Xây dựng vùng chuyên canh cây bưởi Diễn

Cây bưởi Diễn đã phát triển tại vùng đất Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc hơn 15 năm và được thị trường ưa chuộng. Địa phương xác định cây bưởi Diễn là cây chủ đạo trong phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện.

Mô hình trồng bưởi Diễn của gia đình ông Phùng Văn Tân, thôn Yên Định, xã Phú Đa (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: baovinhphuc.com.vn

Làm giàu từ cây bưởi

Đây từng là vùng đất trũng thấp, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng từ khi người dân xã Phú Đa chuyển sang trồng cây bưởi Diễn, cây bưởi phát triển tốt với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây.

Ông Phùng Văn Tân, thôn Yên Định, xã Phú Đa là một trong những điển hình về trồng bưởi. Ông cho biết năm nay bưởi được mùa, thương lái đã đến thăm vườn từ sớm để đánh giá và trả giá, nên ông không lo đầu ra.

Trước đây, đất vườn nhà ông chỉ trồng rau củ theo mùa và phụ thuộc vào thời tiết. Năm 2005, ông liên kết với Viện Bảo vệ Thực vật đưa cây bưởi Diễn về trồng thử nghiệm. Sau 3 năm, vườn bưởi của ông Tân đã cho quả.

Nhờ siêng năng học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn bưởi Diễn của ông Tân hiện phát triển tốt, năng suất tăng theo từng năm, thu nhập cũng nhờ đó mà cao hơn. Sau 15 năm trồng, hiện gia đình ông Tân có 160 gốc bưởi, thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Vườn bưởi của ông trở thành nơi học tập kinh nghiệm cho nhiều người dân trong huyện và các tỉnh lân cận.

Thành công từ vườn bưởi của ông Tân đã giúp nhiều gia đình trong huyện Vĩnh Tường có thêm động lực cải tạo vườn tạp để trồng bưởi Diễn. Nhờ cây bưởi, nhiều gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống cải thiện hơn.

Anh Nguyễn Hữu Lịch, thôn Hậu Lộc, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi ngập tràn quả trong mùa thu hoạch, khẳng định về hiệu quả kinh tế từ cây bưởi Diễn.

Xây dựng vùng chuyên canh cây bưởi Diễn

Anh Lịch chia sẻ, nhờ sự giúp đỡ của ông Tân, năm 2014 anh đã đầu tư mua 200 cây bưởi Diễn để trồng. Những năm đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm, bưởi phát triển chậm. Tuy nhiên, anh không nản lòng mà tiếp tục tìm hiểu phương pháp chăm sóc qua mạng xã hội và tham khảo một số mô hình hợp tác xã để nâng cao năng suất và chất lượng quả. Năm 2018, anh tham gia Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường. Từ hội này, anh được hỗ trợ phân bón và tham gia tập huấn nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây bưởi.

Nhờ sự chăm chỉ và ham học hỏi, vườn bưởi của anh Lịch phát triển tốt và luôn sai quả. Mỗi năm thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng. Sau 5 năm, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng bưởi, anh bàn bạc với gia đình trồng thêm 200 gốc bưởi. Mục tiêu xa hơn của anh là khu vực trồng bưởi được mở rộng thành vùng chuyên canh bưởi Diễn của huyện, xây dựng thương hiệu bưởi Diễn Vĩnh Tường thành sản phẩm đặc sản của tỉnh.

Xây dựng vùng bưởi chuyên canh

Hiện tại, huyện Vĩnh Tường có hơn 100 ha đất trồng bưởi, chiếm 20% diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Phú Đa, Vĩnh Ninh, Ngũ Kiên, Tuân Chính, Cao Đại, Tân Phú, Vĩnh Thịnh… Trong đó, có 60 ha đã cho thu hoạch. Năm 2019, tổng sản lượng bưởi tiêu thụ lên tới 1,8 triệu quả, trị giá gần 40 tỷ đồng.

Để thúc đẩy phát triển cây bưởi và xây dựng thương hiệu bưởi Diễn Vĩnh Tường, năm 2018, huyện đã thành lập Hội trồng bưởi Vĩnh Tường với 91 thành viên tham gia. Hội đã vận động người dân áp dụng kỹ thuật mới về giống, phương pháp canh tác và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao năng suất và giá trị kinh tế sản phẩm bưởi, từng bước xây dựng thương hiệu bưởi tại địa phương.

Ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường cho biết cây bưởi Diễn đã trở thành cây trồng chủ lực tại huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Do đó, huyện khuyến khích người dân lựa chọn giống cây và kỹ thuật chăm sóc phù hợp để nâng cao năng suất và chất lượng cây bưởi.

Đồng thời, huyện cũng tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đăng ký chất lượng VietGAP, nhãn hiệu tập thể… để sản phẩm bưởi Diễn Vĩnh Tường khẳng định thương hiệu và giá trị kinh tế khi đưa ra thị trường, giúp người dân an tâm sản xuất.

Trước đó, tháng 10/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi Vĩnh Tường – Hương vị Đất Phủ”, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm.

Hiện tại, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường đang tiếp tục chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGAP cho hơn 5,8 ha bưởi Diễn ở xã Vĩnh Ninh, nhằm mở rộng diện tích, canh tác bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, huyện Vĩnh Tường còn tăng cường tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho người dân; xây dựng mô hình vườn quả mẫu, tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo đầu ra bền vững và xây dựng thương hiệu bưởi Vĩnh Tường có chỗ đứng trên thị trường nông sản.

© Tuyên bố bản quyền