuỗi nông sản sạch, cần được giới thiệu rộng rãi và quảng bá tới người tiêu dùng.

Phương hướng phát triển

Bên cạnh những kết quả khả quan trong thời gian qua thì việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn còn tồn tại bất cập. Cụ thể, số lượng sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được đăng ký bảo hộ không nhiều. Việc đầu tư xây dựng thương hiệu tại các địa phương trong tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa tính đến nhu cầu tiêu dùng, khả năng tiêu thụ khiến một số sản phẩm đã có thương hiệu nhưng không phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững, không thúc đẩy thương mại hóa mặt hàng được. Một số sản phẩm sau khi xây dựng thành công thương hiệu thì việc sản xuất hàng hóa lại có dấu hiệu mai một. Trong khi đó, đã xuất hiện tình trạng làm giả, làm nhái hàng hóa để trục lợi lớn, nhất là nhóm sản phẩm làng nghề đã có thương hiệu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của làng nghề, đặc sản địa phương.

Tại huyện Hải Hậu, 15 xã có thổ nhưỡng phù hợp với việc canh tác gạo tám xoan đặc sản. Từ năm 2008, gạo tám xoan Hải Hậu đã được Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu dưới hình thức chỉ dẫn địa lý. Có thể nói đây là sản phẩm gạo đầu tiên của tỉnh cũng như trên cả nước thực hiện xây dựng tên gọi xuất xứ theo thể thức mới, đặc biệt là đã xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình từ sản xuất, chế biến và thương mại, thương hiệu được cả nước biết đến. Tuy nhiên do chưa tổ chức liên kết sản xuất được theo chuỗi nên người sản xuất không quản lý được sản phẩm ra thị trường đến tay người tiêu dùng khiến 90% lượng sản phẩm “Gạo tám xoan Hải Hậu” tiêu thụ trên thị trường bị giả thương hiệu dẫn đến người tiêu dùng không còn tin tưởng. Người canh tác lúa tám Hải Hậu vì vậy cũng không yên tâm đầu tư, phát triển và bảo tồn thương hiệu.

Các sản phẩm hàng hóa khác như: Nước mắm Giao Châu, Ngao sạch Giao Thủy, Đồ gỗ La Xuyên dù đã được cấp nhãn hiệu tập thể nhưng vẫn đang tìm hướng đi để phát triển theo hướng bền vững bởi các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các làng nghề chưa mặn mà với việc bảo vệ, gìn giữ thương hiệu. Nguyên nhân của thực trạng này được ngành chức năng xác định một phần do xu thế tiêu dùng trên thị trường thay đổi, sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú đa dạng phù hợp với đời sống hiện đại nên các sản phẩm truyền thống phải cạnh tranh khó khăn hơn; nhiều người tiêu dùng không còn mặn mà tìm kiếm sản phẩm truyền thống nữa. Bên cạnh đó các chủ thể quản lý, sử dụng thương hiệu sản phẩm chưa đủ năng lực phát huy được quyền sở hữu của mình khi được pháp luật bảo hộ.

Để khắc phục những bất cập kể trên, Sở Khoa học và Công nghệ đã tập trung đẩy mạnh hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ, phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh thương hiệu sản phẩm. Trong đó tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ và chứng nhận độc lập cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Gạo tám xoan Hải Hậu”, nhằm đảm bảo cho nông dân canh tác lúa tám xoan tuân thủ đúng quy trình, chế biến đúng phương pháp, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ người dân làng nghề thuộc dự án phát triển nhãn hiệu tập thể “Rượu nếp Yên Phú” đã được chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu từ giai đoạn trước. Thông qua đó góp phần hỗ trợ hiệu quả cho các Hiệp hội ngành nghề duy trì phát triển nhãn hiệu đã được chứng nhận. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng được Sở Khoa học và Công nghệ chú trọng thực hiện qua việc tăng cường kiểm soát nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và sử dụng trái phép quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường phối hợp thanh tra liên ngành, liên tỉnh và Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ để kiểm soát chống hàng giả, hàng nhái, chống sử dụng trái phép các quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã được bảo hộ. Qua thanh tra, kiểm tra, bên cạnh việc xử lý vi phạm, đoàn công tác cũng chỉ ra những sơ hở trong quá trình thực hiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp có thương hiệu, sản phẩm được bảo hộ, đồng thời kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước về thực trạng thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại các doanh nghiệp, làm căn cứ xác định nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các địa phương hỗ trợ xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu cho hai sản phẩm làng nghề tiêu biểu là “Cơ khí Xuân Tiến” của làng nghề Xuân Tiến và sản phẩm “Bánh nhãn Hải Hậu”.

Những nỗ lực của Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm tiêu biểu của địa phương đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi Luật sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Đây là “chìa khóa” giúp các cơ sở sản xuất, làng nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo vệ và phát triển thương hiệu khi tham gia thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong tỉnh, tháng 11/2018, tỉnh Nam Định đã thành lập Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch nhằm làm địa chỉ để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, thiết lập, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hình thành nền sản xuất, kinh doanh nông sản bền vững; là địa chỉ tin cậy, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao.

© Tuyên bố bản quyền