Lạng Sơn phấn đấu nâng cao giá trị cho sản phẩm tràm đen.
Vụ thu hoạch năm nay, năng suất trám đen giảm so với mọi năm nhưng bù lại trám bán được giá cao hơn, giá bán khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg. Nhờ có giá trị kinh tế cao, trong vài năm trở lại đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng nhân giống để phát huy giá trị cây trám đen; ngoài ra, các huyện còn hướng tới xây dựng thương hiệu trám đen Lạng Sơn.
Cây trám đen được đưa vào trồng ở tỉnh Lạng Sơn cách đây 70 – 80 năm, và được trồng nhiều ở các xã miền núi huyện Văn Quan, Cao Lộc, Bình Gia, Hữu Lũng. Riêng tại huyện Hữu Lũng, theo số liệu thống kê hiện nay toàn huyện còn khoảng 10 ha trám đen, trong đó có khoảng 4 ha cây trồng từ hạt đều trên 20 năm tuổi. Ngoài cây trám đen mọc từ hạt, trong những năm gần đây trên địa bàn huyện cũng có một số hộ dân mua cây trám ghép về trồng với khoảng 6 ha.
Trám ở xứ Lạng thường là cây to có đường kính một người lớn ôm không xuể, thân thẳng nên rất khó khăn trong việc thu hái. Cây trám đen lâu năm có chiều cao trên 20 m, đường kính lên tới 90 cm, thân cây to, tán xòe rộng.
Trám đen là loại cây dễ trồng, thích hợp với vùng đồi núi, mỗi năm thu hoạch một mùa. Mùa thu hoạch trám tại Lạng Sơn bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, kéo dài đến khoảng tháng 9 âm lịch, sau đó quả tự chín và rụng dần. Trước đây cây trám đen thường chỉ được trồng để lấy gỗ hoặc lấy quả làm thực phẩm dân dã cho bữa ăn hàng ngày ở nông thôn nên người dân ít để ý chăm bón, chỉ để cây phát triển tự nhiên. Nay quả trám đen lại trở thành một thứ đặc sản hấp dẫn, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nên cây trám cũng được nhân rộng diện tích, sản xuất hàng hóa để xuất bán ở nhiều nơi, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân các xã miền núi của xứ Lạng.
Trám đen Lạng Sơn làm thực phẩm dân dã trong nhiều món ăn.
Hữu Lũng và Văn Quan – hai huyện điểm của tỉnh Lạng Sơn đang tích cực nâng cao giá trị sản phẩm trám đen.
Thời điểm này, người dân các huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang vào mùa thu hoạch trám đen. Theo người dân, năm nay, năng suất trám đen giảm so với mọi năm nhưng bù lại trám bán được giá cao hơn, giá bán khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg. Quả trám đen sau khi tách lấy thịt thì hạt trám lại được thu lại bán với giá 40.000-50.000 đồng/kg. Mỗi vụ, nhiều hộ nông dân xứ Lạng có thể thu nhập tới cả chục triệu đồng từ mỗi cây trám đen.
Trám đen xứ Lạng chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, nhờ có giá trị dinh dưỡng cao cũng như có nhiều tác dụng trong việc trị bệnh nên sản phẩm trám đen Lạng Sơn đang ngày càng được người tiêu dùng tìm đến để mua. Hiện thị trường tiêu thụ trám đen Lạng Sơn được mở rộng ra địa bàn các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hà Nội.
Nhờ có giá trị kinh tế cao, trong vài năm trở lại đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng nhân giống để phát huy giá trị cây trám đen; ngoài ra, các huyện còn hướng tới xây dựng thương hiệu trám đen Lạng Sơn.
Tại huyện Hữu Lũng, nhận thấy việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ tạo ra giống cây chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, để mở rộng diện tích, nâng cao giá trị kinh tế của cây trám đen là cần thiết, từ tháng 1/2018 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai thực hiện Đề tài “Tuyển chọn và nhân giống trám đen” với tổng kinh phí đầu tư trên 1,4 tỷ đồng.
Ngày 5/7/2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng đã tiến hành cấp phát giống cây trám đen và phân bón cho các hộ tham gia dự án trên địa bàn. Cụ thể, đã cấp phát 2.500 cây trám đen giống và 1.250 kg phân bón với tổng trị giá 117,5 triệu đồng cho các hộ gia đình tham gia dự án, với tổng diện tích trồng khoảng 5 ha. Đây là những cây giống được nhân giống bằng phương pháp lấy mắt ghép từ 18 cây trám ưu tú đã được tuyển chọn tại địa phương. Ngay sau khi người dân trồng xong số cây giống trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tiến hành mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân hiểu và nắm rõ các kỹ thuật trồng, chăm sóc thâm canh cây trám đen.
Việc mở rộng diện tích trồng, phát triển bền vững và khai thác cây trám đen tại huyện Hữu Lũng có ý nghĩa rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đồng thời bảo vệ được nguồn gen quý, phát triển loại lâm sản có giá trị kinh tế này.
Tại huyện Văn Quan, thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh, ngày 18/3/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020. Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 08/5/2019, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã chọn Trung tâm Ứng dụng, Phát triển khoa học công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm trám đen của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn”.
Với quyết tâm thực hiện dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm trám đen của huyện Văn Quan, hy vọng sản phẩm trám đen của huyện Văn Quan nói riêng và sản phẩm trám đen của tỉnh Lạng Sơn sẽ ngày càng khẳng định được giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.