Quế – cây trồng chủ lực, góp phần giảm nghèo cho người dân huyện Nam Trà My.
Quế đã và đang là cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập chính đối với đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My. Với giá bán trung bình khoảng 60.000-70.000 đồng/kg, mỗi héc ta quế, người dân có thể thu về 1-1,2 tỷ đồng. Lợi ích đặc biệt của cây quế so với cây trồng khác là ngoài thu hoạch từ vỏ quế, người dân tận dụng được cả thân, lá để bán cho thương lái. Có thể nói, cây quế đã và đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo của người dân huyện Nam Trà My.
Bảo tồn và phát triển giống quế Trà My
Diện tích trồng quế của huyện Nam Trà My khoảng 3.688 ha, chủ yếu tập trung ở các xã Trà Dơn và Trà Leng. Tháng 3, tháng 4 hàng năm là thời điểm chính thu hoạch quế của người dân huyện Nam Trà My bởi trong khoảng thời gian này, vỏ quế dễ lột và có nhiều tinh dầu nhất. Ngoài sản phẩm chính là vỏ quế, hàng năm người dân còn tận thu được một khối lượng lớn cành, lá và thân quế để bán đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Những năm gần đây, đầu ra của sản phẩm quế Trà My ổn định. Bình quân hàng năm, toàn huyện Nam Trà My bán ra khoảng hơn 1.000 tấn quế khô. Với giá bán trung bình quế vạt là 60 nghìn đồng/kg, quế ống là 70 nghìn đồng/kg, mỗi cây quế trưởng thành cho thu hoạch khoảng 15kg vỏ với giá trị khoảng 1 triệu đồng. Tính chung, mỗi héc ta quế (khoảng 1.000 – 1.200 cây), người dân có thể có thu nhập từ 1 – 1,2 tỷ đồng.
Lợi ích đặc biệt của cây quế so với cây trồng khác là ngoài thu hoạch từ vỏ quế, người dân còn có thể tận dụng được thân, lá để bán cho thương lái. Có thể nói, cây quế đã và đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo của người dân huyện Nam Trà My. Ngoài ra, nhờ trồng cây quế, thu nhập ổn định đã góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, nhất là trong việc thực hiện 2 tiêu chí khó về hộ nghèo và thu nhập.
Huyện Nam Trà My bảo tồn và phát triển giống quế Trà My
Về phương án bảo tồn và phát triển quế gốc Trà My, huyện Nam Trà My đã lập ra phương án và bố trí kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2018-2025. Riêng năm 2019, huyện đã bố trí hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ 361.500 cây quế cho 670 hộ/10 xã trồng trên tổng diện tích là 345ha. Hỗ trợ trồng xen 10.285 cây cam/74,8ha/310 hộ/10 xã. Hỗ trợ chăm sóc 30 cây trội, 10ha rừng giống. Đồng thời, mở 10 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho 670 hộ trồng quế.
Trong năm 2020, huyện Nam Trà My dự kiến trồng quế tập trung 80 ha với 88.000 cây và trồng phân tán 80 ha với 80.000 cây tại 10 xã với 200 hộ; hỗ trợ trồng xen cây sa nhân, đinh lăng, cây cam cho 80 ha với 10.120 cây 10 xã với 200 hộ.
Thực hiện Quy hoạch phát triển cây quế Trà My đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My đã xây dựng Đề án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế, được triển khai tại 10/10 xã, trong đó 3 xã Trà Mai, Trà Leng và Trà Dơn chiếm 1.888 ha; Giống quế được huyện chọn trồng là giống quế gốc Trà My. Hàng năm, huyện Nam Trà My sẽ cung ứng ra thị trường hơn 3.600 tấn vỏ quế và 16.000 tấn cành, lá, nhánh để phục vụ cho nhu cầu chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chưng cất tinh dầu. Toàn bộ sản lượng quế thu hoạch nằm trong vùng dự án sẽ cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, các cơ sở chế biến quế nhỏ lẻ và các thương lái trong, ngoài tỉnh.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, huyện Nam Trà My đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền đến người dân việc trồng, phát triển cây quế Trà My; phân tích hiệu quả kinh tế từ việc trồng quế để người dân có sự so sánh lợi nhuận, từ đó, chuyển diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả kinh tế sang trồng quế. Qua đó tạo cơ sở hình thành nên vùng quế nguyên liệu tập trung, phấn đấu đến năm 2021, toàn huyện có 6.000 ha, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư các cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm quế, góp phần vào việc tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.