Bắc Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực.

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang có nhiều chuyển biến tích cực; hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, giá trị sản xuất cao; xây dựng thành công một số mô hình sản xuất hàng hóa có thương hiệu tầm cỡ quốc gia như: Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Diễn Lục Ngạn, cam Canh Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa, lợn sạch Ngọc Châu, nhãn muộn Phúc Hòa. Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn đã sản xuất đạt tiêu chuẩn châu Âu (GlobalGAP). Đây là những sản phẩm nông sản sạch, tiêu chuẩn, dồi dào, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của người dân trong và ngoài nước.

Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc khu vực Đông Bắc với dân số trên 1,6 triệu người, bao gồm 20 thành phần dân tộc thiểu số với số dân là 200.538 người, chiếm 12,4% dân số toàn tỉnh. Diện tích đất tự nhiên trên 389 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 302 nghìn ha, chiếm 77,6% tổng diện tích đất tự nhiên.

Bắc Giang có địa hình vùng núi, đồi thấp, đồng bằng do đó có đầy đủ điều kiện để phát triển đa dạng các giống cây trồng vật nuôi nhiệt đới, á nhiệt đới, gieo trồng nhiều vụ trong năm. Đây là lợi thế để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy, tìm hướng ra cho các sản phẩm nông sản ở thị trường trong và ngoài nước; qua đó giúp quảng bá đặc sản địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, bước đầu đã hình thành một số sản phẩm nông sản hàng hóa như: Lúa chất lượng diện tích 34.500 ha, sản lượng đạt gần 209.000 tấn; diện tích cây ăn quả 48.000 ha, sản lượng đạt trên 260 ngàn tấn, sản phẩm chủ lực là vải thiều với diện tích 29.000 ha, sản lượng 150.000 tấn trở lên; diện tích rau đậu đạt 25.000 ha, sản lượng khoảng 415.000 tấn (trong đó: rau chế biến, rau an toàn 6.700 ha, sản lượng 130.000 tấn). Diện tích lạc 11.500 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn; tổng đàn lợn 1,13 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 160 nghìn tấn; đàn gia cầm 17 triệu con, sản lượng 47 nghìn tấn.

Tiêu thụ vải thiều đạt kết quả cao. Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ năm 2018 đạt 215.800 tấn (tăng 124.300 tấn so với năm 2017); giá bình quân đạt 16.000 đồng/kg, tổng doanh thu đạt 5.755 tỉ đồng, tăng 448 tỉ đồng so với năm 2017.

Cụ thể, sản lượng vải tiêu thụ trong nước đạt 118.700 tấn (chiếm 55% tổng sản lượng tiêu thụ). Thị trường trong nước bao gồm các tỉnh lân cận phía Bắc cùng các thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thông qua các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và một số siêu thị.

Bên cạnh đó, lượng vải thiều tươi xuất khẩu đạt 97.100 tấn (chiếm 45% tổng sản lượng), giá trị xuất khẩu ước đạt 170,5 triệu USD. Trong đó, vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 86.200 tấn; vải thiều xuất khẩu sang thị trường khác đạt 1.200 tấn; vải thiều qua chế biến xuất khẩu được 3.300 tấn (tương đương khoảng 9.700 tấn vải tươi). Cũng trong mùa vụ này, quả vải Bắc Giang đã vươn tới thị trường của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Uy tín của vải thiều Bắc Giang còn được củng cố qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Ở vùng vải chủ lực là huyện Lục Ngạn, vụ vải năm nay, huyện đã hỗ trợ 8 doanh nghiệp và hợp tác xã dán tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, vải thiều Lục Ngạn dễ dàng giành được niềm tin của người tiêu dùng.

Theo đánh giá, vụ vải thiều của Bắc Giang năm 2018 được mùa lớn và đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay.

Kết quả nói trên đạt được là nhờ tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo ngay từ đầu vụ, đặc biệt là sự chú ý khuyến khích các hộ trồng vải ứng dụng quy trình sản xuất an toàn để có năng suất, chất lượng cao. Tỉnh chú trọng hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo các yêu cầu như: không sử dụng chất cấm, giữ khoảng cách thời gian cách ly.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến phát sinh, gây hại các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Bắc Giang có diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 13.500 ha, sản lượng khoảng 90.000 tấn; diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP gần 220 ha với sản lượng 10.000 tấn.

Đặc biệt, tỉnh có gần 220 ha vải thiều được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ sản xuất, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng phát triển nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm vải thiều sớm Phúc Hòa, huyện Tân Yên và chỉ dẫn địa lý với vải thiều Lục Ngạn. Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Văn bằng bảo hộ tại 6 quốc gia: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore. Tỉnh đang tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tại nhiều nước trên thế giới.

Đáng chú ý, công tác xúc tiến thương mại cũng được tiến hành một cách chủ động, có nhiều điểm mới. Đó là hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tổ chức tại Bằng Tường đã thu hút nhiều hiệp hội hoa quả, hội doanh nghiệp đối tác tham gia.

Năm 2018 cũng là năm lần đầu tiên Bắc Giang tổ chức diễn đàn kinh tế về sản xuất và tiêu thụ vải thiều gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Diễn đàn thu hút nhiều doanh nghiệp và các tập đoàn thương mại lớn cả trong nước và quốc tế.

Để thêm nguồn vốn cho vụ vải, lãnh đạo NHNN chi nhánh Bắc Giang chủ động chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn bố trí hơn 840 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh gọn để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, góp phần cho thành công của vải thiều Bắc Giang là sự góp sức của khoảng 600 lượt phóng viên từ nhiều cơ quan báo chí về địa bàn tìm hiểu và thông tin việc tiêu thụ vải thiều, đồng thời thông tin nhanh chóng để bác bỏ thông tin thất thiệt liên quan đến giá vải thiều.

Để tăng thêm giá trị của vải thiều, giảm áp lực và thiệt thòi cho người trồng vải, trong mùa vải tiếp theo, tỉnh Bắc Giang sẽ chú ý giải quyết việc phát triển thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm gắn với tem truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ, mở rộng thị trường, nhất là thị trường trong nước.

Bên cạnh mặt hàng vải thiều, tỉnh Bắc Giang cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực khác của tỉnh.

Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại năm 2018 tiếp tục được Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu. Theo đó, thông qua Đề án mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017 – 2018, tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết sản xuất, hợp tác kết nối tiêu thụ cho nhiều sản phẩm.

Ngoài ra, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trên địa bàn. Do vậy, những tháng cuối năm 2018 và những năm tới, Sở Công Thương sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt việc đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý chợ; hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản; tăng cường quản lý thị trường.

Sở Công Thương Bắc Giang cũng đặc biệt quan tâm thực hiện cải cách hành chính lĩnh vực Công Thương để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phát triển các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương.

Theo đó, quan tâm theo dõi, phân tích, dự báo và tổng hợp về tình hình thị trường, tiêu thụ hàng nông sản trong nước; thiết lập chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh ở thị trường trong nước. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành phố thực hiện phân tích, dự báo và tổng hợp báo cáo về tình hình thị trường nông sản quốc tế theo ngành hàng và theo khu vực thị trường.

Đối với sản phẩm rau, củ, quả của tỉnh sẽ triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc tại các hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã tiếp nhận hệ thống in mã vạch và thực hiện in, dán tem mã vạch trên bao bì sản phẩm.

Đồng thời, tỉnh cũng mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ vải thiều; lựa chọn các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu có kinh nghiệm, thế mạnh trong xuất khẩu nông sản.

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thế mạnh, tỉnh Bắc Giang đã ban hành các chính sách, đề án để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và phát triển bền vững.

Bắc Giang đã phê duyệt danh mục 52 nông sản đặc trưng, chủ lực và tiềm năng của địa phương; trong đó, 22 sản phẩm chủ lực, đặc trưng được thị trường trong và ngoài nước biết đến.

Bắc Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực.

Trong số các sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh, đến nay, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và đăng ký bảo hộ sản phẩm tại nhiều quốc gia; một số sản phẩm đã có nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh có quy mô sản lượng lớn, chất lượng tốt được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đem lại giá trị cao.

Các loại rau an toàn chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Đối với những sản phẩm rau tại cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể được tiêu thụ tại một số hệ thống siêu thị.

Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, là một thương hiệu lớn được người dân trên cả nước biết đến. Hiện tại, sản phẩm gà đồi Yên Thế chủ yếu được tiêu thụ nội địa.

Đặc biệt, sản phẩm vải thiều Bắc Giang ngày càng khẳng định được vị thế. Đây là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh và nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Tỉnh đã hỗ trợ nhân dân trong việc sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật và mở rộng các vùng trồng vải.

© Tuyên bố bản quyền