Phát triển vùng chuyển đổi cây cam Bắc Tân Uyên

Huyện Bắc Tân Uyên đã hình thành vùng trồng cây ăn trái có múi cho hiệu quả kinh tế cao ở các xã như Hiếu Liêm, Tân Định, Tân Mỹ, trong đó trồng nhiều cam ở Hiếu Liêm. Nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, cam Bắc Tân Uyên đạt năng suất cao, chất lượng tốt, lại được xử lý cho ra trái vụ.

Cam Bắc Tân Uyên, Bình Dương

Cam sành Bắc Tân Uyên trồng đến năm thứ 3 là cho trái đều và ngon. Trọng lượng vào khoảng 250 gr – 350 gr/trái, quả cam có đặc điểm da xanh bóng, hơi sần, vỏ dày, múi cam màu vàng tươi. Cây sau khi ra trái và trước khi thu hoạch từ 43-45 ngày sẽ ngưng mọi hoạt động bón phân sinh học hay thuốc bảo vệ thực vật. Các nhà vườn Bắc Tân Uyên chủ yếu nhân giống cam vô tính bằng phương pháp ghép gốc. Khí hậu nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện cho cây sinh trưởng tốt trên nền đất đồi. Tại địa bàn huyện có trên 1.000 hộ dân áp dụng kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh trong phát triển vùng cây ăn quả có múi, hỗ trợ nâng cao kỹ thuật, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư thâm canh, mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ trồng trọt thực hiện mô hình VietGAP, huyện Bắc Tân Uyên đã tăng nhanh diện tích cây có múi từ 671 ha vào năm 2013 lên hơn 2.232 ha như hiện nay. Để đạt được kết quả này thì địa phương còn dựa vào các dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây có múi theo hướng VietGAP làm tăng giá trị sản phẩm.

Định hướng phát triển thị trường

Phát triển vùng chuyển đổi cây cam Bắc Tân Uyên

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, an toàn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao là mục tiêu phát triển của huyện Bắc Tân Uyên trong giai đoạn 2016 – 2020, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đạt từ 300 – 500 ha diện tích cây ăn trái có múi được chứng nhận VietGAP.

Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện và thương mại là các hoạt động chính trong công tác xây dựng và triển khai quy hoạch vùng trồng chuyên canh cây ăn trái có múi của huyện. Để mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi, trong đó có cây cam, huyện sẽ có các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái có múi.

Việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp kiểm soát, nâng cao chất lượng nông sản, ổn định khâu tiêu thụ và là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường. Việc xây dựng mô hình kết nối người dân, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh là rất cần thiết vì mô hình này loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa doanh nghiệp và người sản xuất, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ nhờ việc tạo dựng mối liên kết xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị. Việc hợp tác với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn có lợi thế lớn là có công nghệ sau thu hoạch, công nghệ đóng gói sản phẩm và đảm bảo thị trường đầu ra của sản phẩm.

Từ sự định hướng đúng đắn, những vùng cây có múi của tỉnh, trong đó có cây cam của huyện Bắc Tân Uyên sẽ phát triển bền vững. Tỉnh Bình Dương đã có các giải pháp thiết thực xây dựng thương hiệu và nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp vùng chuyên canh cây có múi Bắc Tân Uyên. Trong đó có dự án hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi, nhờ đó diện tích trồng cam đạt tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương đã tăng nhanh, năng suất và chất lượng được đảm bảo.

Diện tích cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên tăng nhanh thành vùng chuyên canh tạo hiệu quả kinh tế cao còn nhờ mô hình trồng cây có múi cho trái nghịch mùa, trong đó cam nghịch mùa của xã Hiếu Liêm đang là đặc sản rất được ưa chuộng trên thị trường. Vì thế hình thành một vùng chuyên canh cây cam nghịch mùa gắn kết với chỉ dẫn địa lý xã Hiếu Liêm cần quan tâm đến mô hình liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, nhân rộng mô hình kinh tế tập thể. Đồng thời, tận dụng mọi giá trị gia tăng của cây cam nghịch mùa, đặc biệt là gia tăng lợi ích kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch đang là hướng đi bền vững được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân áp dụng.

© Tuyên bố bản quyền