Đồng Nai xây dựng thương hiệu nông sản trong bối cảnh mới.

Tỉnh Đồng Nai rất quan tâm trong việc xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực địa phương và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, để nông sản của tỉnh chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như mở rộng xuất khẩu.

Đến nay, toàn tỉnh có 11 nhãn hàng hóa được đăng ký bảo hộ, như: bưởi Tân Triều, sầu riêng Long Khánh, tiêu Xuân Lộc… Chương trình vẫn tiếp tục hỗ trợ cho nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ như rau Thống Nhất, mãng cầu xiêm Cẩm Mỹ, xoài Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc)… Trong đó, các đơn vị đăng ký sẽ được hỗ trợ 50% chi phí thực hiện.

Đồng Nai xây dựng thương hiệu nông sản trong bối cảnh mới.

Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Đồng Nai

Chôm chôm, sầu riêng Long Khánh

Tại Đồng Nai, thành phố Long Khánh là vùng đất nổi tiếng với các loại trái cây đặc sản, trong đó có trái chôm chôm. Cây chôm chôm được trồng ở nhiều địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ, nhưng do đặc trưng thổ nhưỡng đất đai khá màu mỡ nên chôm chôm Long Khánh nổi tiếng với hương vị thơm, ngọt và giòn hơn so với những vùng đất khác. Có 2 loại chôm chôm được trồng chủ yếu tại Long Khánh là chôm chôm nhãn và chôm chôm Java. Hai loại chôm chôm này có sự khác nhau về chất lượng quả và đặc tính về sinh thái. Chôm chôm nhãn là giống khó tính, đặc biệt là thời kỳ cây trổ hoa. Đây là thời kỳ khó chăm sóc, đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm cao của người dân. Về hình dáng bên ngoài, chôm chôm nhãn có lá bầu đầu nhọn, còn chôm chôm Java thì lá bầu nhưng đầu lá không nhọn. Java là loại chôm chôm tróc, trái to, gai mềm, nhiều thịt được trồng và bán phổ biến nên giá phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Chôm chôm nhãn thuộc loại cao cấp hơn, giá thường gấp 3 lần chôm chôm tróc vì vị cũng ngon hơn, cơm giòn, vị ngọt đậm đà.

Hình ảnh chôm chôm Long Khánh Đồng Nai

Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh năm 2016. Chôm chôm Long Khánh cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp vào Danh sách 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam.

Sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu tới các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia…, trên nhiều sàn thương mại điện tử, cũng như tại các siêu thị, chợ truyền thống trên cả nước.

Sầu riêng được trồng nhiều ở Long Thành, Long Khánh, Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán, trong đó nổi tiếng nhất là sầu riêng Long Thành, Long Khánh, Xuân Lộc bởi chất lượng thơm ngon, năng suất cao và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Đặc sản chôm chôm và sầu riêng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Thanh (Long Khánh) đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Hai loại trái cây này của HTX gồm chôm chôm Rong Riêng, Nhãn, Java cùng các giống sầu riêng Dona, Hạt lép, Ri6 và Chín Hóa khi xuất bán trên thị trường luôn đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, trọng lượng.

Thị xã Long Khánh hiện có trên 3.000 ha chôm chôm và gần 1.300 ha sầu riêng. Sản lượng chôm chôm hàng năm đạt trên 40.000 tấn và sầu riêng đạt khoảng 4.700 tấn. Việc xây dựng thương hiệu sẽ tạo được thị trường tiêu thụ ổn định, giúp nông dân thâm canh vườn cây tốt hơn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho trái cây đặc sản địa phương.

Bưởi Tân Triều

Bưởi Tân Triều có vỏ màu xanh như bưởi da xanh, vỏ mỏng, có múi vàng, tép to, vị ngọt, dáng đẹp, không để lại hậu đắng, nước nhiều nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Tân Triều hiện có khoảng 400 ha với 20 giống bưởi, chủ yếu là giống bưởi đường lá cam, bưởi xiêm ruột đỏ, bưởi da xanh ruột hồng, bưởi ổi, bưởi da láng… Giá bưởi Tân Triều dao động theo từng năm, bình quân giá bưởi đường lá cam, bưởi ổi bán tại vườn khoảng 25 – 30 ngàn đồng/trái, vào dịp Tết Nguyên đán, giá bán sẽ cao hơn. Bưởi Tân Triều không chỉ tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước châu Âu như: Hà Lan, Đức…

Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Tân Triều năm 2006. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển giá trị thương hiệu bưởi Tân Triều, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh cho loại nông sản này trên thị trường trong và ngoài nước. Bưởi Tân Triều cũng được trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Xoài Xuân Hưng (Xuân Lộc)

Hiện Đồng Nai có gần 60 ha xoài được cấp chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Tỉnh cũng đang triển khai xây dựng cánh đồng lớn cho cây xoài tại 2 huyện Định Quán và Xuân Lộc với tổng diện tích khoảng 3,4 nghìn ha.

Giống xoài trồng tại huyện Xuân Lộc được các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn và đồng ý cấp phép vào thị trường Nhật Bản. Từ năm 2015, Bộ Nông – Lâm – Thuỷ sản Nhật Bản đã cấp phép cho trái xoài của Đồng Nai vào thị trường nước này.

Hiện, tổng diện tích xoài của huyện Xuân Lộc sản xuất theo hướng GAP khoảng 54 ha, riêng xã Xuân Hưng có hơn 30 ha xoài VietGAP. Trước đó, đoàn doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đã đến khảo sát thực tế các vườn cây ăn trái tại Đồng Nai. Đoàn đã đánh giá cao chất lượng trái xoài được trồng tại tỉnh và bày tỏ mong muốn nhập khẩu xoài về nước của họ với số lượng lớn, mở ra hướng đi mới cho trái xoài Xuân Lộc, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

© Tuyên bố bản quyền