Yn Bi: Triển vọng thúc đẩy xuất khẩu quế toàn cầu

Giá của cây Quế cao hơn hẳn các loại cây nông sản khác và đặc biệt khi nhu cầu về Quế và sản phẩm Quế trên thế giới hiện nay tăng cao, trong khi khả năng sản xuất lại có hạn, nên cây Quế nhiều khi có giá rất cao. Đây chính là một lợi thế rất lớn của Việt Nam.

Quế không những có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa, đồng thời góp phần quan trọng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ rừng Quế, hàng ngàn gia đình có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây Quế.

Tinh dầu Quế Văn Yên được thu hoạch chủ yếu vào 2 mùa trong năm, là vụ hè (từ tháng 4 đến tháng 7) và vụ đông (từ tháng 9 đến tháng 11). Chất lượng tinh dầu ở mỗi vụ thường khác nhau. Vụ hè, tinh dầu thu được với số lượng nhiều và có mùi gần với mùi Quế nhưng dễ bị bay, trong khi đó, vào vụ đông, sản lượng tinh dầu thu được ít hơn nhưng đặc, mùi và màu cũng đậm hơn.

Trên thế giới chỉ một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Sri Lanka, Seichelles, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản mới có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất cây Quế. Do đó, giá cả mặt hàng Quế rất cao và vì vậy mà hiệu quả của ngành sản xuất Quế cao hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp.

Cây Quế Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng ngành sản xuất Quế hiện nay vẫn còn tình trạng lạc hậu. Lao động trong ngành trồng Quế chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc ít người, chưa có đầu tư lớn, vì vậy năng suất và chất lượng chưa cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngành Quế xuất khẩu của Việt Nam còn quá nhỏ bé so với tiềm năng và chỉ dừng lại ở xuất khẩu thô nên kim ngạch còn rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu và so với các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp khác.

Nhằm phát triển kinh tế – xã hội bền vững, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Đề án phát triển cây Quế giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỉnh trồng mới 19.500 ha Quế, diện tích cây Quế toàn tỉnh 76.000 ha với sản lượng vỏ đạt 20.000 tấn và 600 tấn tinh dầu. Đây sẽ là lợi thế lớn, đầu vào ổn định đối với những đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ Quế như hợp tác xã Quế hồi Việt Nam tỉnh Yên Bái.

So với nhiều cây trồng khác, cây Quế đã mang lại cho người dân một nguồn thu lớn và ổn định. Từ năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Quế Văn Yên. Trước đây, cây Quế chỉ bán được vỏ. Hiện nay, thân, cành, lá đều bán được với giá cao. Vỏ Quế loại 1 đang được các cơ sở chế biến thu mua với giá khoảng 25.000 đồng/kg và các sản phẩm phụ như Quế chi, Quế vụn cũng bán được 15.000 đồng/kg, còn lá Quế bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu với giá trên 2.500 đồng/kg. Thân Quế sau khi bóc vỏ có đường kính từ 15 cm trở lên bán cho các cơ sở chế biến gỗ làm bao bì với giá từ 1,5-1,8 triệu đồng/m3.

Tại huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái, hợp tác xã Quế hồi Việt Nam đang tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển cây Quế theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị, mở cánh cửa xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an toàn lao động cho thành viên.

Hợp tác xã phát triển vùng sản xuất tập trung trên diện tích 90 ha, sản lượng thu mua bình quân 70 – 80 tấn Quế/tháng. Quế được thu mua, phân loại, sơ chế thành 12 loại sản phẩm Quế chất lượng cao. Hiện hợp tác xã có một số mặt hàng chủ lực như Quế điếu thuốc, Quế ống, Quế tăm, Quế bột, tinh dầu Quế…

Hợp tác xã đã xây dựng mới 01 nhà máy chế biến sản phẩm Quế hữu cơ trên địa bàn xã với tổng diện tích trên 14.000 m2, công suất từ 80 – 100 tấn Quế tươi/tháng, với dây chuyền máy móc hiện đại. Tháng 10/2018, nhà máy đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Riêng trong 2 tháng cuối năm 2018, hợp tác xã đã chế biến được trên 150 tấn Quế tươi.

Nhờ tác dụng như chữa bệnh như ho, cảm cúm, các bệnh liên quan đến tiêu hóa và có thể dùng như một loại sản phẩm dưỡng da, tinh dầu Quế Văn Yên có chỗ đứng ngày càng vững chắc trên thị trường. Hiện nay, tinh dầu Quế Văn Yên còn được tiêu thụ rộng rãi tại Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc… với số lượng hàng nghìn tấn mỗi năm.

Hiện hợp tác xã đã và đang thực hiện quy trình vùng sản xuất Quế hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ, EU, Nhật Bản… với giá trị kinh tế cao; đồng thời cung cấp cây Quế giống đảm bảo chất lượng và các dịch vụ cho thành viên, bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho các hộ trồng Quế trên địa bàn với giá ổn định, tạo việc làm cho 50 – 60 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh quy hoạch vùng trồng Quế hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn về nguồn nguyên liệu, hợp tác xã còn tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, yếu tố về an toàn lao động đang được hợp tác xã đặc biệt quan tâm. Điều kiện, môi trường làm việc của thành viên, người lao động hợp tác xã liên tục được cải thiện, các kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất nhằm giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Mới đây, hợp tác xã đã làm việc với đoàn khảo sát của Pháp, Nhật, Anh, kiểm tra thực địa từ quy trình trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và chế biến các sản phẩm Quế của hợp tác xã.

Việc đảm bảo quy trình sản xuất Quế hữu cơ thật sự là cơ hội tốt để hợp tác xã Quế hồi Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhu cầu nhập khẩu Quế trên thị trường thế giới tăng khá mạnh trong những năm gần đây, với trị giá đạt khoảng 320 triệu USD trong năm 2018, tăng 38,5% so với mức nhập khẩu trung bình năm của 5 năm trước.

Mỹ, Thái Lan, Mexico, Anh, Hàn Quốc, Malaysia… là những thị trường có nhu cầu tiêu thụ mặt hàng Quế đứng đầu trên thế giới. Đặc biệt đối với những thị trường như Hàn Quốc và Malaysia, đây là hai thị trường tiêu thụ Quế hàng đầu của Việt Nam. Điển hình với thị trường Malaysia, xuất khẩu Quế của Việt Nam sang thị trường này trong tháng 1/2019 tăng tới trên 70% so với tháng 12/2018, trong khi xuất khẩu Quế của Trung Quốc và Indonesia vào thị trường Malaysia lại giảm lần lượt là 16% và 41%. Với thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu mặt hàng Quế của Việt Nam vào thị trường này tăng mạnh 33% trong khi xuất khẩu của Trung Quốc vào Hàn Quốc lại giảm tới gần 70%. Việt Nam cung cấp mặt hàng Quế vào Hàn Quốc với trên 92% thị phần và 60% thị phần vào thị trường Malaysia. Với tốc độ tăng trưởng mạnh hơn so với tốc độ tăng trưởng chung, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu Quế của Việt Nam vào các thị trường trên trong năm 2019 là rất lớn.

Cần xây dựng nhà máy sản xuất Quế theo chuẩn quy hoạch.

Với tiềm năng thị trường thì hiện nay nhu cầu sử dụng tinh dầu Quế trên thế giới là rất lớn và luôn ở mức cung không đủ cầu. Như vậy, lợi nhuận thu được từ chưng cất tinh dầu Quế là rất cao, tuy nhiên một số nhà máy, cơ sở chế biến tinh dầu Quế chưa được xây dựng theo chuẩn quy hoạch.

Yn Bi: Triển vọng thúc đẩy xuất khẩu quế toàn cầu

Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái có 8 nhà máy chiết xuất tinh dầu Quế quy mô lớn với tổng công suất là 700 tấn/năm đặt ở các huyện có diện tích Quế tập trung. Công ty TNHH Hương liệu Việt Trung đặt tại xã Quy Mông xây dựng bằng vốn nước ngoài, công suất 100 tấn sản phẩm/năm; Công ty TNHH Thương mại XNK Đạt Thành có hai nhà máy đặt tại xã Đông Cuông và Hoàng Thắng, tổng công suất 100 tấn/năm; hợp tác xã Bách Lâm đặt nhà máy tại xã Xuân Tầm, công suất 100 tấn/năm; Công ty CP LNS thực phẩm Yên Bái đặt nhà máy tại xã Sơn Lương, công suất 60 tấn/năm; Công ty TNHH Trường An có hai nhà máy đặt tại xã Phong Dụ Hạ, công suất 170 tấn/năm; Công ty TNHH Tân Thịnh đang tiến hành xây dựng nhà máy tại Xuân Ái, công suất 40 tấn/năm. Công ty TNHH Thương mại Nam Cường đặt tại xã Viễn Sơn, công suất 40 tấn/năm. Doanh nghiệp tư nhân Phúc Lợi đặt tại xã Ngòi A, công suất 40 tấn/năm.

Ngoài các nhà máy chiết xuất tinh dầu Quế quy mô lớn hiện nay thì có hơn 200 cơ sở chưng cất tinh dầu Quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, mỗi năm 300-800 kg/năm/cơ sở. Do các cơ sở chưng cất tinh dầu Quế nhỏ lẻ hoạt động theo phương pháp thủ công, không theo quy trình khép kín nên khói bụi, phế liệu sau chưng cất không được xử lý kịp thời đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Khai thác và chặt tỉa cành quá mức, không có kế hoạch và tận thu nguyên liệu quá mức đã tác động xấu, gây ô nhiêm môi trường sống, gây ảnh hưởng đến thương hiệu Quế. Sản phẩm tinh dầu Quế mà các nhà máy sản xuất ra mới chỉ là sản phẩm tinh dầu thô, có giá trị thấp. Sản phẩm tinh dầu Quế này sau khi xuất khẩu, tiếp tục được tinh chế thành các loại tinh dầu có giá trị sử dụng cao được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu. Công tác phòng chống cháy nổ của các cơ sở chế biến chưa được chú trọng đầu tư đúng mức, gây ra nguy cơ cháy nổ cao.

Đứng trước nguy cơ này, một số ngành chức năng của tỉnh đã có những kiến nghị đề nghị tạm dừng việc cấp giấy phép xây dựng mới cơ sở chế biến tinh dầu Quế trên địa bàn, ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo và đưa ra quy trình khai thác lá cành phù hợp với sự sinh trưởng của cây Quế.

Giải pháp mở rộng thị trường.

Quế là cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái và mang lại giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, qua đánh giá, lợi ích kinh tế mà loại cây trồng này mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, để nâng cao giá trị của cây Quế, tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, nổi bật là thu hút đầu tư, quảng bá hỗ trợ doanh nghiệp và mở rộng thị trường.

Cùng đó, tỉnh cần quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ Quế, gỗ Quế, tinh dầu Quế theo hướng bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình chế biến các sản phẩm Quế nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm Quế; tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp như: gặp mặt, đối thoại; đơn giản hóa thủ tục hành chính; vận động, giúp đỡ các doanh nghiệp thành lập các hội, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết trong trồng trọt, sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Ngoài những giải pháp trên, để nâng cao giá trị cây Quế, tỉnh chú trọng phát triển, duy trì nguồn nguyên liệu chất lượng. Theo đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát vùng quy hoạch trồng mới, nhu cầu trồng mới của nhân dân; từ đó, lựa chọn các đơn vị cung ứng giống bảo đảm để giới thiệu cho nhân dân; làm tốt công tác bảo tồn giống Quế gắn với việc bảo tồn.

Cùng đó, cán bộ khuyến nông về cơ sở hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mới trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong quá trình cây sinh trưởng; khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm hàng hóa của mình; chỉ đạo lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý thị trường, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm thương hiệu, bản quyền, gian lận thương mại.

Quế là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu cho người dân nên tỉnh luôn xác định nhiệm vụ nâng cao giá trị, vị thế các sản phẩm Quế là nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung các giải pháp quảng bá tiềm năng, thế mạnh, thương hiệu gắn với tìm kiếm thị trường qua mạng xã hội, các kênh thông tin truyền thông, các lễ hội, hội chợ thương mại. Đến nay, đã có một số cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm Quế liên kết với tổ chức phát triển Hà Lan để thực hiện Dự án “Gia vị cuộc sống” với sự tham gia của 1.152 hộ ở 12 xã của huyện Văn Yên.

Cùng đó, tập trung thực hiện các giải pháp thu hút, bố trí các nguồn lực để hoàn thành hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng các cụm công nghiệp, trong đó, trước mắt ưu tiên hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các vùng nguyên liệu với khu chế biến tập trung, cụm công nghiệp.

Đối với các cụm công nghiệp, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, phấn đấu hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ bản như: mặt bằng, giao thông, điện nước…

Để phát triển cây Quế một cách bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty đủ mạnh đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm tinh dầu Quế, tiêu thụ sản phẩm cho người trồng Quế trên địa bàn. Những hướng đi đó sẽ mang lại nhiều triển vọng cho cây Quế phát triển đúng với tiềm năng của nó, người dân yên tâm trồng, phát triển vững chắc diện tích Quế, đem lại hiệu quả lâu dài, góp phần xóa đói nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Mời gọi đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, bao gồm đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ và công nghệ sản xuất giống, hỗ trợ xây dựng hệ thống đường vận chuyển trong vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ Quế.

Trong khai thác Quế, cần hướng dẫn cho đồng bào khai thác hợp lý để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cây Quế. Tránh tận thu quá mức, khai thác ồ ạt, thậm chí khai thác trắng cả những diện tích Quế còn non; chặt cây, tỉa cành không khoa học, tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến đang hoạt động cần hỗ trợ người dân tiền giống, vườn ươm, làm đường giao thông đến vùng khó khăn để thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu về nhà máy chế biến; bảo đảm chất lượng sản phẩm và hướng mạnh vào xuất khẩu.

© Tuyên bố bản quyền