Xuất khẩu trong quý I năm 2018 ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Hoạt động thương mại của Việt Nam sau khi bị gián đoạn bởi Tết nguyên đán đã phục hồi và tăng mạnh trở lại trong tháng 3/2018. Theo ước tính, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 3/2018 đạt 38,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng 2/2018 (trong đó xuất khẩu ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 38,2% so với tháng 2/2018 và trị giá nhập khẩu ước đạt 19 tỷ USD, tăng 35,4%).
Với kết quả ước tính trên, tính đến hết quý I/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta ước đạt 107,3 tỷ USD, tăng tới 17,7% so với quý I/2017. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh 22% so với quý I/2017, đạt 54,3 tỷ USD; nhập khẩu tăng với tốc độ chậm hơn, tăng 13,6%, đạt 53 tỷ USD.
Do kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh hơn so với nhập khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong quý I/2018 đã thặng dư 1,3 tỷ USD, riêng trong tháng 3/2018 Việt Nam xuất siêu 800 triệu USD. Đây là tín hiệu hết sức khả quan góp phần quan trọng vào mục tiêu kiềm chế nhập siêu ở dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2018.
Về xuất khẩu
Trong tháng 3/2018, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 38,2% so với tháng 2/2018 và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2018 lên mức 54,3 tỷ USD, tăng mạnh 22% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 14,8% của quý I/2017 cũng như mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm nay.
Xuất khẩu trong quý I/2018 ghi nhận mức tăng trưởng cao ở cả khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (có cả dầu thô) đạt kim ngạch xuất khẩu 39,34 tỷ USD trong quý I/2018, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt mức tăng trưởng 18,9% so với quý I/2017, với kim ngạch đạt 14,96 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng cao trong quý I năm 2018 được nhận định là do kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi làm gia tăng hoạt động thương mại toàn cầu, giá dầu và giá một số loại hàng hóa tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, cùng với đó dự án thứ 3 của Samsung Display chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2017 cũng góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử trong nước tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay.
Trong quý I/2018, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, thống kê cho thấy có tới 39/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng.
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tăng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, hàng nông sản và giảm xuất khẩu đối với nhóm hàng năng lượng khoáng sản. Cụ thể:
+ Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng “nông, thủy sản” của Việt Nam trong quý I/2018 tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,9 tỷ USD. Đáng chú ý, nhóm hàng nông, thủy sản chiếm 10,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta, tăng nhẹ so với tỷ trọng 10,4% của quý I/2017. Trong nhóm hàng nông, thủy sản, hạt điều là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất, tăng 38,7% so với quý I/2017; tiếp theo, rau quả tăng 35,6%, gạo tăng 23,8%. Trong khi đó, một số mặt hàng có lượng tăng nhưng kim ngạch giảm như cà phê tăng 12,7% về lượng nhưng giảm 3,7% về trị giá, cao su tăng 10,5% về lượng và giảm 19,7% về trị giá.
+ Trong số các nhóm hàng xuất khẩu chính chỉ có duy nhất nhóm hàng “nhiên liệu và khoáng sản” có kim ngạch giảm 8,1% so với quý I/2017, đạt 946 triệu USD. Xuất khẩu nhóm hàng này giảm chủ yếu do xuất khẩu dầu thô giảm mạnh 36,5% về lượng và 21,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù giá xuất khẩu dầu thô tăng mạnh 24,3% trong quý I/2018 song xuất khẩu dầu thô gặp nhiều khó khăn bởi Việt Nam đang đối mặt với nguồn cung dầu khí ngày càng suy giảm, khai thác mỏ cũ khó hơn rất nhiều. Theo Tổng cục thống kê, khai thác dầu thô của Việt Nam đã giảm 7,9% so với quý I/2017.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng khác trong nhóm nhiên liệu và khoáng sản đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, than đá tăng 4,8%, xăng dầu các loại tăng 15,4%, quặng và khoáng sản khác tăng 15,9%.
+ Nhóm hàng “công nghiệp chế biến” tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 83,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, với 45,26 tỷ USD, tăng mạnh 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nổi bật nhất trong nhóm hàng công nghiệp chế biến chính là sự tăng trưởng của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện – mặt hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu của nước ta (chiếm 22,7% tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của cả nước). Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 58,8% so với quý I/2017, đạt 12,33 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực khác trong nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái như: Hàng dệt may (+12,9%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (+13,2%), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (+22,3%), giày dép các loại (+10,9%).
Về nhập khẩu
Trong quý I/2018, nhập khẩu hàng hóa của nước ta ước đạt 53 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 21,2 tỷ USD, tăng 13,4%; nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI cũng tăng 13,7%, đạt 31,7 tỷ USD.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong quý I/2018 của Việt Nam gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (ước khoảng 10,33 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước); Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (ước 7,37 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2017); Điện thoại các loại và linh kiện (ước 3,44 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước).
Nhìn chung quý I/2018, kim ngạch nhập khẩu của nhóm cần nhập khẩu chiếm 88,2% tổng kim ngạch nhập khẩu với 46,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát tăng với tốc độ cao hơn, tăng 19,6%, đạt 3,47 tỷ USD. Điều này cho thấy kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát cần phải được lưu ý hơn trong thời gian tới.
Nhiều mặt hàng trong nhóm hàng cần kiểm soát tăng mạnh so với quý I/2017 như: rau quả tăng mạnh 51% trong quý I/2018, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 31,9%, phế liệu sắt thép tăng 84,4%, hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 18,6%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 89,4%… chỉ có duy nhất ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi và linh kiện phụ tùng ô tô giảm 63,3% và 11,4%. Tuy vậy, trong tháng 3/2018, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi đang có dấu hiệu tăng trở lại với mức tăng từ 208 chiếc lên 1.000 chiếc, tức là tăng gấp 4 lần so với tháng 2/2018.
Dự báo
Với mức tăng trưởng cao lên tới 22% trong quý 1 năm 2018, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 23,1% kế hoạch đặt ra. Như vậy, trong 3 quý còn lại của năm 2018, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cần phải đạt 181,1 tỷ USD, tương ứng với mức bình quân 20,12 tỷ USD/tháng để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Đây được đánh giá là mục tiêu không quá khó bởi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018 đã đạt xấp xỉ con số trên, trong khi thông thường hoạt động xuất khẩu sẽ tăng tốc từ quý II trở đi.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa cũng có nhiều thuận lợi về mặt thị trường và giá cả khi kinh tế thế giới tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, xuất khẩu các nhóm hàng điện tử tăng cao hơn nhờ việc ra mắt các sản phẩm mới của Samsung. Từ những thuận lợi đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2018 có cơ hội lớn để hoàn thành kế hoạch đề ra.