Tỉnh Khánh Hòa ưu tiên phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng.

Tỉnh Khánh Hòa ưu tiên phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng.

Tỉnh Khánh Hòa nằm ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, bờ biển dài 385 km, diện tích vùng biển lớn, với khoảng 200 đảo lớn nhỏ gần bờ và xa bờ. Vị trí địa lý đặc thù đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương này phát triển sản xuất hàng hóa, trong đó có nông, lâm, thủy sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 sản phẩm chủ lực; trong đó nhóm thực phẩm có 21 sản phẩm, nhóm đồ uống có 3 sản phẩm, nhóm lưu niệm – nội thất – trang trí có 5 sản phẩm.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa, đơn vị chủ trì Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sau 2 năm triển khai Chương trình giai đoạn 2016 – 2020, đến nay, toàn tỉnh có 8 sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu, bao gồm: sầu riêng Khánh Sơn, xoài Cam Lâm, yến sào Nha Trang, nước mắm Nha Trang, dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang, gạo Ngọc Quang và ốc hương Khánh Hòa. Các sản phẩm này đã được đăng ký xác lập quyền bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ dưới các hình thức là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể. Từ những thành công ban đầu, Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm: bưởi da xanh Khánh Vĩnh; táo, cam Thành Nam; tỏi Vạn Ninh, Ninh Hòa; mía tím Khánh Sơn; chả cá Vạn Giã; dừa xiêm Tuần Lễ.

Qua đánh giá sơ bộ từ các địa phương có sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu, giá trị kinh tế của các sản phẩm này được nâng cao rõ rệt so với trước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đơn vị sản xuất. Trên thực tế, tại các phiên chợ như: phiên chợ nông sản, phiên chợ an toàn thực phẩm, những sản phẩm có nhãn hiệu luôn được người tiêu dùng đón nhận như: sầu riêng Khánh Sơn, xoài Cam Lâm. Cùng với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, các địa phương còn quan tâm xây dựng, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng mở rộng về quy mô, sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

Xoài Cam Lâm: Cây xoài là một trong những loài cây nông nghiệp chủ yếu của Huyện Cam Lâm. Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, diện tích xoài trên toàn tỉnh là 7.140 ha, riêng ở Huyện Cam Lâm là hơn 4.000 ha; năng suất trung bình 7 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 49.000 tấn. Một ưu thế của xoài Khánh Hòa là thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển giống xoài Úc – loại xoài chất lượng ngon, màu sắc đẹp, vỏ cứng, hạt nhỏ, khả năng bảo quản dài ngày. Hiện, sản phẩm xoài Úc trồng ở Cam Lâm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi Úc, Singapore, Nhật Bản, châu Âu. Xoài Cam Lâm đã mang thương hiệu trong cả nước. Xoài Cam Lâm có rất nhiều loại nhưng tập trung chủ yếu là ba loại xoài cát Hòa Lộc; xoài Úc và canh nông. Chính vì vậy mà thương hiệu “xoài Cam Lâm” dành riêng cho 3 giống xoài chính. Huyện Cam Lâm cũng đã triển khai kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị nhãn hiệu đến năm 2020, sau lễ công bố và ra mắt thương hiệu xoài Cam Lâm vào tháng 4/2017.

Theo lãnh đạo Hội Những người trồng xoài Cam Lâm, đến nay, hội đã vận động được 57 người trồng xoài vào hội, rải rác khắp 14 xã, thị trấn, trong đó xã Cam Hải Tây – vùng xoài trọng điểm của huyện có 25 người. Hội được cấp con dấu riêng để thực hiện công tác giao dịch, phát triển thương hiệu. Thời gian qua, việc dán tem sản phẩm cũng được Hội chú ý, triển khai thí điểm dán tem tại 6 hộ trên địa bàn với 3 loại tem được công nhận là xoài Úc, Hòa Lộc và canh nông, mỗi loại 100 tem có mã số riêng cho từng hộ để theo dõi.

Sầu riêng Khánh Sơn: Một loại cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao khác của tỉnh Khánh Hòa là sầu riêng, với tổng diện tích 600 ha, được trồng chủ yếu tại huyện miền núi Khánh Sơn. Tổng sản lượng sản xuất lên đến 7.369 tấn. Sầu riêng Khánh Sơn là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu vào tháng 3/2011.

Sầu riêng Khánh Sơn luôn được thị trường ưa chuộng và hiện đã lọt vào top 50 loại đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam. Sầu riêng Khánh Sơn một năm chỉ cho thu hoạch một lần từ tháng 7 đến tháng 9 Âm lịch, kết trái muộn hơn so với các tỉnh Nam bộ từ 1,5 – 2,5 tháng. Đây là ưu thế cạnh tranh của sầu riêng Khánh Sơn. Trọng lượng quả dao động từ 3,5 – 4kg, màu xanh hơi nhạt, giá bán dao động từ 85.000 – 95.000 đồng/kg.

Bưởi da xanh Khánh Vĩnh: Cây bưởi da xanh đang được trồng tập trung tại huyện Khánh Vĩnh, với 465 ha, năng suất bình quân 43 tạ/ha. Bưởi da xanh Khánh Vĩnh đã được chứng nhận VietGAP và đang được cơ quan chức năng tỉnh hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng và quản lý nhãn hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”.

Dừa xiêm Ninh Đa: Đối với cây dừa xiêm, toàn tỉnh có 472 ha, tập trung nhiều tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Đáng chú ý, sản phẩm dừa xiêm của phường Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa) đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu “Dừa xiêm Ninh Đa”. Dừa xiêm Ninh Đa được người tiêu dùng ưa thích bởi nước dừa thơm, ngọt và thanh, cơm dừa dẻo và béo.

Hoa cúc Ninh Giang: Phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) hiện có 270 hộ trồng cúc chơi Tết, mỗi chậu lớn giá từ 350.000 đến cả triệu đồng. Lâu nay, hoa cúc Ninh Giang đã được nông dân phường Ninh Giang xây dựng và tạo uy tín trên thị trường. Đến nay, sau một thời gian xây dựng, thương hiệu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền dưới hình thức là nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang”, do Hội Nông dân phường Ninh Giang đứng tên đăng ký làm chủ sở hữu từ năm 2017.

Đây là nhãn hiệu về hoa đầu tiên được xây dựng ở Khánh Hòa. Nghề trồng hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán được người dân Ninh Giang trồng tập trung, có quy mô lớn nhất tỉnh Khánh Hòa từ gần 20 năm qua. Cúc Ninh Giang không chỉ cung ứng hoa cho các tỉnh thành trong cả nước, mà còn xuất bán sang Campuchia trong dịp Tết.

Yến sào Nha Trang: Ngày 9/4/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa công bố nhãn hiệu chứng nhận “Yến Sào Nha Trang” đã được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Yến Sào Nha Trang” đã xây dựng được hệ thống logo, nhãn mác, phương tiện phục vụ phát triển thương mại của sản phẩm và đã giao quyền sử dụng cho Công ty TNHH Một thành viên Yến Sào Nha Trang xây dựng hệ thống các phương tiện phục vụ quảng bá cho sản phẩm yến Nha Trang, đưa vào vận hành hệ thống website, phóng sự, phương tiện nhận diện, giúp quảng bá và phát triển cho sản phẩm yến Nha Trang được Nhà nước bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và nuôi yến trên địa bàn thành phố Nha Trang có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu này phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định quản lý nhãn hiệu chứng nhận sẽ được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này.

Ốc hương Khánh Hòa: Vùng biển Khánh Hòa dốc, sâu và ít có các cửa sông nên độ trong cao. Nước biển Khánh Hòa ấm quanh năm và không có biến độ lớn, nhiệt độ trung bình từ 24 – 29 độ C. Biển Khánh Hòa có trên 600 loài hải sản với sản lượng ước tính vào khoảng 150.000 tấn/năm. Chính điều kiện tự nhiên thích hợp và thức ăn phong phú tạo nên tính đặc thù của ốc hương Khánh Hòa.

Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xác định, ốc hương là một trong những loài nhuyễn thể nuôi quan trọng cần đẩy mạnh phát triển. Lợi nhuận của nghề sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc hương đã giải quyết khó khăn cho nhiều cơ sở sản xuất và các hộ nuôi thương phẩm. Thu nhập từ nghề nuôi ốc hương đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề kinh tế – xã hội, ổn định đời sống cho nhiều hộ gia đình ven biển.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này đang gặp khó khăn. Việc quản lý nhãn hiệu đã được cấp cũng có nhiều vấn đề bất cập. Chẳng hạn như nhãn hiệu dừa xiêm Ninh Đa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu vào năm 2016 được phát 9.000 tem cho 20 hộ trồng dừa để dán cho những trái dừa đạt chất lượng. Sau khi sử dụng hết số lượng tem được phát, người dân phải mua tem dán với giá 500 đồng/tem nên người dân không mặn mà với việc dán tem lên sản phẩm do phải bỏ chi phí mua tem mà giá bán không cao hơn dừa không dán tem.

Tỉnh Khánh Hòa lựa chọn 26 sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang đặc trưng của địa phương ưu tiên phát triển.

Nhằm phát huy giá trị của các sản phẩm đặc thù, cuối tháng 10/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện. Theo đó, tỉnh lựa chọn 26 sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang đặc trưng của địa phương, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu. Đây cũng là biện pháp thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của Khánh Hòa đối với 94 xã trên địa bàn; trong đó, hiện còn 59 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Trong số 26 sản phẩm này được chia thành 6 nhóm. Nhóm thực phẩm là những nông sản tươi sống và nông sản chế biến với nhiều sản phẩm được đánh giá khá cao trên thị trường tiêu thụ lâu nay như: mía tím (diện tích 300 ha), sầu riêng Khánh Sơn (600 ha), tỏi Vạn Ninh (550 ha), xoài (7.140 ha), khoai sáp Cam Lâm, bưởi da xanh Khánh Vĩnh (465 ha), tôm hùm, nước mắm, rong nho khô, chả cá, nem chua.

Nhóm đồ uống gồm cà phê, yến sào cùng nhiều sản phẩm chế biến từ yến sào, chế biến trà. Nhóm hàng lưu niệm – nội thất – trang trí có 5 sản phẩm gồm: trầm hương chế tác, đá mỹ nghệ Ninh Giang, đúc đồng Diên Khánh, sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ, hoa cúc Ninh Giang. Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng hướng vào sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí.

Theo kế hoạch, chương trình có mức đầu tư trên 476 tỷ đồng; trong đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước địa phương hỗ trợ gần 30 tỷ đồng, số còn lại 447 tỷ đồng do các tổ chức kinh tế, hộ gia đình tham gia chương trình trực tiếp đầu tư.

Giải pháp thị trường và xây dựng thương hiệu, Khánh Hòa xác định đẩy mạnh cung cấp thông tin về từng sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của ngành để doanh nghiệp chủ động lựa chọn, bố trí sản xuất, thu mua hợp lý.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, quy cách của các nước nhập khẩu.

Khánh Hòa có nhiều sản phẩm lợi thế và có khả năng phát triển lớn. Việc được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể một cách bài bản, đồng bộ sẽ góp phần tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương. Qua đó, tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị của các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

© Tuyên bố bản quyền