Sóc Trăng tích cực tạo điều kiện phát triển các sản phẩm đặc trưng và đặc sản.
Sóc Trăng là tỉnh nằm cuối sông Hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáp TP. Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu và biển Đông. Đất đai ở Sóc Trăng có độ màu mỡ cao, thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Với lợi thế này, Sóc Trăng là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, như: bánh pía, lạp xưởng, hành tím, lúa gạo, mãng cầu gai, cây có múi.
Các sản phẩm đặc sản của Sóc Trăng được trưng bày tại các hội chợ, hội nghị trong và ngoài tỉnh.
Hiện tỉnh Sóc Trăng đang tích cực tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến và xuất khẩu gạo; chế biến các sản phẩm từ gạo; trồng và chế biến nấm rơm. Sóc Trăng có vùng trồng hành tím 6.600 ha sản lượng 99.575 tấn, tập trung ở thị xã Vĩnh Châu. Sóc Trăng có dải cù lao chạy dài ra tận cửa biển, là điều kiện lý tưởng để phát triển nhiều loại cây trái nhiệt đới. Hiện toàn tỉnh có gần 50.000 ha trồng các loại cây ăn quả như bưởi, xoài, sầu riêng, nhãn, mận, vú sữa, dừa, cam, chanh, chuối. Các sản phẩm như bưởi, dừa và xoài đang liên kết tiêu thụ với một số tỉnh, thành phố trong vùng. Bên cạnh đó, đã và đang có một số mặt hàng nông sản, thực phẩm nổi tiếng, tạo thương hiệu cho địa phương, như hành tím Vĩnh Châu, gạo đặc sản ST Sóc Trăng, gạo tài nguyên Thạnh Trị, bánh Pía, lạp xưởng, tôm nước lợ, có giá trị kinh tế cao và là mặt hàng xuất khẩu được nhiều thị trường ưa chuộng, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mỗi năm trên 600 triệu USD. Riêng bánh pía và lạp xưởng có nguồn gốc từ người Hoa nhưng bao năm nay đã thành đặc sản quen thuộc của Nam bộ. Người Khmer và người Hoa ở Sóc Trăng đông nhất đồng bằng sông Cửu Long, với nghề làm bánh pía và lạp xưởng lưu truyền lâu đời. Bởi vậy nơi đây được coi là quê hương của các đặc sản này.
Lạp xưởng, bánh pía Sóc Trăng:
Ở Sóc Trăng thì Vũng Thơm (xã Phú Tân, huyện Mỹ Tú) là địa danh nổi tiếng về nghề sản xuất lạp xưởng, bánh pía. Vùng đất Vũng Thơm là cái nôi của những món đặc sản hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng. Các cơ sở ở đây đều sản xuất cả bánh pía và lạp xưởng. Nghề làm lạp xưởng gia truyền ở Vũng Thơm có rất nhiều loại khác nhau phù hợp với vị giác của từng người, với các loại như: lạp xưởng thịt, lạp xưởng tôm, lạp xưởng gà. Các cơ sở ở đây đều sản xuất cả bánh pía và lạp xưởng.
Trong đó, lạp xưởng tươi dùng ruột heo tươi, các cô gái trẻ thoăn thoắt bên máy dồn thịt vào ruột heo, dùng kim inox xăm rồi cột thành từng khúc ngắn. Lạp xưởng được rửa sạch, đưa vào sấy 4 ngày đêm. Chiếc lò than lớn có 4 tầng, lạp xưởng được chuyển dần lên từng tầng với nhiệt độ cao hơn để khi ra lò khô đều với màu sắc ngon mắt. Với cách làm thủ công xưa, lạp xưởng tươi không để được lâu, nay nhờ cải tiến công nghệ nên bảo quản được 15 ngày trong điều kiện bình thường, sản phẩm hút chân không được 3 tháng. Còn lạp xưởng khô thì dùng ruột heo khô, dồn thành những cây dài 17-18cm. Cách làm tương tự nhưng kỹ thuật có khác nên dễ bảo quản, nếu hút chân không thì chất lượng như sản phẩm chế biến công nghiệp.
Để sản xuất ra lạp xưởng và bánh pía ngon, quan trọng nhất là lựa nguyên liệu và pha chế. Cùng là mỡ nhưng bánh pía phải dùng mỡ bệu (dày, mọng), còn lạp xưởng cần mỡ sượng (mỏng, khô) mới ngon.
Thịt heo làm lạp xưởng chỉ chọn nạc đùi, xay nhuyễn và trộn với mỡ xay, ướp hương liệu chừng 20 phút rồi dồn vô ruột. Ruột heo phải là loại tốt, dài thì lạp xưởng mới đẹp. Bánh pía cũng vậy, để có được bánh pía ngon, bột mì được trộn với đường, mỡ nước với kỹ thuật đặc biệt để tạo ra hai loại bột da dai và da xốp, rồi đánh chung với nhau tạo thành nhiều lớp vỏ mỏng. Nhân bánh là đậu hấp chín, cán nhuyễn trộn đường và mỡ nước rồi sên chừng 20 phút. Trước kia dùng lò than hay trấu, mỗi mẻ đậu chừng 10kg cần ba chàng trai trẻ dùng dầm gỗ thay nhau đảo đều. Nay dùng lò gas và đảo đậu bằng mô tơ điện, nhanh chóng, nhẹ nhàng và vệ sinh hơn nhiều. Tạo hình xong, bánh pía được đóng mộc hiệu màu đỏ rồi đưa vào lò, nướng khoảng 9-11 phút tùy bánh lớn nhỏ. Còn pha chế, tẩm ướp gia vị thì mỗi lò có bí quyết riêng, như rượu hay thuốc bắc cho lạp xưởng; Mứt bí, hột vịt muối và nhất là sầu riêng cho nhân bánh pía – phải là sầu riêng tươi chứ không dùng hương tổng hợp, nhưng đều tạo nên hương vị thơm ngon của đặc sản Vũng Thơm.
Bánh pía hình tròn, dẹt, có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân đậu xanh (hoặc khoai môn, mứt các loại), mỡ heo, lòng đỏ trứng vịt muối. Sở dĩ bánh pía trở thành món quà đặc trưng của xứ Sóc Trăng vì nhiều nơi khác cũng làm loại bánh này nhưng bánh pía Sóc Trăng mang hương vị rất riêng. Cũng là vỏ bột mì, nhân đậu xanh hoặc khoai môn tán nhuyễn trộn với sầu riêng hay mỡ heo xắt sợi, lòng đỏ trứng vịt muối nhưng bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt, không quá béo, khiến người thưởng thức ăn không ngán. Lớp vỏ bánh pía Sóc Trăng không khô cứng mà mềm dẻo, mịn màng ôm lấy nhân bánh thơm ngọt phía trong.
Hiện tại, Sóc Trăng có gần 40 lò chuyên sản xuất bánh pía với sản lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, số lò bánh và cửa hàng buôn bán tập trung đông nhất tại thị tứ Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) và An Trạch (nằm trên Quốc lộ 1), cách trung tâm thành phố Sóc Trăng vài cây số về hướng Cần Thơ.
Hành tím Vĩnh Châu
Hành tím là cây rau màu truyền thống, là đặc sản của tỉnh Sóc Trăng. Với diện tích trồng hành toàn vùng lên đến 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là địa phương có truyền thống canh tác củ hành tím từ lâu đời, nông dân có nhiều kinh nghiệm và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Hành tím Vĩnh Châu đã được xuất khẩu sang một số nước Châu Á.
Hành tím Vĩnh Châu có đặc điểm: vị cay nồng, không mùi hắc, có màu tím-đỏ nhạt và mượt của vỏ lụa, củ tròn, hơi thon, đặc biệt giống hành này có thể tồn trữ trong một khoảng thời gian dài mà không cần bất cứ một chất bảo quản nào nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo.
Gạo ST Sóc Trăng
Gạo ST Sóc Trăng có mùi vị thơm đặc trưng, có vị ngọt và cơm rất dẻo. Gạo ST có nhiều dòng như ST3, ST5, ST19, ST20, ST24, trong đó phổ biến và được ưa chuộng là gạo ST20 và gạo ST24.
Gạo ST 20 hạt thon dài (dài nhất trong số gạo thơm hiện có tại Việt Nam), gạo trong không bạc bụng, mặt gạo bóng, sáng trắng. Gạo ST24 hạt gạo trắng, trong, thon dài. Đây là giống cho gạo và cơm rất trắng một cách tự nhiên kể cả trong mùa mưa.
Nhãn hiệu Gạo thơm Sóc Trăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận vào năm 2011, đồng thời lọt vào top 100 thương hiệu – nhãn hiệu nổi tiếng vào năm 2013. Riêng gạo ST24 vinh dự đạt Top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2017.
Cam xoàn Mỹ Tú
Tại Sóc Trăng, cây cam xoàn được trồng tập trung tại xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, mùa thu hoạch cam chính vụ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch. Cam xoàn cho trái theo chùm, bình quân, một cây cho phép người dân thu về 40 đến 50 kg mỗi năm. Muốn trồng được vườn cam cho sản lượng tốt, quả ngon, những chủ vườn ở xã Hưng Phú chọn nguồn giống sạch bệnh và chất lượng, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Đồng thời, để các hộ dân yên tâm sản xuất, địa phương đã có quy hoạch từng khu vực trồng cam, xây dựng kế hoạch thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã về sản xuất cũng như thu mua cam cho bà con nông dân.
Để cụ thể hóa định hướng xây dựng thương hiệu cam xoàn Mỹ Tú, năm 2015 Tổ hợp tác camxoàn Phương An được thành lập, đến năm 2016 được Ngành nông nghiệp huyện phát triển thành Hợp tác xã Nông nghiệp Phương An.
Hợp tác xã Nông nghiệp Phương An đã sử dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho 35,16 ha sản xuất cam xoàn, cùng với chứng nhận năm 2016, đến nay diện tích được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã đã đạt 54,66 ha trên tổng cộng 45 hộ sản xuất.
Qua mô hình, ý thức sản xuất an toàn, có truy xuất nguồn gốc của nông dân đã dần tiến bộ hơn. Trong đó, 100% nông dân đã có khả năng tự ghi chép sổ nhật ký canh tác, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, thời gian cách ly trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được tuân thủ nghiêm ngặt, chi phí đầu tư được cắt giảm hợp lý.
Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Phương An, ấp 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cung cấp cam xoàn được chứng nhận VietGAP.
Gạo Tài nguyên Thạnh Trị
Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị là loại gạo có nhạt thon, nhỏ có gan đục, cơm mềm, xốp, để nguội vẫn mềm cơm và có vị ngọt nhất trong các loại gạo.
Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị được sản xuất từ giống lúa mùa đặc sản được nông dân ưa chuộng, điểm khác biệt của lúa tài nguyên so với các giống lúa khác là chỉ trồng được một vụ trong năm, nếu gieo trồng hai vụ lúa sẽ không trổ bông. Thời gian gieo sạ từ tháng 8 đến tháng 9 âm lịch và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 2 âm lịch. Hiện nay, vùng nguyên liệu tập trung chủ yếu tại các xã của huyện Thạnh Trị như thị trấn Phú Lộc, xã Thạnh Trị, thị Trấn Hưng Lợi, xã Châu Hưng, một phần xã Tuân Tức, Vĩnh Thành, Vĩnh Lợi với diện tích gieo trồng là 10.330 ha/năm theo quy trình cánh đồng lớn, năng suất trung bình 7 tấn/ha, sản lượng lúa hàng hóa cung ứng cho thị trường trên 45.000 tấn/năm.
Để lưu giữ giống lúa quý, huyện Thạnh Trị đã phối hợp Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long khôi phục lại giống lúa như ban đầu và triển khai đến người dân canh tác. Bên cạnh đó, nhằm quảng bá “loại gạo ngon” đến rộng rãi người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, huyện Thạnh Trị đã đăng ký nhãn hiệu mang tên “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận.
Hoạt động xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Với những sản phẩm thế mạnh, trong thời gian qua ngành công thương tỉnh đã tích cực tìm các giải pháp để giúp người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các loại sản phẩm nêu trên.
Theo đó, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm như thường xuyên thông tin về các đợt hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, qua đó, đã hỗ trợ cho nhiều lượt doanh nghiệp tham gia các gian hàng tại hội chợ trong và ngoài tỉnh, góp phần hỗ trợ và cung cấp những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến thương mại Sóc Trăng đã hỗ trợ cho HTX Hành tím Vĩnh Châu tham gia “Phiên chợ đặc sản vùng và hàng Việt Nam năm 2017” tại TP. Châu Đốc (An Giang). Kết quả HTX đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Siêu thị Tứ Sơn. Song song đó, đã tổ chức cho 3 lượt doanh nghiệp, gồm: HTX Hành tím Vĩnh Châu, Công ty Nông sản hữu cơ miền Tây, Công ty TNHH Châu Chấn Phong đến tỉnh Đồng Nai tham gia buổi giao lưu, kết nối mua bán trao đổi hàng hóa với Ban Quản lý chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Dầu Giây, cùng những thương nhân, chủ vựa, siêu thị, bếp ăn tập thể. Đồng thời, tiến hành tổ chức cho các doanh nghiệp tham dự Hội nghị kết nối cung cầu tại tỉnh An Giang.
Thông qua việc tổ chức tham gia các kỳ hội chợ trong, ngoài tỉnh đã tạo cơ hội tốt cho hàng hóa tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng có dịp thâm nhập thị trường các tỉnh, thành cả nước, doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm về phân phối sản phẩm, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các chương trình Kết nối cung – cầu hàng hóa, gặp gỡ trực tiếp với đối tác để nắm thông tin, yêu cầu của hai bên, làm tiền đề cho các cuộc giao dịch, thương lượng về sau.
Trong những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai dự án tại địa phương. Lĩnh vực nông nghiệp, có ba dự án tiêu biểu là “Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời” ở Phân trường Mỹ Phước, Phân trường Thạnh Trị và dự án “Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” ở Phân trường Phú Lợi đang được các nhà đầu tư đẩy mạnh triển khai. Trong khi chờ đợi, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã tích cực chuẩn bị cho việc hình thành vùng sản xuất lớn, đạt chuẩn với sự vào cuộc tích cực của nông dân.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực trong sản xuất nông nghiệp và phát triển sản phẩm đặc trưng, tuy nhiên, hiện nay, Sóc Trăng vẫn còn đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Việc tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, giá nông sản thường xuyên biến động. Số lượng doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân mới chủ yếu ở sản phẩm lúa. Cơ giới hóa trong sản xuất chỉ đáp ứng cho một số khâu sản xuất như làm đất, thu hoạch, vận chuyển; cơ giới hóa trong sản xuất rau màu còn nhiều hạn chế.
Theo UBND tỉnh, Sóc Trăng sẽ phát huy đến mức cao nhất lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực và kinh tế – xã hội của từng vùng sinh thái để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng cơ giới trên quy mô lớn phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.