Nam Định xây dựng thương hiệu cho nông sản an toàn
Những năm qua, người tiêu dùng đã biết đến những thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn của Nam Định như: gạo sạch Toản Xuân; nấm linh chi; su hào, cà rốt, củ cải sấy khô; ngô, khoai tây, khoai lang, chuối, mít sấy khô; giò 7 phút Nam Phát; cá nướng, bề bề rang muối, cáy mật Dũng Oanh; sứa Tân Long; cá bống bớp Nghĩa Hưng… Đến nay, tỉnh Nam Định đã xây dựng nhãn mác hàng hóa cho 178 sản phẩm của 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đã có 20 đơn vị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, 03 nhãn hiệu tập thể được bảo hộ là: cá bống bớp Nghĩa Hưng, nước mắm Giao Châu, Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định, 01 cơ sở được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là gạo tám xoan Hải Hậu. Nhiều sản phẩm được xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng đã giúp việc tiếp cận với thị trường tốt hơn, nâng cao giá trị thương mại, mang lại nguồn thu cho địa phương.
Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Nam Định
Cá bống bớp Nghĩa Hưng:
Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định với hơn 20 km bờ biển, là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển thủy sản. Vì vậy, huyện đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển sản phẩm thủy sản chủ lực, trong đó cá bống bớp đã tạo thành thương hiệu nổi tiếng được nhiều vùng miền biết đến.
Cá bống bớp là loài cá nước mặn, đánh bắt tự nhiên ngoài biển, được người dân xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng thuần hóa và nuôi tại vùng nước lợ. Với đặc tính khỏe, dễ nuôi, có giá trị dinh dưỡng cao, thịt ngọt, dai và thơm, được thị trường ưa chuộng nên cá bống bớp nhanh chóng được người nuôi thủy sản vùng nước lợ đưa vào nuôi đại trà ở các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Hải, Nông trường Rạng Đông. Với năng suất trung bình từ 7,5 – 8 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt năng suất 10 tấn/ha, đem lại thu nhập cao, nên diện tích nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng ngày càng phát triển.
Hình ảnh cá bống bớp Nghĩa Hưng Nam Định
Cá bống bớp Nghĩa Hưng Nam Định được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2015.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh như Trung tâm giống Nghĩa Hưng, các trại giống thủy sản Cửu Dung, Liên Phong, Trung tâm Giống hải sản Nam Định đã sản xuất thành công giống cá bống bớp với số lượng lớn, đã chủ động nguồn giống và tạo điều kiện cho việc mở rộng vùng nuôi và nuôi theo phương pháp thâm canh.
Để đặc sản cá bống bớp ngày càng được mở rộng thị trường, huyện Nghĩa Hưng đã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi Cồn Xanh, Tây Nam Điền; khuyến khích các hộ mở rộng diện tích nuôi trồng; hướng dẫn hộ nuôi ở các vùng: Đông Nam Điền, Rạng Đông, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi cải tạo ao, đầm và hệ thống thủy lợi, tổ chức nuôi thâm canh, tránh ô nhiễm môi trường, phối hợp với các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chủ động nguồn giống ngay tại vùng nuôi để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Nước Mắm Giao Châu:
Nước mắm Giao Châu là sản phẩm truyền thống của người dân xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Làng nghề sản xuất nước mắm Giao Châu từ khi hình thành đến nay khoảng 200 năm tuổi, với hơn 30 hộ sản xuất nước mắm có quy mô lớn, không sử dụng các loại thuốc bảo quản, tạo màu, sản xuất theo phương pháp cổ truyền, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thương hiệu nước mắm Giao Châu đã khẳng định vị trí trên thị trường.
Sản phẩm nước mắm Giao Châu được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “nước mắm Giao Châu” với đầy đủ quy trình sản xuất, chỉ tiêu chất lượng năm 2013.
Để phát triển hiệu quả nhãn hiệu tập thể, Hợp tác xã sản xuất nấm và chế biến nông hải sản Giao Thủy, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy đã ra đời, góp phần đưa nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Giao Châu” ngày càng phát triển, tỏa sáng thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Các cơ sở tham gia HTX là những cơ sở đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản tỉnh Nam Định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Đến nay, sản phẩm nước mắm Giao Châu tự tin cạnh tranh với các sản phẩm khác khi tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại, góp phần làm tăng giá trị của sản phẩm trên thị trường, củng cố lòng tin của người tiêu dùng và chấm dứt tình trạng lợi dụng uy tín làng nghề để làm giả, làm nhái sản phẩm như trước đây. Đây cũng là sản phẩm nông sản truyền thống đi tiên phong trong việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cần được khuyến khích nhân rộng để các sản phẩm nông sản truyền thống ở các địa phương khác đến tham quan, học tập, hướng tới sự phát triển bền vững làng nghề truyền thống.