TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp.
Thông tin này được ông Trần Tấn Qúy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM công bố ngày 23/03, trong diễn đàn “Khởi nghiệp nông nghiệp” do Sở NN&PTNT cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp tổ chức. Sự kiện đồng thời có sự hỗ trợ từ Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (AHBI) và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam SVF.
Phát triển nông nghiệp sạch (Hình minh họa)
Diễn đàn thu hút gần 500 người đến tham dự, trong đó có gần 450 thanh niên. Đây là những thanh niên quan tâm, có ý định hoặc đang thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm sản xuất và kinh doanh. Theo thông tin từ BTC chương trình, diễn đàn không chỉ thu hút các bạn trẻ tại TPHCM mà còn có 65 bạn đến từ các tỉnh thành khác.
Ông Quý bày tỏ sự bất ngờ trước sự quan tâm đông đảo của các bạn trẻ khi khán phòng hơn 500 chỗ của Sở Nông nghiệp không còn ghế trống, ông cho biết: “Tôi mong tất cả các bạn đến đây sẽ hiểu được, khởi nghiệp đang là mối quan tâm và kỳ vọng rất lớn của thành phố. Phương châm của TPHCM đến năm 2020 là xây dựng thành phố có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Trước hết, cần khơi dậy niềm đam mê của các bạn trẻ trong khởi nghiệp”.
Sự quan tâm của thành phố dành cho cộng đồng doanh nghiệp được thể hiện qua Quyết định số 3907/QĐ-UBND về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo quyết định này, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020, thành phố có ít nhất 500.000 doanh nghiệp, và riêng lĩnh vực nông nghiệp là 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố.
Quan điểm phát triển nông nghiệp của TPHCM là hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và riêng thành phố hướng đến trở thành trung tâm sản xuất giống, cây con có chất lượng và an toàn trong khu vực.
TPHCM có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp, trong đó lớn nhất là thị trường. Hiện nay dân số ở thành phố đã vượt ngưỡng 10 triệu. Đây là tiềm năng lớn để tiêu thụ sản phẩm.
Theo số liệu của sở NN&PTNT TPHCM, hiện nay sản phẩm nông nghiệp do thành phố làm ra chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu. Thành phố đồng thời cũng là địa phương đi đầu về tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật và nông nghiệp và lan tỏa các thành tựu này sang các tỉnh lân cận.
Hiện nay, thành phố đã có Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Công nghệ sinh học.
Một thuận lợi nữa là TPHCM đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, giá trị tạo ra trên sản phẩm nông nghiệp trên mỗi ha đất của thành phố rất cao, có cây trồng đạt trên 1 tỷ đồng/ha đất/năm. Riêng con số bình quân của thành phố là 400 triệu đồng/ha đất/năm.
Diện tích đất nông nghiệp của thành phố không nhiều, nay càng ngày bị thu hẹp sẽ là bài toán lớn và thành phố kỳ vọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít diện đất hơn nhưng tạo ra giá trị gia tăng trên sản phẩm cao hơn sẽ phần nào giải quyết được vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Quý cũng cảnh báo về những thách thức khi gia nhập vào lĩnh vực nông nghiệp: đó là kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, cạnh tranh giá cả, chất lượng khi hội nhập và biến đổi khí hậu.
Riêng về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, mới đây vào ngày 11/03, thành phố đã thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trên cả nước.