Đồng Tháp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ khoai lang.
Khoai và sản phẩm từ khoai là một trong những mặt hàng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tỉnh Đồng Tháp. Để nâng cao chất lượng, đầu ra ổn định và gia tăng giá trị cho sản phẩm từ khoai, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất thông minh, an toàn, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất.
Khoai lang sấy mật ong xuất khẩu
Những đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng tương đối thuận lợi cho tỉnh Đồng Tháp phát triển sản phẩm nông nghiệp toàn diện. Trong đó, khoai và sản phẩm chế biến từ khoai là một trong những mặt hàng mang lại nguồn thu nhập ổn định và có giá trị cao. Do đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đưa khoai lang vào danh mục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Diện tích trồng khoai lang toàn tỉnh Đồng Tháp đạt khoảng 4.500 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 100.000 tấn. Trong đó, khoai lang được trồng chủ yếu tại huyện Châu Thành, diện tích canh tác đạt khoảng 3.000 ha/năm. Vụ khoai lang Đông Xuân 2019/20, huyện Châu Thành xuống giống hơn 73 ha giống khoai lang tím Nhật, năng suất bình quân 25 tấn/ha, sản lượng đạt 18.250 tấn.
Thị trường tiêu thụ khoai lang tỉnh Đồng Tháp chủ yếu là thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc và Campuchia. Đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh khiến giá khoai giảm xuống mức thấp. Bên cạnh đó, người dân tỉnh Đồng Tháp có xu hướng mở rộng diện tích sản xuất khoai dẫn đến tình trạng nguồn cung dư thừa.
Để giải quyết bài toán “được mùa mất giá”, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng các mô hình sản xuất thông minh, an toàn, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao giá trị cho sản phẩm từ khoai. Mục tiêu của tỉnh là hướng đến việc đẩy mạnh xuất khẩu khoai sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Đối với các thị trường khó tính, để sản phẩm khoai của Việt Nam đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc áp dụng công nghệ xử lý và bảo quản khoai sạch là vô cùng cần thiết.
Huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp đã lập vùng chuyên canh khoai lang, diện tích 1.000 ha tại 3 xã Phú Long, Tân Phú và Hòa Tân. Mô hình sản xuất chuyên canh sẽ nhận được sự hỗ trợ kinh phí để xây dựng các trạm bơm điện, gia cố bờ bao, đầu tư một số cống hở và cống tròn, góp phần giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo nguồn cung hàng hóa trên cơ sở liên kết sản xuất.
Bên cạnh đó, các Hội, hợp tác xã cũng được thành lập tại những vùng chuyên canh khoai lang nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm của người dân. Ngoài ra, vùng sản xuất chuyên canh khoai lang của huyện Châu Thành còn được tiếp cận thông tin thị trường, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Việc liên kết sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn đã giúp đầu ra sản phẩm khoai ổn định.
Trên địa bàn huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, nhiều công ty và doanh nghiệp đã liên kết với các hợp tác xã để thu mua khoai lang cho người dân. Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành) đã ký kết thu mua sản phẩm khoai lang của Hợp tác xã nông sản An Hòa, xã Hòa Tân, sản lượng 2 tấn khoai thương phẩm/ngày dùng để chế biến thành sản phẩm khoai lang sấy giòn. Sản phẩm khoai lang sấy giòn ngày càng được thị trường ưa chuộng và là mặt hàng chủ lực của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng hướng đến xuất khẩu.
Với kết quả đạt được, huyện Châu Thành sẽ tiếp tục quy hoạch lại vùng chuyên canh khoai lang và định hướng phát triển theo hướng an toàn, đảm bảo hàng hóa có thể xuất khẩu được tới nhiều thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường Châu Âu. Đồng thời, huyện cũng sẽ đa dạng các mặt hàng nguyên liệu từ khoai lang đưa vào sản phẩm phát triển chủ lực. Bên cạnh đó, huyện cũng đã hướng dẫn người dân canh tác rải vụ nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, giúp giá thành sản phẩm cao và chủ động được nguồn cây giống.
Đa dạng hóa sản phẩm từ khoai
Theo nghiên cứu, khoai lang có giá trị dinh dưỡng cao, tiềm năng thị trường đối với sản phẩm chế biến rất lớn. Để chế biến ra bột khoai lang ăn liền, từ củ khoai lang tím Nhật phải trải qua các khâu gồm: thái, hấp, sấy và nghiền. Các khâu này đều được thực hiện bằng máy móc. Việc đa dạng hóa sản phẩm từ khoai giúp tăng thời gian bảo quản lâu hơn và có thể vận chuyển đến các thị trường xa.
Sản xuất bột và tinh bột từ khoai lang
Với ưu điểm là thời gian bảo quản lâu, được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, các doanh nghiệp đã nghiên cứu nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ khoai như: bột dinh dưỡng từ khoai, khoai sấy, khoai chế biến chân không, sữa khoai, rượu khoai, miến khoai. Điều này góp phần tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, tạo sức cạnh tranh hàng nông sản tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ khoai, tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân trồng khoai. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đa dạng các sản phẩm từ khoai lang gắn với các chương trình giới thiệu quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trồng khoai theo chuỗi giá trị cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.