Phú Thọ xây dựng thương hiệu nông sản nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.
Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng đồi trung du có lợi thế và điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển các mặt hàng nông sản với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng. Những năm gần đây, các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm đầu tư về kỹ thuật, nguồn giống để nâng cao chất lượng và chủng loại. Đến nay, một số mặt hàng nông sản như chè, bưởi, hồng, chuối, gạo đã dần khẳng định được vị trí trên thị trường.
Đến nay tỉnh Phú Thọ có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 30 sản phẩm hạng 4 sao, 48 sản phẩm hạng 3 sao. Thành công bước đầu trong kế hoạch phát triển và nâng cao hiệu quả mỗi xã một sản phẩm đã góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nói riêng, Phú Thọ nói chung.
Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Phú Thọ
Bưởi Đoan Hùng:
Bưởi Đoan Hùng là mặt hàng nông sản nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ. Tại Đoan Hùng, chỉ có 2 vùng đất trồng được giống bưởi thơm ngon nhất, đó là xã Chí Đám và xã Bằng Luân với 2 giống bưởi là bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân. Bưởi Sửu cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, hương vị thơm ngon, ngọt mát; bưởi Bằng Luân là giống được người dân gọi là giống bản địa, quả nhỏ lá to, quả hình đầu dẹt, múi đều, ráo tay và đặc quả, vị ngọt thơm.
Vượt qua hơn 300 sản phẩm nông nghiệp đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, bưởi Đoan Hùng đã được các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp lựa chọn là 1 trong số 59 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, thương hiệu nổi tiếng được vinh danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp năm 2015”.
Bưởi đặc sản Đoan Hùng được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận có chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ năm 2006.
Nhằm xây dựng vùng bưởi đặc sản huyện Đoan Hùng thành thương hiệu nổi tiếng, đảm bảo chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ triển khai dự án Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Đoan Hùng cho sản phẩm bưởi quả của tỉnh Phú Thọ.
Tính đến nay, huyện Đoan Hùng đã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (1 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 3 sao). Trong đó, bưởi Đoan Hùng là sản phẩm duy nhất đạt 4 sao năm 2021. Đây là “đòn bẩy” quan trọng giúp sản phẩm bưởi Đoan Hùng quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.
Toàn huyện Đoan Hùng hiện có gần 2.700,6 ha trồng bưởi (tăng hơn 1.027,6 ha so với năm 2016), trong đó có hơn 1.420 ha bưởi đặc sản. Bưởi Đoan Hùng tập trung nhiều tại các xã Chí Đám, Bằng Luân, Hùng Xuyên, Hợp Nhất, Vân Đồn, Tây Cốc.
Mục tiêu đến năm 2025, huyện Đoan Hùng sẽ nâng tổng diện tích cây bưởi đạt 3.000 ha; sản lượng trên 30.000 tấn, đồng thời bảo vệ và phát triển thương hiệu “bưởi đặc sản Đoan Hùng”.
Đến nay, toàn huyện đã có 105,65 ha bưởi được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 1.036,3 ha đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt; có 269 ha được cấp mã số vùng trồng.
Năm 2022, huyện Đoan Hùng có 14 HTX tham gia vào quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ cây bưởi. Các HTX đã chủ động, tích cực trong việc liên kết với các hộ dân để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Thời gian tới, để cây bưởi phát triển thành ngành hàng chủ lực, huyện Đoan Hùng tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp tăng chất lượng, giá trị cây bưởi trồng. Trước hết, tăng cường công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ; tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo hướng hàng hóa, hiện đại và sản xuất theo chuỗi liên kết từ trồng – bảo quản – chế biến – tiêu thụ; đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô thích hợp.
Chè xanh:
Cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn, thuộc chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Với thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển cây chè nên đã đem lại cho sản phẩm chè Phú Thọ nhiều hương vị đặc trưng riêng. Đến nay, sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết tới.
Sản phẩm chè của Phú Thọ đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu năm 2020. Việc xây dựng, triển khai và đăng ký thành công nhãn hiệu sẽ tạo điều kiện để thương hiệu chè Phú Thọ ngày càng vươn xa, đưa cây chè trở thành cây có giá trị kinh tế cao của tỉnh.
Phú Thọ hiện có 16 nghìn ha trồng chè với sản lượng 184,5 nghìn tấn/năm. Cây chè được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Cẩm Khê, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập, Phù Ninh. Nhằm đáp ứng việc sản xuất chè an toàn, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chè.
Toàn tỉnh hiện có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn; 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 8 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Trên địa bàn tỉnh có 3 nhãn hiệu tập thể: Chè xanh Phú Hộ, Chè xanh Yên Kỳ, chè Long Cốc.
Nhiều sản phẩm chè xanh, chè đen của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pakistan, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản.
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ, tích cực chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa năng suất, chất lượng chè tăng cao. Nhiều giống chè mới như LPD1, LPD2, PH11, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Kim Tuyên đã được nhận rộng, từ đó, giúp tăng tỷ lệ chè giống mới từ 50% năm 2016 lên trên 75,3% hiện nay.
Tại nhiều nơi, doanh nghiệp đã áp dụng kỹ thuật thâm canh, biện pháp phòng trừ sâu bệnh tiên tiến, nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn; xây dựng được hàng trăm cơ sở, câu lạc bộ sản xuất chè an toàn.
Sản phẩm gạo:
Bên cạnh những mặt hàng nông sản trên, lúa cũng được coi là cây trồng chủ lực của nền nông nghiệp tỉnh, những năm qua, Phú Thọ đã đẩy mạnh thâm canh, duy trì diện tích gieo trồng hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Trong đó, có thể kể đến một số giống lúa mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân như HT1, Khang dân, JO2. Đây là những giống lúa thuần chất lượng cao, cơm thơm, mềm, dẻo, vị đậm đang được người tiêu dùng khá ưa chuộng. Đặc biệt, giống lúa JO2 đã được Công ty cổ phần Giống – Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam thu mua để cung cấp gạo cho các siêu thị, qua đó đã tạo tâm lý ổn định trong sản xuất của người nông dân.
Sản phẩm gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung đoạt Cúp Vàng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019. Gạo nếp Gà gáy ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và được sử dụng với số lượng lớn trong dịp Tết Nguyên đán.
Sản phẩm gạo nếp Gà gáy của huyện Yên Lập tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia đặt hàng thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2022 với nội dung “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo nếp gà gáy Mỹ Lung của tỉnh Phú Thọ”.
Nếp Gà gáy hiện không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do thấy được lợi ích từ đặc sản gạo nếp Gà gáy, ngày càng có nhiều hộ dân ở xã Mỹ Lung tham gia trồng, sản phẩm tăng cả về sản lượng và chất lượng. Đến nay, ở xã Mỹ Lung có hơn 1.200 hộ làm nông nghiệp, trong đó có trên 70% số hộ tham gia trồng lúa nếp Gà gáy.
Tổng diện tích gieo cấy nếp Gà gáy của xã Mỹ Lung đạt 80 ha, chiếm khoảng 50% tổng diện tích đất trồng lúa của xã. Nếp Gà gáy có năng suất trung bình đạt từ 120 – 150 kg/sào, tương đương từ 3 – 4 tấn/ha. Giá bán gạo nếp Gà gáy trung bình từ 45 – 50.000 đồng/kg; doanh thu trung bình đạt 90 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trồng các giống lúa khác.
Hiện nay, gạo nếp Gà gáy đã được HTX Sản xuất kinh doanh gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ tại siêu thị và đại lý trên địa bàn tỉnh cùng một số tỉnh, thành phố lân cận. Với doanh thu từ gạo nếp Gà gáy hàng năm ước đạt trên 2 tỷ đồng đã giúp các thành viên của HTX Sản xuất kinh doanh gạo nếp Gà gáy và người dân xã Mỹ Lung vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới ngành nông nghiệp Phú Thọ sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền hướng dẫn về quy trình kỹ thuật trong sản xuất; kiểm tra các đơn vị trong quản lý, sử dụng vốn vào mục đích sản xuất; thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư kịp thời để nhân dân yên tâm sản xuất; tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hộ nông dân nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân; kiên trì thực hiện tái cơ cấu, xây dựng các vùng nguyên liệu, đảm bảo các quy trình sản xuất sạch, sản xuất an toàn, gắn kết với thị trường tiêu thụ; duy trì, phát triển bền vững những thương hiệu đã có để Phú Thọ khẳng định được vị thế trên thị trường trong việc phát triển nông sản trên địa bàn.