Mường Ch sản xuất dứa sạch đạt tiêu chuẩn VietGap, phục vụ nhu cầu thị trường.
Huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây dứa. Nhờ sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGap, dứa Mường Chà được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị cây dứa, huyện Mường Chà khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến chuyên sâu trên địa bàn.
Dứa Mường Chà hướng tới sản xuất sạch
Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để phát triển cây dứa, người dân trên địa bàn huyện Mường Chà đã dần chuyển đổi cây trồng nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dứa theo hướng hàng hóa.
Sau một thời gian được đưa vào thử nghiệm và cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các cây trồng nông nghiệp khác, huyện Mường Chà đã triển khai trồng dứa ở khắp các vùng đồi, tập trung chủ yếu ở 3 xã gồm: xã Na Sang, Mường Mươn và Sa Lông.
Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, dứa Mường Chà được xác định là cây ăn trái chủ lực để phát triển kinh tế của tỉnh, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Diện tích trồng dứa trên địa bàn huyện Mường Chà khoảng 300 ha, chiếm 62,3% tổng diện tích trồng dứa trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Mật độ trồng dứa Mường Chà từ 25.000 – 30.000 gốc/ha, năng suất bình quân 18 – 20 tấn/ha.
Trái dứa là giống cây trồng ngắn ngày, cho thu nhập ổn định. Do đó, để gia tăng thu nhập, ngoài vụ dứa hè người dân huyện Mường Chà còn trồng dứa lệch vụ để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Dứa Mường Chà được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap
Để đảm bảo trái dứa Mường Chà được phát triển ổn định và bền vững, UBND huyện đã tạo điều kiện cho các hộ trồng dứa trên địa bàn thành lập Hợp tác xã sản xuất dứa, gồm: Hợp tác xã Na Sang (xã Na Sang) và Hợp tác xã Háng Lìa (xã Sa Lông).
Huyện phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn các hộ trồng dứa thành lập vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm an toàn.
Dứa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp đầu ra tiêu thụ ổn định, bền vững và có giá trị kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, Hợp tác xã trên địa bàn huyện cũng rất tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu sản phẩm.
Xây dựng nhà máy chế biến chuyên sâu nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị cho sản phẩm
Cây dứa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân trên địa bàn huyện Mường Chà xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Để phát huy vai trò là cây trồng ăn trái chủ lực, huyện sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu cho dứa Mường Chà.
Huyện sẽ tiếp tục phối với với các Hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tìm ra hướng đi tốt nhất cho trái dứa Mường Chà. Để trái dứa Mường Chà có đầu ra ổn định, gia tăng giá trị sản phẩm và đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGap.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến tình hình tiêu thụ dứa của huyện Mường Chà gặp khó khăn. Việc xây dựng các nhà máy chế biến chuyên sâu là cần thiết và là hướng đi lâu dài giúp đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị hàng hóa. Huyện Mường Chà sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến dứa trên địa bàn huyện. Bởi chỉ có chế biến mới có thể tạo ra mặt hàng mới có giá trị cao hơn, tăng thu nhập cho người dân và giúp quảng bá thương hiệu dứa Mường Chà ra thị trường ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.