Từng bước mở rộng và phát triển thương hiệu cam Con Cung.

Con Cuông là một huyện trực thuộc tỉnh Nghệ An, nằm ở phía tây tỉnh Nghệ An, phía đông nam giáp huyện Anh Sơn, phía đông bắc giáp huyện Quỳ Hợp và Tân Kỳ, phía tây bắc giáp huyện Tương Dương, phía tây nam có đường biên giới nước Lào dài 55,5 km. Đây là huyện vùng cao, lợi thế về vị trí và điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp.

Từ năm 2000, một số hộ người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông đã tiến hành trồng thử nghiệm các giống cam Vân Du, Bãi Phủ, V1… Kể từ năm 2008, phong trào này đã phát triển mạnh, nhiều hộ sang vùng Phủ Quỳ, Quỳ Hợp mua giống cam V2 về trồng. Cam V2 quả bé hơn cam Vân Du nhưng lại có nhiều ưu điểm vượt trội các giống cam khác như mẫu mã đẹp, vàng ống, vị ngọt thanh, chín vào cuối tháng Chạp đến giữa tháng Giêng nên bán được giá, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Tất cả các loại cam được trồng tại đây mang tên của huyện Con Cuông, tập trung chủ yếu ở xã Yên Khê và 4 xã khu vực phụ cận nơi đứng chân của các lèn đá vôi, nhờ quá trình thiên tạo đã tạo ra những thớ đất, vùng đất đặc trưng cho sản phẩm cam thơm ngon mà ít nơi có được. Khí hậu, thổ nhưỡng địa phương này rất phù hợp với cây cam. Do đó, Cam Con Cuông mỗi khi vào vụ chín, với đặc trưng vị ngọt lắng thơm, đậm đà nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Thu hoạch cam ở huyện Con Cuông.

Hầu hết các hộ trồng cam tại Con Cuông đều áp dụng mô hình trồng trọt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, từ hệ thống nước tưới bằng công nghệ nhỏ giọt đến sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ quy trình kỹ thuật. Cam Con Cuông hiện nay có thị trường chính là thành phố Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng. Kể từ năm 2017, huyện Con Cuông cũng đã áp dụng việc gắn thương hiệu cho cam Con Cuông trên các sản phẩm đưa ra thị trường với quy mô rộng hơn.

Xác định cây cam là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương, huyện Con Cuông đã từng bước mở rộng, phát triển diện tích trồng cam để thay thế những cây trồng không phù hợp, năng suất thấp. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện Con Cuông có khoảng 360 ha cam, trong đó có 120 ha cam cho thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở các xã Yên Khê, Chi Khê và Bồng Khê. Trong đó, Yên Khê là địa phương có diện tích cam lớn nhất huyện với 257,96 ha. Trong vụ mùa năm 2018, toàn xã Yên Khê có khoảng 77 ha cam đang cho thu hoạch. Các giống cam Vân Du, V1, Sông Con, Bãi Phủ tại Con Cuông cho năng suất cao nhưng có nhược điểm là đều nhiều hạt, thường chín rộ vào khoảng tháng 9 – 10 âm lịch (mùa mưa) nên giá bán còn thấp. Đây cũng là thời điểm ruồi vàng, sâu đục quả, bướm xuất hiện nhiều và tấn công làm rụng quả. Vì thế, hiện nhiều hộ dân đã chủ động tìm giống cam khác về trồng thử nghiệm. Ngoài các giống cam trên thì từ 5 – 6 năm trở lại đây, nhiều hộ dân còn trồng thêm giống BH. Với việc đưa 2 loại giống chín sớm và chín muộn vào trồng, nên mùa thu hoạch cam Con Cuông bắt đầu từ cuối tháng 9 năm trước đến tháng 2, tháng 3 năm sau.

Kể từ cuối tháng 9/2018, người trồng cam ở huyện Con Cuông bắt đầu vào vụ thu hoạch cam sớm. Giống cam chín sớm là cam BH hay còn gọi là cam mát và cam Xã Đoài ruột vàng. Giống BH không kén đất, cây sinh trưởng phát triển nhanh, sức kháng bệnh tốt, năng suất cao, ít hạt, mọng nước, thời gian cho thu hoạch vào khoảng tháng 9. So với những năm trước, năm nay do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4 nên năng suất cam có giảm nhưng giá bán vẫn giữ ổn định như năm trước, từ 25.000 đồng/kg.

Hướng đi của cam Con Cuông.

Đến nay, cam Con Cuông không nằm trong danh sách các địa phương được đưa vào sử dụng logo cam Vinh và hệ thống nhận diện thương hiệu để được bảo hộ độc quyền. Nguyên nhân chính là năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh cho gần 1.700 ha cam tại 12 xã của huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Tuy nhiên sau 10 năm, diện tích trồng cam của toàn tỉnh đã tăng gấp 3 lần và diện tích trồng cam không còn bó hẹp trong 12 xã thuộc 5 huyện đã được cấp chỉ dẫn địa lý cam Vinh mà đã được nhân rộng ở nhiều nơi khác, trong đó bao gồm huyện Con Cuông. Cụ thể, theo Quyết định số 386/QĐ-SHTT ngày 31/5/2007 của Cục Sở hữu trí tuệ về Cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cam Vinh thì cam Vinh chỉ có ở các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ (với một số xã cụ thể). Về nguyên tắc chỉ những nơi có chỉ dẫn địa lý cam Vinh thì cam mới được dán tem cam Vinh.

Hiện đã có một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh trong bối cảnh sau 10 năm, diện tích trồng cam trong vùng chỉ dẫn địa lý và toàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều thay đổi, phát triển vượt quy hoạch và dự tính của các ngành chức năng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vướng mắc ở khía cạnh khoa học và quản lý nên nhiều khả năng trong ngắn hạn chưa thể mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh ra toàn tỉnh.

Trong thời gian tới, hướng đi mới của huyện Con Cuông là tập trung chú trọng nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Xác định du lịch là mũi nhọn, thời gian tới huyện chú trọng kết hợp du lịch canh nông, trong đó xây dựng thương hiệu cây cam Con Cuông, từ đó nâng cao đời sống người dân.

Từng bước mở rộng và phát triển thương hiệu cam Con Cung.

Từ việc xác định cam là cây trồng chủ lực, UBND huyện Con Cuông đã xây dựng và thực hiện đề án phát triển cây trồng này. Theo đó, mục tiêu được huyện đặt ra là đến năm 2020 diện tích cam đạt 450 ha, quy hoạch chủ yếu tại các xã: Yên Khê, Chi Khê, Môn Sơn, Lục Dạ, Bồng Khê, Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn. Cùng với việc mở rộng quy mô diện tích trồng cam, huyện cũng từng bước phục hồi nhãn hiệu cam Con Cuông đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài các chính sách cụ thể dành cho hộ trồng cam, chính quyền địa phương sẽ gián tiếp hỗ trợ thông qua việc tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp. Huyện cũng từng bước phục hồi nhãn hiệu cam Con Cuông thông qua việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện cũng đã thành lập HTX trồng cam và xây dựng chỉ dẫn địa lý từ đó bảo vệ vùng sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, nhiều sản phẩm từ cam Con Cuông đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường như: mứt vỏ cam, rượu men cam, rượu cam, xà phòng cam, tinh dầu cam, sirô cam.

Kể từ năm 2016, tổ chức JICA (Nhật Bản) cũng đã có đợt nghiên cứu, khảo sát thực tế tại vùng trồng cam xã Yên Khê. Bước đầu tổ chức này đã đầu tư, hỗ trợ 5 hộ trồng cam của xã thực hiện chuỗi giá trị từ canh tác, trồng trọt đến sản xuất sản phẩm cuối cùng. Bằng việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường, đến vụ thu hoạch cam năm 2017, tổ chức JICA đã cho ra đời sản phẩm nước cam ép, rượu cam. Đây có thể xem là bước đột phá trong quy trình sản xuất nông nghiệp của huyện Con Cuông.

© Tuyên bố bản quyền