Hậu Giang: Bưởi hồ l mang lại lợi nhuận kinh tế cao
Tỉnh Hậu Giang đang mở rộng những vùng trồng bưởi sạch mang tính đặc sản địa phương và được coi là cây trồng nông nghiệp chính, đem lại nguồn thu nhập cao. Trong đó, quả bưởi hồ lô là đặc sản nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng chọn làm quà biếu hoặc chưng Tết.
Bên cạnh các cây cảnh truyền thống như mai, đào, cúc, quất, lan…, những năm gần đây, các loại trái cây như bưởi, dừa… cũng được người trồng tạo hình để phục vụ trang trí.
Bưởi hồ lô in chữ tài, lộc, thư pháp, đồng tiền là một trong những trái cây được rất nhiều người dân ưa chuộng, chọn để chưng Tết hoặc làm quà biếu mang ý nghĩa may mắn trong năm mới.
Xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang được xem là thủ phủ của bưởi hồ lô chưng tết. Giống bưởi hồ lô thực chất là giống bưởi Năm Roi nổi tiếng, từ lâu đã thu hút đông đảo người dùng trong cả nước. Tại nhiều vườn bưởi Năm Roi ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng…, các chủ vườn phối hợp với câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thực hiện việc tạo hình và chăm sóc bưởi hồ lô. Ước tính tổng giá trị vườn bưởi tạo hình mỗi mùa của câu lạc bộ này lên đến hàng tỷ đồng.
Các năm gần đây giá bưởi hồ lô tăng so với các năm trước do hạn chế về nguồn cung vì hầu hết các vườn bưởi tại huyện Châu Thành đang bị thoái hóa không thể thực hiện mô hình. Là loại quả có giá trị kinh tế cao, sản lượng bưởi hồ lô chưng Tết cũng được yêu cầu nhiều hơn sau mỗi năm. Việc thực hiện các biện pháp cải tạo đất nông nghiệp để nâng cao sản lượng bưởi hồ lô là rất cần thiết.
Để có sản phẩm phục vụ Tết, những người dân ở đây phải tạo hình từ tháng 8 âm lịch. Thời điểm đó, những trái bưởi khi còn nhỏ sẽ được thắt dây ở giữa quả để tạo eo hồ lô. Tiếp đó, công đoạn tạo hình cho bưởi được tiến hành bằng cách đưa vào khuôn rồi bắt đầu chỉnh sửa, bảo quản…
Trồng bưởi hồ lô theo khuôn là công việc khó khăn, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, biết cách chăm sóc, hiểu đặc tính sinh trưởng của bưởi. Bên cạnh đó, công việc này đòi hỏi tính kiên nhẫn của chủ vườn để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Quá trình bắt đầu từ công đoạn chọn trái cho đến khi thu hoạch kéo dài 5 tháng, trong suốt thời gian này, người trồng bưởi phải thường xuyên chăm sóc kỹ lưỡng. Trong quá trình sinh trưởng trong khuôn, bưởi còn được bao bọc bởi một tấm giấy dầu không thấm nước. Việc này giúp cho vỏ quả bưởi không bị cháy khô do ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
Người dân Hậu Giang chăm sóc bưởi Hồ lô
Bưởi hồ lô được đóng hộp cung ứng ra thị trường
Hiện nay một cặp bưởi hồ lô thỏi vàng tài lộc (trên 1,4kg/ trái) có giá 1,95 triệu đồng/cặp; Cặp bưởi tài lộc khủng (trên 1,4 kg/trái) có giá 1,9 triệu đồng/cặp. Đây là mức giá cao gấp nhiều lần so với giá bưởi Năm Roi thương phẩm bình thường (không tạo hình). Mức giá này cũng cao hơn các năm trước bởi tháng 5-8 năm nay là thời điểm bưởi trổ bông nhưng do thời tiết không thuận lợi khiến cây đậu quả thấp. Do đó, mùa vụ năm 2022 sản lượng trái cây tạo hình bán ra thị trường thấp, khiến mức giá cũng bị đẩy cao hơn.
Toàn huyện Châu Thành hiện có khoảng 1.300 ha bưởi. Với hiệu quả kinh tế cao từ trồng bưởi hồ lô, tỉnh Hậu Giang cần khuyến khích nhân rộng mô hình trồng bưởi hồ lô trong các năm tới; đặc biệt chú trọng việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; tăng cường tiếp cận với các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị lớn… đẩy mạnh lượng tiêu thụ, mang lại hiệu quả đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.