Bình Phước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.
Bình Phước là tỉnh miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược rất quan trọng, là cầu nối giữa khu vực miền Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Campuchia thông qua hệ thống quốc lộ 13, quốc lộ 14 và các tuyến tỉnh lộ đã được đầu tư rất thuận tiện. Bình Phước cũng có điều kiện giao thông thuận lợi đến sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng nước sâu như cảng Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải.
Đến nay, toàn tỉnh có 237.000 ha cao su, 134.300 ha điều, 17.000 ha hồ tiêu, 16.000 ha cà phê và 10.171 ha cây ăn trái. Nhiều loại trái cây được người tiêu dùng trong nước biết đến như: Hồ tiêu Lộc Ninh, sầu riêng Ba Đảo, hạt điều Bình Phước, bơ sáp Mã Dưỡng, xoài Thu Vân, quýt đường Tân Thành, mít nghệ Lộc Ninh.
Một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Bình Phước bao gồm:
Hồ Tiêu Lộc Ninh.
Đến nay, cả nước có khoảng trên 50.000 ha tiêu, được trồng tập trung ở 17 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở vào. Cây tiêu có mặt ở Bình Phước từ rất sớm, do điều kiện tự nhiên phù hợp, cây tiêu phát triển mạnh tại Bình Phước mang lại thu nhập, đời sống nhiều vùng nông thôn có điều kiện khởi sắc.
Trong 10 huyện, thị xã của tỉnh Bình Phước thì Lộc Ninh được mệnh danh là thủ phủ của cây tiêu với diện tích khoảng 4.000 ha, chiếm trên 40% diện tích tiêu cả tỉnh nhưng sản lượng chiếm gần 50%. Diện tích tiêu của Lộc Ninh tập trung ở các xã Lộc An, Lộc Thạnh, Lộc Quang, Lộc Hòa và Lộc Tấn. Trong 10 người trồng tiêu giỏi nhất của Việt Nam do Hiệp hội hồ tiêu bình chọn có tới 6 người ở Lộc Ninh. Đây là niềm tự hào không chỉ của các nông dân mà của cả tỉnh Bình Phước, bởi họ là những nhân tố tích cực làm nên danh tiếng cho sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh nói riêng, Bình Phước nói chung.
Sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh – Bình Phước.
Từ năm 2011, UBND tỉnh Bình Phước đã cho triển khai thực hiện Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” trên địa bàn tỉnh. Dự án nhằm phát triển mô hình canh tác cây tiêu bền vững theo các tiêu chuẩn chứng nhận của Rainforest Alliance cho các hộ trồng tiêu ở 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp; đồng thời kết nối với thị trường quốc tế thông qua Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice. Tính đến nay, có hơn 200 hộ dân trồng tiêu của 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp tham gia Dự án đã được cấp chứng nhận Rainforest Alliance.
Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho hội nông dân huyện Lộc Ninh địa chỉ tại thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Hạt điều Bình Phước.
Hạt điều Bình Phước là sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước. Với đặc điểm chắc, mẩy, cuống hạt phình to, bề mặt vỏ cứng sáng, mịn, bóng, lắc hạt ít kêu hoặc không kêu, thân hạt điều nguyên liệu dày, kích thước bề dày từ 14,5mm – 18mm, tỷ lệ nhân thành phẩm khoảng 200 hạt/kg, khối lượng hạt từ 5g/hạt – 6g/hạt.
Sản phẩm chế biến hạt điều rang muối gồm có hai loại: có vỏ lụa hoặc không có vỏ lụa. Hạt điều rang muối Bình Phước có đặc điểm khi tách đôi nhân hạt điều thấy khe hở nhỏ ở giữa, không có muối đọng. Hàm lượng chất béo khoảng 43%, hàm lượng carbohydrat khoảng 23%, hạt điều rang muối Bình Phước có vị ngọt, thơm, béo ngậy.
Sản phẩm hạt điều Bình Phước.
Hạt điều Bình Phước nổi tiếng là nhờ vùng đất này có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu và chế biến hạt điều chất lượng. Nhờ kinh nghiệm canh tác, chế biến của người dân Bình Phước và áp dụng công nghệ cao nên sản phẩm điều ngày càng có chất lượng cao, đáp ứng đa dạng khách hàng, nâng cao giá trị sản phẩm.
Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành trao Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” cho UBND tỉnh Bình Phước. Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” gồm có hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân và hạt điều rang muối.
Bình Phước hiện có 91 xã, phường trực thuộc 11 huyện, thị xã (Bù Gia Mập, Phú Riềng, Phước Long, Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Phú, Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, Bình Long, Đồng Xoài) là khu vực tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 134.000 ha điều, chiếm gần 50% diện tích và 54% sản lượng điều cả nước. Đây là cây trồng chủ lực giúp người dân ổn định cuộc sống và làm giàu, ngành công nghiệp chế biến điều tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động địa phương.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời gian tới Sở sẽ xem xét các nguồn cung cấp đầu vào thân thiện với môi trường cho người dân như: Giống, phân hữu cơ sinh học. Đồng thời, thực hiện các kế hoạch tiếp thị, xúc tiến thương mại, quản lý thương hiệu. Đặc biệt, chú trọng tổ chức và phát huy các chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất để ngành điều giữ vững thương hiệu gắn liền với chỉ dẫn địa lý.