Mở rộng mô hình trồng cây ăn quả Bắc Sơn theo tiêu chuẩn VietGap.
Những năm qua, huyện Bắc Sơn – tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất lớn, đặc biệt trong số đó là phát triển mô hình cam, quýt theo hướng VietGap, đồng thời kết hợp phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách tham quan. Hiệu quả kinh tế từ cây quýt ngày càng cao, diện tích trồng được mở rộng, cây quýt trở thành cây trồng chủ lực xóa đói, giảm nghèo của huyện.
Huyện Bắc Sơn có đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành, nhiều danh thắng, di tích và lễ hội đặc trưng. Trong những năm gần đây, các cấp chính quyền và nhân dân Bắc Sơn đã đồng thuận thực hiện nhiều hướng đi, giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với du lịch và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Những năm qua, Bắc Sơn đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất lớn. Không chỉ có diện tích rừng lên đến 56.943 ha, chiếm 3/4 diện tích toàn huyện, Bắc Sơn còn còn có nhiều diện tích đất vườn, đồi và thung lũng rộng rãi cùng với điều kiện khí hậu rất thích hợp cho việc trồng và phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày.
Để khai thác tiềm năng này, Bắc Sơn đã tích cực đưa vào nhiều giống cây, con mới, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng mô hình quản lý mới. UBND huyện tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi đem lại hiệu quả cao khi hình thành các vùng chuyên canh như: sản xuất lúa nếp cái hoa vàng ở xã Bắc Sơn; sản xuất rau an toàn ở xã Hữu Vĩnh; chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở xã Chiến Thắng, xã Quỳnh Sơn. Các mô hình trên đã và đang được nhân rộng, phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là nhân rộng mô hình trồng quýt theo hướng VietGap ở xã Chiến Thắng, Vũ Sơn.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; tạo điều kiện tốt hơn nữa trong thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phát triển mô hình sản xuất hiệu quả, ưu tiên đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch.
Tăng năng suất và chất lượng quýt Bắc Sơn
Quýt Bắc Sơn là một trong những loại quả đặc sản nổi tiếng của huyện Bắc Sơn được người tiêu dùng biết đến với hương vị thơm ngon đặc trưng, sản phẩm này cũng đã đến các tỉnh, thành trong cả nước. Quýt của Bắc Sơn có hai loại là quả tròn và quả dẹt. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít xơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng 80-150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả. Quýt quả dẹt có hai đầu lõm, hình hơi dẹt, khi chín có màu vàng ươm, vỏ dày hơn, khó bóc, vị chua và cũng ít sơ. Trọng lượng quả trung bình 100–150g.
Nhằm nâng cao chất lượng quả quýt, đưa ra thị trường những sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, nông dân trên địa bàn huyện chủ động thay đổi phương pháp nhân giống và chăm sóc. Hai năm trở lại đây, chất lượng, mẫu mã quả quýt có những thay đổi tích cực.
Huyện Bắc Sơn hiện có trên 526 ha quýt, trong đó có 355 ha đang cho quả, năng suất trung bình đạt 49,78 tạ/ha. Năm 2017, sản lượng quýt toàn huyện đạt 1.767 tấn. Năm 2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hướng dẫn người dân xây dựng mô hình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 47 ha.
Trước đây, hầu hết người dân chưa thấy được hiệu quả, cũng như tầm quan trọng của việc sản xuất theo hướng VietGAP đối với việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nên công tác vận động triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn. Sau hơn 1 năm triển khai, thấy được hiệu quả mang lại từ mô hình này (giá bán tăng gấp 1,5 đến 2 lần) người dân trên địa bàn đã chủ động đăng ký triển khai thực hiện. Trong năm 2018, huyện Bắc Sơn phát triển thêm 84 ha quýt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nâng tổng diện tích quýt VietGAP toàn huyện lên 131 ha.
Hợp tác xã Nam Hồng, xã Chiến Thắng huyện Bắc Sơn hiện có 17 hộ thành viên chuyên trồng quýt. Năm 2017, sản xuất thí điểm, năng suất vườn quýt một số hộ gia đình đạt 10 tấn/ha. Dự kiến năm 2018 năng suất đạt 30 tấn/ha.
Sản xuất theo quy trình VietGAP không chỉ năng suất, chất lượng quả tăng mà giá trị quả quýt mang lại cho nông dân cũng tăng đáng kể. Giá quýt sản xuất theo quy trình thông thường trung bình khoảng 20.000 đến 25.000 đồng/kg thì quýt VietGAP được bán với giá 30.000 đến 60.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Mới đây, hợp tác xã nông nghiệp Nam Hồng đã ký hợp đồng với Công ty An Việt. Theo đó, công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm quýt sản xuất theo quy trình VietGAP để cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội.
Sản xuất tập trung theo hướng VietGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, sẽ giúp người nông dân Bắc Sơn mở rộng thị trường tiêu thụ quýt ra các tỉnh thành trong cả nước và tiến tới xuất khẩu. Thời gian tới, huyện Bắc Sơn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng quýt vàng Bắc Sơn.
Để tăng chất lượng quả, thay vì chăm sóc, bón phân theo phương pháp thông thường, nông dân huyện Bắc Sơn chủ động điều hoà lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây. Quýt là cây khó tính, bộ rễ yếu nên không bón cùng một lúc nhiều loại phân mà mỗi thời điểm chỉ được bón một loại phân khác nhau. Khắc phục điều này, nhiều người sử dụng phương pháp tăng dinh dưỡng cho cây qua lá để tăng nguồn dinh dưỡng. Nhưng vào mùa khô, phương pháp này không đem lại hiệu quả nên cần tập trung phát triển bộ rễ cho cây nhằm tăng sức chống chịu sâu bệnh và hút được nhiều chất dinh dưỡng nuôi quả. Vì vậy, sau khi thu hoạch, tỉa cành, tạo tán bón phân cho cây hồi phục.
Từ tháng 2 đến tháng 4 là thời điểm thích hợp sử dụng các loại phân bón có tác dụng giữ quả và để quả ngọt hơn thì bón phân kali đỏ vào tháng 6 đến tháng 8, đây là khoảng thời gian quả đang vào nước, cây phát triển mạnh. Đặc biệt, đất trồng quýt trên địa bàn huyện Bắc Sơn là đất đồi, núi, do đó, không nên sử dụng phân bón NPK cho đất mặn, đất chua mà còn chọn phân NPK cho đất đồi. Cùng với đó, cần tỉa thưa quả để tăng trọng lượng và giúp cây khỏe mạnh hơn.
Nhờ thay đổi các phương pháp sản xuất mà chất lượng quả quýt được cải thiện. Các phương pháp này cũng đang được nông dân tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn thí điểm, thời gian tới sẽ được nhân rộng ra các xã trồng nhiều quýt như: Vũ Sơn, Tân Lập nhằm nâng cao chất lượng cũng như giá trị của loại quả đặc sản này.
Ngoài tình trạng một số cây già cỗi, không được chăm sóc hợp lý khiến chất lượng quả kém ổn định, vấn đề được rất nhiều người quan tâm hiện nay là lượng hạt trong mỗi quả quýt tương đối nhiều, trung bình khoảng 6, 7 hạt/quả; cá biệt có những quả trên 10 hạt. Nguyên nhân khiến quả quýt có nhiều hạt là do lâu nay nông dân nhân giống bằng hạt. Để làm giảm lượng hạt trong mỗi quả, nông dân đã thay đổi phương pháp, nhân giống bằng cành chiết. Kết quả thành công ngoài mong đợi, hầu hết cây trồng bằng cành chiết đều cho quả rất ít hạt, hiện chỉ còn từ 1 – 3 hạt/quả.
Bên cạnh chú trọng giảm hạt, nông dân trên địa bàn huyện còn nghiên cứu và triển khai một số phương pháp nâng cao chất lượng quả như: tăng kích thước, độ tươi sáng của vỏ, đặc biệt là độ ngọt cho quả.
Một số hộ gia đình ở xã Chiến Thắng trồng 200 cây quýt vàng Bắc Sơn được ươm từ hạt quýt đầu dòng. Trung bình mỗi năm thu từ 4 – 5 tấn quả. Năm 2018, dự kiến vườn quýt tại một số hộ gia đình cho thu 15 tấn quả, với giá bán khoảng trên 30.000/kg, gia đình thu về gần 500 triệu đồng.
Bảo tồn và phát triển giống quýt vàng
Cây quýt hiện nay đang ngày càng giảm cả về diện tích và phẩm cấp hàng hóa. Các loại sâu bệnh gây hại như: Sâu vẽ bùa, sâu đục thân đục cành, nhện đỏ, ruồi vàng đục quả, bệnh vàng lá phát sinh nhiều hơn. Nguyên nhân cơ bản là do nạn khai thác rừng tràn lan trong suốt nhiều năm qua, khiến môi trường sinh thái thay đổi nghiêm trọng.
Huyện Bắc Sơn đã phối hợp với Sở khoa học – công nghệ Lạng Sơn thực hiện đề tài “Xây dựng thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn” để bảo tồn và phát triển giống quýt vàng. Theo đó, bình tuyển những cây ưu tú và có biện pháp bảo vệ nguồn gen quý và tạo ra vườn giống đầu dòng phục vụ cho công tác phát triển vùng hàng hóa theo tiềm năng sẵn có của địa phương. Thông qua việc phục tráng, đã tạo ra giống quýt sạch bệnh, cung cấp cho bà con đưa vào sản xuất.
Nhằm giữ vững và nâng cao thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn đã xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh tế của sản phẩm, giúp bà con tiêu thụ ổn định hơn. Hiện toàn huyện có gần 200 hộ gia đình trồng và chăm sóc quýt theo VietGAP.
Nhờ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mà nhiều hộ đã cải tạo được vườn tạp, trồng cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao, trong đó cây quýt thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho phần lớn đồng bào các dân tộc ở Bắc Sơn.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, hội thảo, hội nghị để nông dân áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Phát triển trồng cây quýt đặc sản theo hướng VietGAP không chỉ là mong muốn của các thành viên Hợp tác xã mà còn là mong muốn của tất cả người dân trong vùng, có như vậy mới giữ được giá ổn định, bà con yên tâm sản xuất, tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Cùng với đó xây dựng các mô hình thí điểm, đặc biệt, cán bộ khuyến nông, kỹ sư nông nghiệp được cử trực tiếp xuống tận vườn hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc cây quýt. Tất cả các khâu chăm sóc như: tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đều được ghi chép và theo dõi tỉ mỉ. Phân hữu cơ, chế phẩm sinh học được khuyến khích sử dụng trong quá trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Cùng với đó, các hộ tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP cũng được hỗ trợ phân bón.
Quýt vàng Bắc Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào cuối năm 2017. Đây là cơ hội lớn để quýt vàng Bắc Sơn vươn xa đến với mọi miền Tổ quốc, nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề đối với huyện Bắc Sơn là nâng cao chất lượng, bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt vàng. Ngoài ra, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe thì quýt vàng Bắc Sơn có thể được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Có giá trị kinh tế và mang tính hàng hoá cao, giống quýt vàng đã thực sự trở thành loại cây xoá đói giảm nghèo cho phần lớn đồng bào các dân tộc ở Bắc Sơn.
Nhiều hộ chỉ với vườn quýt 400 cây nhưng đã đạt mức thu nhập đều hàng năm từ 110 đến 130 triệu đồng. Ngay cả với những nơi thuộc vùng sâu vùng xa, sau mỗi vụ quýt nhiều hộ vẫn đạt mức thu nhập gần 100 triệu đồng.
Để bảo tồn và phát triển giống quýt vàng, phát huy tiềm năng thế mạnh của Bắc Sơn, rất cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn trong việc tuyên truyền vận động người trồng quýt thực hiện biện pháp đầu tư chăm sóc vườn theo đúng kỹ thuật.
Đồng thời thực hiện thường xuyên công tác bình tuyển những cây ưu tú để qua đó có biện pháp bảo vệ nguồn gen quý và chọn tạo ra vườn giống đầu dòng phục vụ cho công tác phát triển vùng hàng hóa quý giá theo tiềm năng sẵn có của địa phương.
Với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Rau quả, sau một thời gian điều tra, khảo sát, tuyển chọn những cây quýt ưu tú, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức thành công Hội thi tuyển chọn giống quýt vàng Bắc Sơn.