Bình Thuận tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu thanh long bền vững.
Thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả chủ lực của Việt Nam và là 1 trong 9 loại cây trồng chủ lực của nước ta có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tại tỉnh Bình Thuận, sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác và nâng cao thu nhập cho người dân. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Bình Thuận đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao sức cạnh tranh của trái thanh long Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bình Thuận đóng góp khoảng 86% tổng sản lượng thanh long của cả nước.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn quốc hiện có 32 tỉnh trồng thanh long với diện tích khoảng 37.000 ha; trong đó, Bình Thuận là tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất cả nước với 28.000 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 600.000 tấn (chiếm khoảng 86% tổng sản lượng thanh long cả nước). Toàn tỉnh có 9.500 ha thanh long được chứng nhận VietGap, 262 ha chứng nhận GlobalGap. Trên địa bàn, 54 doanh nghiệp và cơ sở thu mua, kinh doanh thanh long đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế, đóng gói xuất khẩu. Trong đó, các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc là nơi có diện tích trồng lớn nhất tỉnh.
Hiện nông dân tại Bình Thuận trồng nhiều giống thanh long, gồm thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ và thanh long ruột tím hồng. Ngoài ra, Viện Cây ăn quả miền Nam mới chuyển giao giống cây thanh long ruột vàng cho tỉnh Bình Thuận.
Trái thanh long chín tại tỉnh Bình Thuận.
Thanh long có thể trồng bằng hạt nhưng lâu cho quả nên nhà vườn chủ yếu nhân giống vô tính bằng hom. Sau khoảng 3-4 tháng đặt hom, cây bắt đầu leo lên trụ. 8 tháng tiếp theo, cây bắt đầu ra hoa. Nụ hoa phát triển 2 tuần thì nở.
Thời điểm thụ phấn, đậu quả thường vào mùa mưa. Từ khi ra nụ đến khi quả chín khoảng 1,5 tháng. Để quả thanh long to, mập, người làm vườn cần vặt bỏ bớt lượng hoa nhất định, giữ lại 1-2 quả trên mỗi dây. Thanh long thuận vụ cho 6-8 lứa quả. Thanh long nghịch vụ cho thêm 3 – 6 lứa bằng cách chong đèn.
Tuổi thọ của cây thanh long từ 20 đến trên 100 năm. Sau một năm trồng, thanh long bắt đầu ra bói. Từ năm thứ 3-4 trở đi, cây cho năng suất cao, ổn định. Để hạn chế cỏ dại và giữ ẩm cho cây, nông dân ủ gốc bằng rơm, đồng thời tỉa bớt những dây không cho trái, bị sâu, nấm.
Chong đèn cho thanh long vào buổi đêm.
Đến Bình Thuận vào thời điểm nghịch vụ thanh long, khách sẽ bắt gặp những khu vườn sáng rực như ban ngày. Với 500 trụ, nông dân lắp khoảng 500 bóng trong 10-20 ngày liên tục, chong đèn khoảng 3 tháng một lần, mỗi năm cho thu hoạch đến 12 vụ.
Quả thanh long chín nặng 150-200gr, có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu canxi, magie và vitamin B, C. Ngoài tiêu thụ trái tươi, người dân còn sấy khô, làm rượu, giấm, mứt, nước ép thanh long.
Thương hiệu Thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam và xuất khẩu tới hơn 36 quốc gia trên thế giới.
Bình Thuận tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thanh long.
Thanh long Bình Thuận tiêu thụ chủ yếu là trái tươi, ước tính khoảng 15 – 20% sản lượng thanh long cung cấp cho thị trường trong nước; 80 – 85% dành cho xuất khẩu.
Hiện thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu vào thị trường 12 nước; trong đó, khu vực châu Á chiếm tỷ trọng 83% tổng kim ngạch xuất khẩu; châu Âu (khoảng 11%), châu Mỹ và châu Úc chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang Mỹ, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, một số nước và vùng lãnh thổ đã và đang mở rộng diện tích trồng thanh long như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia… nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đây sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với thanh long Việt Nam cả ở thị trường trong và ngoài nước.
Xuất khẩu thanh long vào các thị trường trọng điểm thời gian tới dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc tăng diện tích trồng thanh long và các thị trường xuất khẩu chủ lực bắt đầu tăng cường công tác kiểm dịch thực vật. Cụ thể, xuất khẩu thanh long vào Mỹ phải qua khâu chiếu xạ; Nhật Bản phải xử lý nước nóng; các nước châu Âu yêu cầu trước tiên là trái thanh long phải đạt chứng nhận GlobalGAP.
Trong khi đó, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long vẫn còn một số khó khăn nhất định: hệ thống phân phối thanh long còn nhiều bất cập, chủ yếu theo kênh truyền thống, người nông dân tự sản xuất và tìm đầu mối tiêu thụ; thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn vẫn chưa được ổn định, chưa gắn kết thị trường nên giá sản phẩm không cao hơn so với sản phẩm sản xuất bình thường, do đó chưa khuyến khích được người dân tham gia sản xuất thanh long an toàn; hiệu quả công tác xúc tiến thương mại chưa cao, chưa mở rộng được việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước.
Hiện tỉnh Bình Thuận đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thanh long, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính như sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng trái thanh long qua việc tổ chức, triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Tuy nhiên, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap vẫn trong quy mô nhỏ và không ổn định. Việc triển khai sản xuất theo mô hình này cần được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư khâu xử lý sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản đảm bảo vận chuyển thanh long xuất khẩu sang các thị trường xa; tăng cường khâu quảng bá, tiếp thị đưa thanh long thâm nhập sâu vào các thị trường đã mở, nhất là những thị trường khó tính.
Thứ ba, đa dạng hóa sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có hơn 10 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chế biến từ trái thanh long. Nhiều hợp tác xã thanh long trên địa bàn bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thanh long từ chính vùng nguyên liệu của mình như: sản phẩm rượu vang thanh long của hợp tác xã Hàm Đức, thanh long sấy khô của hợp tác xã Phan Long, si rô, rượu vang của hợp tác xã Hàm Kiệm. Hiện nay, quy trình sản xuất sản phẩm từ thanh long như: nước ép, sấy khô, sấy dẻo, rượu thanh long được các đơn vị kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ khâu nguyên liệu, chế biến sản phẩm, đóng gói đến kho chứa. Do đó, các sản phẩm này bước đầu đã thâm nhập thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao. Việc tạo ra dòng sản phẩm chế biến ngay từ vùng nguyên liệu thanh long dồi dào là một hướng đi đúng đắn. Điều này không những giải quyết vấn đề tiêu thụ trái trong những lúc dư thừa mùa chính vụ mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho thanh long Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện nay các hợp tác xã đang gặp một số khó khăn về nguồn vốn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ, mở rộng thị trường. Do đó, để phát triển mạnh hơn mô hình sản xuất sau thu hoạch thanh long, cần sự vào cuộc hỗ trợ của nhà nước cũng như sự hợp tác phát triển của các đối tác.
Thứ tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ trái thanh long của tỉnh Bình Thuận, thực hiện mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ hóa các giải pháp nhằm đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa; các cơ quan kiểm dịch tại khu vực cảng, cửa khẩu ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm dịch thực vật đối với thanh long xuất khẩu. Ngoài ra, tăng cường an ninh, trật tự trên địa bàn cho thương nhân thu mua thanh long; cho phép các biện pháp phù hợp để ưu tiên đối với việc vận chuyển thanh long, điều tiết kịp thời các phương tiện vận tải để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa.
Trong kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2018, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, người trồng tham gia hội chợ triển lãm để quảng bá, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và các quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ trọng điểm của thanh long Bình Thuận trong những năm tới. Do vậy, ngoài duy trì hình thức buôn bán biên mậu với Trung Quốc như hiện nay, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ nỗ lực để tăng xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển vào các tỉnh thành phía Đông Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh, Hồ Bắc.
Để tránh tình trạng ùn ứ hàng và điệp khúc được mùa mất giá do cung vượt cầu, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận khuyến cáo nông dân không phát triển diện tích thanh long ồ ạt, mà tập trung phát triển sản xuất thanh long đi vào chất lượng để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích bà con sử dụng đèn cho thanh long trái vụ nên theo nhiều chu kỳ trên một diện tích canh tác, tốt nhất là mỗi lứa thu hoạch cách nhau 20 ngày. Điều này giúp cho thu hoạch quả thanh long trải đều trong suốt chu kỳ, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt sẽ dễ dẫn đến giá thấp.
Để giữ vững thương hiệu cho thanh long, đặc biệt là thị trường xuất khẩu thanh long thế giới, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Công Thương yêu cầu các cơ sở không thu mua thanh long không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, ưu tiên mua thanh long đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Muốn thanh long phát triển có hiệu quả, ổn định và bền vững thì phương pháp canh tác duy nhất là phải sản xuất thanh long theo quy trình sạch, nhằm đáp ứng thị trường đang ngày càng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhắc nhở các đơn vị sản xuất thanh long sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; đặc biệt phải đúng quy trình đã đăng ký với Trung tâm Nghiên cứu phát triển thanh long.
Để phát triển thanh long bền vững, tỉnh Bình Thuận đã quy hoạch diện tích trồng thanh long đến năm 2020 đạt 28.000 ha, năng suất đạt 28 tấn/ha, sản lượng đạt 750.000 tấn. Đến năm 2025 sẽ mở rộng lên 30.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, sản lượng đạt trên 850.000 tấn. Theo quy hoạch sẽ nâng tỉ lệ diện tích trồng thanh long an toàn năm 2020 đạt trên 50% và đến năm 2025 đạt trên 70%.