Gạo ST24 thơm Sóc Trăng

Sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao

Cơ sở sản xuất: Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí

Địa chỉ: số 25, đường tỉnh 934, ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

Gạo thơm ST24 là một trong những sản phẩm gạo thơm nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng. Gạo thơm ST24 là sản phẩm OCOP đạt 4 sao của tỉnh Sóc Trăng, do Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí sản xuất từ giống lúa thơm ST theo quy trình gạo sạch và chế biến theo dây chuyền hiện đại. Gạo thơm ST24 được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ USDA và EU.

Giới thiệu sản phẩm

Gạo thơm ST24 là sản phẩm gạo nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng, được sản xuất từ giống lúa thơm ST. Gạo thơm ST24 có những phẩm chất vượt trội so với các loại gạo khác là đạt tiêu chuẩn hạt gạo dài (khoảng 9mm), trắng, trong, nấu cơm dẻo mềm và có hương thơm mùi lá dứa, lượng hấp thụ nước thấp, khi để nguội cơm vẫn mềm ngon và không bị cứng; được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ USDA và EU. Gạo ST24 được sản xuất theo quy trình gạo sạch và chế biến theo dây chuyền hiện đại với công nghệ của Thụy Sĩ, với mục tiêu 3 không: không dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, không hàm lượng: Cadimi, aflatoxin, không dùng hóa chất tạo mùi.

Năm 2017, gạo ST24 được xếp vào Top 3 loại gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế về thương mại gạo lần thứ 9 tổ chức tại Macau, Trung Quốc. Năm 2018, gạo thơm ST24 đạt giải nhất Cuộc thi “Gạo ngon Thương hiệu Việt” năm 2018 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức. Năm 2019, tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines, gạo ST24 của Việt Nam được công nhận “ngon nhất thế giới 2019″. Năm 2019, sản phẩm gạo ST24 được UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh năm 2019.

Hoạt động sản xuất

Gạo ST24 do nhóm nhà khoa học gồm kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sỹ Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu lai tạo từ giống lúa thơm nổi tiếng ST của tỉnh Sóc Trăng.

Lúa ST24 là giống lúa ngắn ngày (95-97 ngày hoặc 100-105 ngày) nhưng cao sản, cây lúa cứng và cao (110 – 115 cm), lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hạt tốt, thân cứng nếu bón phân cân đối không đổ ngã, vỏ lúa màu nâu hoặc vàng nâu, hạt gạo dài khoảng 9mm. Sản lượng giống lúa này có thể đạt trung bình khoảng 6 tấn đến 7 tấn/ha (trong điều kiện thời tiết tốt, có thể đạt tới 8,5 tấn/ha). Lúa ST24 chịu phèn, mặn tốt, có khả năng chống chịu với những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh nên có thể trồng ở đất đồng hoặc luân canh lúa – tôm, thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Giống lúa ST24 được trồng theo mô hình sản xuất lúa – tôm theo phương pháp canh tác hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ… và có sự kiểm soát, tác động của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cho thóc tươi và tạo ra sản phẩm gạo an toàn. Nhờ nguồn dinh dưỡng dồi dào từ nuôi tôm để lại, lúa xanh tốt tự nhiên, người nông dân trồng lúa tiết kiệm được tối đa chi phí phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, lúa đạt năng suất cao, chất lượng thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa thường.

Gạo ST24 thơm Sóc Trăng

Tại Sóc Trăng, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là doanh nghiệp duy nhất sản xuất và kinh doanh gạo ST24. Doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất lúa giống ST24 theo quy trình nghiêm ngặt, nhằm bảo đảm chất lượng cho các dòng từ giống lúa siêu nguyên chủng đến cấp xác nhận, đồng thời, doanh nghiệp sử dụng chuỗi sản xuất lúa gạo an toàn và ứng dụng công nghệ vào khâu chế biến, để sản phẩm đạt chất lượng cao và bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để nâng cao giá trị gạo ST24, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí tiến hành xác lập chuỗi giá trị gạo thơm ST để xây dựng thương hiệu. Các giống lúa ST được đưa xuống nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP và cao hơn là tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất và an toàn cho môi trường.

Khả năng cung ứng và thị trường tiêu thụ

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, diện tích sản xuất lúa thơm ST của tỉnh Sóc Trăng vào khoảng 13.000 ha, trong đó giống ST24 hàng năm được gieo cấy khoảng hơn 10.000 ha. Sản lượng: trên 55.000 tấn/năm.

Gạo ST24 đã được xuất khẩu sang một số nước. Tại thị trường trong nước, xu hướng tiêu dùng gạo ST24 ngày càng tăng mạnh.

Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển thương hiệu gạo ST24, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành nhiều giải pháp như:

Tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, trên các phương tiện truyền thông nhằm góp phần đưa thương hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” được tuyên truyền rộng rãi trong nước và các thị trường nước ngoài. Tiếp tục duy trì nhãn hiệu gạo thơm ST và phối hợp doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với gạo ST24, ST25 và các giống lúa chất lượng cao của tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ nhằm phát triển chuỗi giá trị gạo ST từ giống, quy trình canh tác, công tác thu mua, chế biến, cho đến bảo quản, đóng gói và tiêu thụ.

Quy hoạch và xây dựng các mô hình sản xuất lúa đặc sản ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng các mô hình sản xuất sạch như sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và theo hướng hữu cơ; ưu tiên phát triển các vùng sản xuất giống lúa ST tập trung, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, vùng sản xuất theo chuỗi gắn kết từ đầu vào tới đầu ra của sản phẩm.

Chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí trong việc tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất giống lúa ST24; cùng doanh nghiệp tạo ra một chuỗi cung ứng gạo ST với xuất xứ nguồn gốc rõ ràng; đồng thời tiếp tục tuyên truyền quảng bá về chất lượng của gạo ST24 để người tiêu dùng tiếp cận sử dụng rộng rãi hơn nữa.

Tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để thực thi các chính sách hỗ trợ đặc thù cho Chương trình OCOP của tỉnh. Đồng thời, dành một phần ngân sách khoa học, công nghệ hàng năm cho hoàn thiện nâng cấp sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm OCOP cũng như hỗ trợ việc đổi mới dây chuyền, ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất các sản phẩm OCOP, phát triển, đăng ký, xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm OCOP.

Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp, quản trị kinh doanh và xây dựng hồ sơ OCOP; tổ chức các cuộc hội nghị liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP; trưng bày bán hàng tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ tem cho tất cả các sản phẩm đạt chứng nhận các sao OCOP cấp tỉnh cũng như hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phù hợp cho chủ thể OCOP trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm OCOP.

Năm 2020, Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức đánh giá các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên địa bàn tỉnh và đề nghị Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương nâng lên 5 sao, trong đó có sản phẩm gạo thơm ST24 do đã đạt các yêu cầu do Trung ương quy định.

© Tuyên bố bản quyền