Quảng Trị mở rộng mô hình sản xuất Gạo hữu cơ và Gạo sạch tại Triệu Phong.

Với những tiến bộ mới lần đầu tiên được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp tại Quảng Trị, các mô hình sản xuất điển hình đã dần phát huy hiệu quả, đem lại sự phấn khởi cho người dân địa phương. Chuyển dịch cơ cấu sang sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng áp dụng công nghệ cao để cung ứng cho thị trường đang là một hướng đi mới với nhiều hứa hẹn đối với người dân của tỉnh Quảng Trị. Không chỉ đảm bảo được sức khỏe cho người tiêu dùng mà người nông dân có thêm điều kiện để sản xuất làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình. Thành công bước đầu của những mô hình đã và đang chứng minh cho cách làm đúng đắn này. Thời gian tới, cần nhân rộng mô hình Gạo hữu cơ Quảng Trị, Gạo sạch Triệu Phong ra cả nước.

Thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị đã xuất hiện trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.

Tỉnh Quảng Trị chiếm 70% là nông nghiệp, tuy nhiên đây không phải là vùng đất mà thiên nhiên ưu đãi, cũng không phải là vựa lúa của cả nước. So với các tỉnh khác, Quảng Trị là vùng đất nghèo về nông nghiệp khi đất đai đều bạc màu, ruộng manh mún nhỏ lẻ, khí hậu không thuận lợi. Từ năm 2017 trở lại đây, tỉnh đã có nhiều đột phá nhờ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chính ở vùng đất này lại đang có cuộc cách mạng chuyển đổi trong nông nghiệp chưa từng có. Những cánh đồng lúa hữu cơ dần thay thế và không ngừng được mở rộng.

Cuộc cách mạng chuyển đổi này đã bước đầu thành công. Nông dân và doanh nghiệp đã tạo thành chuỗi từ sản xuất cho tới khâu phân phối, thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị và Gạo sạch Triệu Phong đã xuất hiện trên thị trường từ Nam ra Bắc.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị cũng đang hợp tác với Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản để triển khai Dự án hỗ trợ tỉnh Quảng Trị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Với những kết quả đã đạt được, từ các mô hình đã xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản sạch như: “Gạo hữu cơ Quảng Trị”, “Gạo sạch Triệu Phong”, bước đầu được thị trường chấp nhận được tiêu thụ vào hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Quảng Trị dự kiến sẽ mở rộng diện tích sản xuất gạo hữu cơ.

Nhận thấy lợi ích từ việc sản xuất gạo sạch, đầu tháng 10/2017, Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong được thành lập để làm tốt hơn công tác tổ chức mở rộng quy mô sản xuất và thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ gạo sạch được bà con sản xuất. Hiện nay, HTX có 88 thành viên tại các xã Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch và Triệu Sơn, huyện Triệu Phong.

Hiện toàn tỉnh Quảng Trị mới chỉ có 500ha làm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch. Đến năm 2019, quy mô sẽ được mở rộng lên 1.000 ha và mục tiêu toàn diện tích đất nông nghiệp của tỉnh sẽ đi theo hướng này.

Kết quả đạt được từ mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) so với phương thức canh tác đại trà: việc sử dụng các giống lúa có phẩm cấp (nguyên chủng hoặc xác nhận) và chất lượng gạo ngon như Bắc thơm số 7, LDA1, Thiên ưu 8, HN 6 đã cho năng suất và hiệu quả cao hơn các giống lúa cũ như: HC 95, PC6, P6.

Đặc biệt là hạn chế được sâu bệnh hại, từ đó giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 2 – 3 lần, đã tác động tích cực đến hệ sinh thái đồng ruộng, làm giảm khả năng phát sinh và gây hại của các đối tượng sâu bệnh, từ đó giảm được số lần phun thuốc, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra nông sản an toàn thực phẩm. Không dừng lại ở đó, năng suất lúa trung bình từ các mô hình CSA cao hơn ruộng sản xuất đại trà (đối chứng) từ 8 – 10 tạ/ha, lợi nhuận cũng cao hơn từ 12 – 15 triệu đồng/ha.

Với thành công bước đầu của các mô hình nông nghiệp mới mang lại đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây lúa, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phù hợp với thích ứng trong biến đổi khí hậu hiện nay, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, tạo nền tảng cho sản xuất hàng hóa nông sản sạch theo hướng bền vững. Kết quả đo lượng khí phát thải nhà kính (CH4, N2O, CO2) ở mô hình CSA tại thôn Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh cho thấy: Khi áp dụng các biện pháp canh tác theo mô hình CSA thì tổng phát thải giảm từ 1,56 kg CO2/kg thóc (ở ruộng đại trà) xuống còn 0,9 kg CO2/kg thóc.

Trong vụ mùa 2018, diện tích sản xuất cánh đồng lớn tại Quảng Trị đạt hơn 6.000 ha, cao gấp đôi so với năm 2017. Hầu hết, diện tích cánh đồng lớn đều cho năng suất cao hơn từ 1,2 – 1,5 lần so với sản xuất riêng lẻ theo hộ gia đình, nhờ vậy đã tăng lợi nhuận từ 15 – 20% so với sản xuất đại trà.

Sau 3 năm trồng gạo sạch, cùng 1 giống lúa, năng suất của sản xuất bằng phương pháp canh tác tự nhiên ít hơn so với phương pháp canh tác thông thường từ 30 – 40 kg/sào. Tuy nhiên, giá trị kinh tế khi bán ra thị trường thì gấp 1,5 – 1,7 lần. Trong khi trung bình 1kg gạo sản xuất thông thường có giá dao động từ 13.000 – 15.000 đồng, nhưng gạo sạch Triệu Phong có giá từ 22.000 – 25.000 đồng. Chính vì vậy, trong năm 2018 này, HTX dự kiến mở rộng diện tích sản xuất gạo sạch lên tới 30 ha, tăng 21 ha so với diện tích ban đầu.

Gạo sản xuất theo công nghệ cao cho doanh thu cao hơn sản xuất truyền thống.

Canh tác theo phương pháp nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao hướng người nông dân khi trồng trọt phải áp dụng theo một quy trình chuẩn khép kín, đặc biệt không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại trong sản xuất mà chỉ sử dụng các chế phẩm hữu cơ vi sinh. Bên cạnh đó, người sản xuất luôn lấy phương châm ưu tiên sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu là hướng đi mới mang tính nhân văn đáp ứng xu thế, tâm lý và thị hiếu mua hàng của người dân hiện nay. Để sản phẩm nông sản đạt tiêu chí sạch, các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp phải đạt chứng nhận về điều kiện đất, hệ thống nước tưới, các điều kiện nhân lực, giống và kỹ thuật chăm sóc đảm bảo.

Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị để tổ chức xây dựng các cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ Obi – Ong biển trên diện tích gần 150ha tại các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Dự án trên được thực hiện từ nguồn vốn nông thôn mới.

Trong vụ Hè Thu 2018, được sự hỗ trợ của dự án (WB 7), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ triển khai các mô hình “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích”, quy mô thực hiện 500 ha tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ.

Đặc biệt, thông qua các hợp đồng liên kết sản xuất giúp nâng cao nhận thức của người nông dân về canh tác theo hướng hữu cơ, giúp khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, xây dựng thành công mô hình gạo hữu cơ Quảng Trị. Đây có thể xem là mô hình liên kết 5 nhà đầu tiên tại Quảng Trị với sự tham gia của Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà phân phối.

Trong quá trình tạo ra các chế phẩm và bón cho lúa, các hộ nông dân phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật được hướng dẫn bởi Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện và nhân viên kỹ thuật của Tổ chức Tầm nhìn thế giới. Khi sử dụng, gạo được sản xuất bằng phương pháp canh tác tự nhiên hay còn gọi là gạo sạch có vị rất thơm, ngon, ngọt và béo. Và cảm giác an toàn, không hóa chất là điều các hộ nông dân thấy yên tâm khi tiếp tục canh tác để không chỉ sử dụng mà còn cung ứng ra thị trường đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ Obi – Ong biển đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, với năng suất lúa tươi từ 50 – 55 tạ/ha, nơi cao đạt từ 70 tạ/ha, doanh nghiệp thu mua lúa tươi tại ruộng 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân có lãi hơn sản xuất truyền thống từ 8 – 18 triệu đồng/ha.

Hiện nay toàn tỉnh Quảng Trị mới chỉ có 500ha làm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch. Đến năm 2019, quy mô sẽ được mở rộng lên 1.000 ha và mục tiêu diện tích đất nông nghiệp của tỉnh sẽ đi theo hướng này một cách có lộ trình, bài bản. Với những mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã thành công, kỳ vọng rằng với xu hướng này người dân sẽ quay lại canh tác, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình sản xuất gạo công nghệ cao đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Làm nông nghiệp sạch đã khó, làm nông nghiệp hữu cơ còn khó hơn gấp nhiều lần. Thực tế, đã có nhiều địa phương gặp thất bại. Thế nhưng, nông dân Quảng Trị lại thành công. Quảng Trị giờ đây có những HTX sản xuất lúa hữu cơ từ nhỏ tới lớn, từ quy mô chục ha đến vài chục ha. Để đạt được thành công trên là nhờ sự nỗ lực từ phía chính quyền và sự quyết tâm thoát nghèo của người dân. UBND tỉnh Quảng Trị đã mời Viện Quy hoạch nông nghiệp về để quy hoạch lại các vùng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ.

Đặc biệt, mô hình sản xuất gạo sạch theo hướng công nghệ cao đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đã có đoàn lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, vựa lúa của miền Bắc đến tận ruộng trò chuyện với bà con nông dân Quảng Trị để tham khảo kinh nghiệm làm lúa hữu cơ.

Tương tự, sau khi ra Quảng Trị tham quan các mô hình lúa hữu cơ, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã mời doanh nghiệp về làm mô hình tương tự, giúp người nông dân sống được với nghề nông. Và mới đây nhất, tỉnh Ninh Bình cũng đã đến Quảng Trị tham quan học hỏi mô hình sản xuất Gạo hữu cơ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, các địa phương cùng với ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã và đang hợp tác xây dựng thí điểm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao bước đầu các mô hình đã mang lại kết quả tích cực được người tiêu dùng hoan nghênh đón nhận. Hiện nay, nhiều sản phẩm đã có mặt trên hệ thống chuỗi siêu thị để tiêu thụ. Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Trị sẽ hướng đến mở một trung tâm giới thiệu các sản phẩm nông sản hữu cơ của tỉnh trong thời gian gần nhất.

Sản xuất gạo hữu cơ được xem là giải pháp bền vững cho ngành nông nghiệp.

Sản xuất lúa theo cánh đồng lớn tại Quảng Trị được xem là một trong những giải pháp bền vững nhằm giải quyết tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất, thúc đẩy tạo tiền đề kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình trong phong trào phát triển cánh đồng lớn là các địa phương: Hải Lăng, Triệu Phong.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, từ kinh nghiệm tổ chức sản xuất của những năm trước, Quảng Trị sẽ tiếp tục chủ động các giải pháp để tổ chức thắng lợi vụ Đông Xuân 2018 – 2019 với các giải pháp chính được đề ra: Tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng nâng cao giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự báo sinh vật gây hại, công tác kiểm dịch thực vật nội địa và chỉ đạo bảo vệ sản xuất; Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, quản lý vật tư nông nghiệp.

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tại Quảng Trị được tăng lên đáng kể về chất và lượng. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trở thành xu thế chính. Hình thành được nhiều chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên diện tích lớn. Đất trồng lúa hàng năm của Quảng Trị xấp xỉ 50.000ha thì đã có 35.000ha trồng lúa chất lượng cao, giúp người nông dân có thu nhập cao hơn so với sản xuất lúa bình thường 30%.

Quảng Trị mở rộng mô hình sản xuất Gạo hữu cơ và Gạo sạch tại Triệu Phong.

Tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức KOICA Hàn Quốc và Tổ chức Tầm nhìn thế giới triển khai dự án thúc đẩy bảo vệ môi trường. Trong đó đối với cây lúa đã xây dựng mô hình canh tác tự nhiên, tạo ra gạo sạch. Tuy mới thực hiện ở quy mô nhỏ, số hộ tham gia chưa nhiều nhưng kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả mang lại về nhiều mặt.

Nhằm thay đổi phương pháp canh tác, huyện Triệu Phong đã tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới và Tổ chức KOICA của Hàn Quốc triển khai Dự án thúc đẩy các mô hình bảo vệ môi trường và đã chọn 5 xã: Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn và Triệu Thượng để xây dựng và nhân rộng mô hình canh tác tự nhiên.

Các hộ được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa và được hướng dẫn cách ủ các phụ phẩm trong nông nghiệp như thân cây chuối, cây khoai lên men trở thành phân bón hữu cơ, từ trái cây, cá tạp, xương động vật, vỏ trứng được tạo thành đạm để bón cho cây lúa và từ gừng, tỏi, ớt lên men tạo thành thuốc thảo mộc tự nhiên thay thế thuốc bảo vệ thực vật. Với phương thức canh tác này, không chỉ đồng ruộng phục hồi được hệ sinh thái mà còn tạo ra gạo sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu thụ. Mặt khác, hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn, nhiều đơn vị đã ký kết hợp đồng thu mua lúa với giá gần 11 ngàn đồng/kg, cao gấp đôi so với lúa sản xuất thông thường.

Với việc triển khai dự án này, tuy mới bước đầu nhưng đã đem lại hiệu quả về nhiều mặt, các hộ tham gia dự án rất phấn khởi. Mô hình canh tác tự nhiên, tạo ra gạo sạch là hướng đi phù hợp xu thế sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mà thế giới đang khuyến cáo. Do đó, huyện sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá và xây dựng thương hiệu cũng như tiếp tục kết nối, ký kết các hợp đồng lớn hơn để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Điều rất phấn khởi là Tổ chức KOICA và Tầm nhìn Thế giới đã quyết định tài trợ gần 1 triệu USD cho huyện để khởi động dự án “Phát triển chuỗi giá trị cho các nông sản canh tác tự nhiên”. Theo đó, từ năm 2017 đến 2019, dự án sẽ tập trung củng cố và mở rộng mô hình canh tác tự nhiên đối với cây trồng. Đồng thời hỗ trợ người dân áp dụng mô hình biogas kết hợp mở rộng quy mô chăn nuôi lợn, áp dụng mô hình bếp đun cải tiến, tiết kiệm nhiên liệu với giá thành rẻ, xây dựng bãi rác và cung cấp các dụng cụ thiết yếu để vận hành đội thu gom rác địa phương. Mục tiêu đề ra là tiến đến giảm và chấm dứt việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường đồng thời gắn kết sản xuất với thị trường, đáp ứng nhu cầu bức thiết đối với nông sản an toàn hiện nay. Ngoài việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sẽ chỉ đạo các xã, các HTX quy hoạch đồng ruộng, xây dựng kênh mương, giao thông nội đồng, công cụ sạ hàng, kinh phí làm chuồng trại, đệm lót sinh học trong chăn nuôi cũng như thành lập các tổ, nhóm hợp tác liên kết sản xuất, chăn nuôi, huyện Triệu Phong còn tăng cường công tác quảng bá, liên kết với các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Hướng tới xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Thương hiệu gạo sạch Triệu Phong, Gạo hữu cơ Quảng Trị mới phổ biến rộng rãi trên thị trường trong tỉnh. Để tạo được lòng tin với người tiêu dùng thì quy trình sản xuất gạo sạch được bà con nông dân huyện Triệu Phong thực hiện khá thành công. Tuy nhiên, để tìm chỗ đứng trên thị trường thì ngoài nỗ lực của chính người dân, cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu cho gạo sạch Triệu Phong và Gạo hữu cơ Quảng Trị.

Đáng chú ý là quy trình sản xuất sản phẩm gạo sạch Triệu Phong đã đạt giải nhất về công nghệ phù hợp thân thiện với môi trường năm 2017 tại Hội nghị quốc tế về công nghệ phù hợp thân thiện với môi trường diễn ra tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Trước đó, thông tin từ Ban Quản lý Dự án Tầm nhìn Thế giới tại huyện Triệu Phong cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đồng ý đăng ký nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong”. Việc đạt giải thưởng quốc tế và sẽ được công nhận thương hiệu đã mở ra cơ hội mới cho sản phẩm gạo sạch Triệu Phong trong mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm gạo sạch Triệu Phong, thay vì hình thức sản xuất nhỏ lẻ vốn có, đầu tháng 10/2017, HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong được thành lập. HTX ra đời thúc đẩy việc sản xuất nông sản sạch, tạo điều kiện thuận lợi để cung ứng, tiêu thụ sản phẩm canh tác tự nhiên; đồng thời giúp nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đến nay, HTX thu hút 88 thành viên tham gia bao gồm các hộ sản xuất gạo sạch tại các xã: Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch và Triệu Sơn.

Sử dụng nông sản sạch, nông sản an toàn đang là nhu cầu bức thiết của người tiêu dùng. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản an toàn là một trong những khâu quan trọng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thương hiệu gạo sạch Triệu Phong đang được người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và quốc tế biết đến là một tín hiệu vui cho nông sản an toàn của tỉnh, mở ra cơ hội mới để nâng cao thu nhập cho người dân sản xuất gạo sạch ở Triệu Phong nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung.

© Tuyên bố bản quyền