Quảng bá từng bước xây dựng thương hiệu cam Sành Ngọc Bội tỉnh Hậu Giang.
Thị xã Ngã Bảy hiện là 1 trong 2 địa phương có diện tích trồng cam sành lớn của tỉnh. Để nâng tầm vị thế cho cam sành, thời gian qua đã có nhiều giải pháp được thị xã Ngã Bảy triển khai thực hiện, trong đó có việc xây dựng nhãn hiệu cho cam sành Ngã Bảy. Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cam sành Ngã Bảy” đã tạo điều kiện thuận lợi để loại trái cây này vươn xa trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện trong tổng số hơn 4.000ha đất vườn ở thị xã Ngã Bảy có hơn 2.500ha đất trồng cam sành, trong đó có 1.800ha đang cho trái, với sản lượng trung bình mỗi năm hơn 30.000 tấn. Đây là nguồn cung ứng tương đối lớn, vì vậy nếu thị xã Ngã Bảy khai thác tốt các lợi thế, trong đó lợi thế về Nhãn hiệu “Cam sành Ngã Bảy”, thì về lâu dài trái cam sành vẫn sẽ là thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp của thị xã Ngã Bảy.
Cam sành được trồng rất lâu đời tại Việt Nam. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, trồng phổ biến ở các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh. Trái cam sành có vỏ màu xanh, là loại trái cây được nhiều người lựa chọn để bồi bổ cơ thể vì rất tốt cho sức khỏe. Cam sành được trồng tập trung nhiều ở huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp. Cam sành cho trái quanh năm nhưng tập trung vào khoảng tháng 8-10 trong năm. Tính từ ngày ra bông đến khi thu hoạch là 7-9 tháng, các nhà vườn có biện pháp xử lý ra hoa vào thời điểm thích hợp để bán được giá cao nhất.
Cam sành chiếm vị trí rất quan trọng trong cơ cấu cây nông nghiệp ở thị xã Ngã Bảy.
Tại Tân Thanh, thị xã Ngã Bảy, trồng cam không chỉ có giá trị kinh tế cho nhà vườn mà còn góp phần hỗ trợ các lĩnh vực khác của địa phương phát triển hơn. Người dân đã thành lập hẳn một câu lạc bộ làm vườn có thu nhập cao. Ngoài nâng cao hiệu quả canh tác cho các thành viên, câu lạc bộ còn là địa chỉ tư vấn kỹ thuật tin cậy cho nhiều nhà vườn khác. Theo ước tính của nhiều hộ, bình quân mỗi héc-ta cam sành vào giai đoạn cho trái rộ, nhà vườn thu nhập vài trăm triệu đồng/năm là chuyện bình thường, thậm chí nhiều hộ thu nhập hơn 1 tỉ đồng.
Cây cam sành chiếm vị trí rất quan trọng trong cơ cấu cây nông nghiệp ở thị xã Ngã Bảy. Trong khi cây lúa, cây mía vẫn đang loay hoay với nỗi lo đầu ra thì cây cam sành đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Đây là cây trồng có nhiều ưu thế để phát triển nhưng kèm theo thách thức không nhỏ là dịch bệnh gây hại, vườn cây già cỗi khiến diện tích vườn cây đang giảm dần. Đặc biệt, bệnh vàng lá gân xanh đe dọa, trong khi công tác quản lý dịch bệnh rất khó khăn và phức tạp dẫn đến nhiều hộ nông dân khánh kiệt.
Thời điểm tháng 9/2018 vừa qua, cam sành của người dân thu hoạch bán ra chỉ ở mức khoảng 5.000 đồng/kg nên khả năng bị lỗ vốn là rất lớn. Theo các nhà vườn, gần đây cam sành bị rớt giá thê thảm, thậm chí không có thương lái đến thu mua. Trong khi vào thời điểm này của các năm trước, cam sành cũng được giá từ 10.000 đồng/kg, nếu rơi vào nghịch vụ thì giá lên tới hơn 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân rớt giá được các thương lái cho rằng do vào mùa mưa nhu cầu tiêu thụ thấp, đặc biệt là rơi đúng với một số mặt hàng trái cây khác nên sức mua bị chậm lại. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân là do một số vườn cam bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh nên chất lượng trái không đảm bảo. Tuy nhiên về lâu dài thì đây là loại trái cây có giá trị kinh tế cao vì là một trong giống cam ngon nổi tiếng của địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc và cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon.
Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 11.600ha cam, trong đó cam sành chiếm đa số và trong thời điểm cho trái, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy.
Nâng cao giá trị cây cam sành Ngã Bảy.
Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận Nhãn hiệu “Cam sành Ngã Bảy” đối với đơn vị đăng ký là hợp tác xã nông nghiệp Đông Bình. Từ đó, hợp tác xã được giao nhiệm vụ khai thác, quản lý nhãn hiệu “Cam sành Ngã Bảy” nhằm quảng bá và từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị trái cam sành vùng đất này. Từ khi được công nhận đến nay, dù còn nhiều tồn tại nhưng không thể phủ nhận hiệu quả tích cực từ Nhãn hiệu cam sành Ngã Bảy mang đến cho nông dân. Qua thời gian xây dựng Nhãn hiệu Cam sành Ngã Bảy đã mang đến cho nông dân thị xã tín hiệu tích cực, ngày càng có nhiều tiểu thương nơi khác đến thu mua trái cam sành Ngã Bảy.
Cam sành Ngã Bảy từng bước ứng dụng khoa học tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất.
Tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch vùng nguyên liệu cam sành tại thị xã Ngã Bảy. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang vận động nhân dân cải tiến kỹ thuật để vùng cam sành Ngã Bảy đạt chất lượng tốt đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Đầu tư xây dựng trồng thâm canh cam sành theo hướng an toàn với diện tích 30ha, xây dựng mô hình trồng thâm canh cam sành theo hướng VietGAP với diện tích 15ha và đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng nhãn hiệu hàng hoá “Cam sành Ngã Bảy” nhằm giúp nâng cao năng suất, phát triển thị trường tiêu thụ.
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đang triển khai giải pháp bằng việc mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng cam. Thông qua những buổi chuyển giao như vậy sẽ hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, lựa chọn cây giống, chăm sóc, cắt tỉa cành, cách thức tiêu hủy những nhánh cây mang mầm bệnh không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Định hướng phát triển thương hiệu – tăng cường quảng bá và khẳng định chất lượng.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hậu Giang, thời gian qua tỉnh đã chọn 10 nông sản chủ lực gắn với xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh, tập trung và đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, gồm: Bưởi Năm Roi Phú Hữu, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt Đông Thạnh, cá thát lát Hậu Giang, cá rô đồng Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2, mía đường Casuco, quýt đường Long Trị, cam xoàn Phương Phú và xoài Bảy Ngàn.
Trong những năm qua, tỉnh đã xây dựng các chương trình, đề án và dự án, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tăng cao thu nhập cho nông dân. Tiêu biểu như Chương trình về xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 22/54 xã đạt 19 tiêu chí, các xã còn lại đạt trên 10 tiêu chí. Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 – 2016 và định hướng đến năm 2020, với 4 hợp phần chuyển đổi, trong đó tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất vay cho người dân để thực hiện chuyển đổi sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập.
Qua thời gian thực hiện đã chuyển đổi được 927ha vườn tạp, 590ha đất mía kém hiệu quả, 280ha lúa 3 vụ, chuyển đổi 1.211 hộ chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, đem lại kết quả tích cực. Đây là giải pháp lâu dài, căn cơ để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, công tác xây dựng mô hình những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế là tính liên kết giữa các ngành, đơn vị chưa chặt chẽ, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, vốn đầu tư cho công tác khuyến nông, xây dựng mô hình còn hạn hẹp. Từ đó, làm cho công tác nhân rộng mô hình gặp khó khăn.
Thời gian tới, bên cạnh nâng cao diện tích và sản lượng, Hậu Giang cần chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập từ cây cam.
Ngoài ra, Hậu Giang còn kêu gọi các dự án đầu tư trong nông nghiệp để giải quyết nguồn nguyên liệu dồi dào của tỉnh như: chế biến lúa gạo, đầu tư hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa, chương trình hợp tác phát triển trong và ngoài nước về lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh liên kết hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất lúa gạo.