Triển vọng xuất khẩu trái thanh long của các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long sang thị trường EU

Thanh long là một loại trái cây có giá trị kinh tế cao đối với các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, trong đó có các xã thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo trên địa bàn huyện Tuy Phong và huyện Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận. Với việc đẩy mạnh sản xuất vụ nghịch, đến nay thanh long có thể cho thu hoạch quanh năm. Vụ thuận từ tháng 4 đến tháng 9, vụ nghịch từ tháng 10 đến tháng 2-3 năm sau. Đây là lợi thế cạnh tranh của xuất khẩu thanh long Việt Nam.

Hình ảnh thu hoạch trái thanh long

Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thanh long của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn do xuất khẩu sang thị trường chủ lực là Trung Quốc giảm mạnh. Tại thị trường Trung Quốc, trái thanh long của Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nội địa khi nước này đẩy mạnh trồng thanh long.

Trước diễn biến thị trường hiện nay, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân không phát triển thêm diện tích trồng thanh long, chú trọng chất lượng sản phẩm. Trong đó, cần chú ý để xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc được bền vững và ổn định, các hộ sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ các yêu cầu quy định về quản lý và sử dụng mã số vùng trồng và mã số cơ sở nhà đóng gói của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Cùng với đó, triển khai các biện pháp quản lý sâu bệnh hại trên vườn cây, các đối tượng sinh vật gây hại thuộc diện kiểm dịch thực vật của thị trường Trung Quốc. Đồng thời, đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ.

Triển vọng xuất khẩu trái thanh long của các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long sang thị trường EU

EU được coi là một trong những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thanh long. Tuy nhiên, để thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang thị trường EU – thị trường quy định rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, người sản xuất, doanh nghiệp và các địa phương cần có giải pháp tổ chức sản xuất đồng bộ cây thanh long, chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm. Mới đây, EU đã quyết định áp dụng tăng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long của Việt Nam từ 20% lên 30%, đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Việc tăng tần suất kiểm tra sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu thụ, sức cạnh tranh sản phẩm thanh long của Việt Nam tại EU. Nếu doanh nghiệp tái phạm các vấn đề về dư lượng, tần suất kiểm tra có thể cao hơn, thậm chí bị cấm xuất khẩu sang EU.

© Tuyên bố bản quyền