Miến dong Bình Liu – sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện Bình Liu
Miến dong Bình Liêu là một trong những sản phẩm OCOP Quảng Ninh nổi tiếng nhất của huyện miền núi, biên giới Bình Liêu, được đăng ký nhãn hiệu độc quyền từ năm 2007 – 2008. Miến dong Bình Liêu có màu xanh lục, hơi ngả xám, sợi dài 25-30cm, nhỏ, vị dai giòn rất đặc trưng. Sản phẩm Miến dong Bình Liêu đã được đóng gói, có tem nhãn mác cẩn thận với đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Miến dong Bình Liêu được biết đến là một trong những sản phẩm nông sản nổi bật của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. So với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, miến dong Bình Liêu được đánh giá là thơm ngon, giữ được hương vị đặc trưng của củ dong riềng. Khác với những loại miến bình thường có màu vàng hoặc trắng, miến dong Bình Liêu có màu xanh lục, hơi ngả xám, sợi dài 25-30cm, nhỏ, vị dai giòn rất đặc trưng. Màu sắc và hương vị đặc trưng ấy có được là do người dân chỉ sử dụng duy nhất một loại nguyên liệu đầu vào là tinh bột củ dong riềng để làm miến, không sử dụng phụ gia và hóa chất.
Miến được sản xuất hoàn toàn từ củ dong riềng. Cây dong riềng được trồng trên những thửa nương, rẫy và ruộng bậc thang vùng đất Bình Liêu từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm. Củ dong riềng Bình Liêu cũng có những đặc trưng riêng. Bình Liêu không được thiên nhiên ban cho những cánh đồng màu mỡ nhưng những khoảnh đất núi khô cằn lại hợp với dong riềng, nên củ dong riềng Bình Liêu có chất lượng tốt, ít xơ, nhiều bột.
Cùng với nguồn nguyên liệu đặc trưng, miến dong Bình Liêu được chế biến bằng bí quyết truyền thống của người dân địa phương, như dùng nước suối sạch đầu nguồn, phơi khô hoàn toàn nhờ ánh nắng. Trước đây, miến dong được bà con sản xuất theo phương pháp thủ công và chỉ phục vụ cho bữa ăn gia đình, ít được đem bán. Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm chất lượng cao, có lợi cho sức khỏe tăng lên đã thúc đẩy nghề trồng dong, chế biến miến của Bình Liêu phát triển, vùng nguyên liệu miến được mở rộng. Bà con đã đưa thêm một số máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống nên không những giữ được chất lượng đặc trưng mà còn tăng thêm các giá trị mới: thẩm mỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm Miến dong Bình Liêu cũng đã được đóng gói, có tem nhãn mác cẩn thận với đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản phẩm miến dong Bình Liêu sản xuất, tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2014, huyện Bình Liêu đã xây dựng sản phẩm miến dong là một trong những sản phẩm OCOP của địa phương. Với chất lượng tốt, miến dong Bình Liêu đang ngày càng khẳng định thương hiệu và được người tiêu dùng trong ngoài tỉnh ưa chuộng. Hiện nay, miến dong Bình Liêu là sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao.
Thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Ninh về quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Đề án OCOP tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020, Bình Liêu đã tập trung phát triển vùng trồng dong riềng gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu miến dong Bình Liêu. Từ chỗ thiếu nguyên liệu, chỉ sản xuất theo thời vụ, hiện huyện đã chủ động được về nguyên liệu, công nghệ và sản xuất quanh năm. Năm 2016 trở về trước, các cơ sở chế biến miến dong luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu, trung bình mỗi năm chỉ nhập được trên 5.000 tấn củ. Từ năm 2017, do diện tích canh tác cây dong riềng được mở rộng lên 257,9ha, tổng sản lượng đưa vào chế biến đạt trên 8.900 tấn, sản lượng chế biến trên 600 tấn. Điều này khiến cho các cơ sở chế biến miến dong đều tồn kho lượng củ thô hoặc tinh bột dong riềng. Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu đến thời điểm hiện tại vẫn tồn kho đến 180 tấn tinh bột, tương đương 3.000 tấn củ thô.
Năm 2018, huyện Bình Liêu tiếp tục mở rộng diện tích trồng dong riềng lên 345,1ha, tăng gần 90ha so với năm 2017. Cây dong riềng được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Húc Động, Vô Ngại, Lục Hồn, Đồng Tâm. Dự kiến năng suất năm 2018 đạt khoảng 45 tấn/ha, sản lượng củ khoảng 15.500 tấn, tương đương trên 1.100 tấn miến. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều nơi, sản lượng củ dong tăng gấp gần 3 lần, điển hình như mô hình dong riềng tại xã Lục Hồn lên đến 110 tấn/ha. Sản lượng củ dự kiến đưa vào chế biến của riêng Bình Liêu khoảng 12.500 tấn bên cạnh việc bao tiêu khoảng 3.500 tấn củ cho nông dân của huyện Tiên Yên. Vì vậy tổng sản lượng củ dong đưa vào chế biến năm 2018 khoảng 16.000 tấn, gần gấp 2 lần so với sản lượng năm 2017. Khâu tiêu thụ hết củ dong cho nông dân cũng là một bài toán khó cho huyện và các cơ sở chế biến, trong khi hiện nay giá thu mua củ dong cao hơn các nơi khác, khả năng tiêu thụ sản phẩm miến dong đạt chậm, trung bình khoảng 5 tấn/tháng. Giá miến dong nói chung trên thị trường giảm mạnh, trong khi mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Hình thức tiêu thụ hiện nay chủ yếu qua hệ thống phân phối bán lẻ, thương lái và các đợt hội chợ trong và ngoài tỉnh nên việc thu hồi vốn chậm, dẫn đến thanh toán tiền nguyên liệu củ dong cho người dân chưa được kịp thời.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Liêu có 1 công ty, 4 hợp tác xã, 4 cơ sở sản xuất hộ gia đình có đăng ký kinh doanh và 40 gia đình chế biến miến dong quy mô nhỏ lẻ, thủ công. Hầu hết khó khăn mà các cơ sở chế biến tinh bột và miến dong trên địa bàn huyện đang gặp phải là tình trạng thiếu đất để mở rộng xưởng sản xuất; kết cấu hạ tầng các cơ sở chế biến hiện tại không đáp ứng được nhu cầu chế biến, do đó cần phải nâng cấp hệ thống điện, nước có công suất lớn hơn và đầu tư hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Về dây chuyền chế biến, 80% các cơ sở đều cần phải đầu tư nâng cấp hệ thống máy chế biến, đặc biệt là máy sát củ, máy tráng miến mới có thể đáp ứng được yêu cầu; về vốn, đặc biệt là vốn lưu động để thu mua củ dong cho nhân dân rất khó khăn, dự kiến để thu mua hết 16.000 tấn củ cần khoảng 50 tỷ đồng, mặc dù từ năm 2015 tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, song hạn mức hỗ trợ lãi suất hiện nay chưa thực sự phù hợp.
Để giải quyết những khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ miến dong, tiến tới phát triển bền vững sản phẩm OCOP “Miến dong Bình Liêu”, việc đầu tư mở rộng thị trường tiêu thụ cần triển khai đồng bộ qua nhiều hình thức như bán hàng trực tuyến, xây dựng hệ thống bán lẻ, đưa vào hệ thống siêu thị và hướng tới xuất khẩu.
Các giải pháp cần thực hiện để giải quyết khó khăn được đề xuất bao gồm: Ưu tiên bố trí nguồn lực từ các chương trình để hỗ trợ các cơ sở đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, xử lý môi trường; hỗ trợ các cơ sở chế biến tập huấn nâng cao kiến thức về thị trường, xúc tiến thương mại, đàm phán, ký kết hợp đồng; tổ chức cho 100% các cơ sở chế biến ký cam kết sản xuất sản phẩm an toàn và thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm theo quy định; tổ chức ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ giữa người sản xuất với các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện cũng như cho 3 xã của huyện Tiên Yên; thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các đơn vị để phục vụ sản xuất, chế biến miến dong; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm miến dong vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh; các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất cần đổi mới mẫu mã, đóng gói trọng lượng phù hợp, tăng cường quảng bá, cơ cấu lại bộ máy quản lý, nghiên cứu giảm giá thành.