Xây dựng thương hiệu tập thể “Cừu Ninh Thuận” và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ninh Thuận là nơi có tổng đàn cừu lớn nhất nước, với khoảng 160.000 con, được người dân chăn thả tại khu vực gò đồi ở các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam và Thuận Bắc. Chăn nuôi cừu đang ngày càng phát triển theo hướng hình thành các trang trại tập trung gắn với du lịch. Đặc biệt, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đang có xu hướng phát triển mạnh, với một số doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư con giống, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tạo sinh kế cho nhiều hộ nghèo.

Cừu được du nhập vào Ninh Thuận từ khá lâu, thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng đất khô nóng và đến nay thịt cừu đã trở thành sản phẩm đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng.

Năm 2017, Cừu Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt cừu có xuất xứ từ “Ninh Thuận”; đồng thời, sản phẩm thịt cừu được công nhận là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh năm 2018.

Điều kiện khí hậu khô nóng cùng thổ nhưỡng đặc trưng đã tạo nên chất lượng đặc thù của thịt cừu Ninh Thuận. Cừu ở đây được chăn thả tự nhiên, tự kiếm thức ăn là các loại cỏ, lá cây. Đặc biệt, khu vực Ninh Thuận có các loại cây đặc trưng là nguồn thức ăn ưa thích của cừu như cây quýt rừng, cây duối, cây sóng rắn giúp cho thịt cừu Ninh Thuận có hương vị và chất lượng đặc thù.

Cừu là động vật chịu được khí hậu khô nóng, dễ nuôi, cừu nhân đàn nhanh, mức sinh sản 2 năm 3 lứa, mỗi lứa đẻ từ 1 – 2 con. Sau thời gian nuôi từ 8 – 12 tháng, cừu đực đạt trọng lượng từ 35 – 40 kg, cừu cái đạt trọng lượng từ 30 – 35 kg sẽ xuất bán.

Để có đàn cừu sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, khâu chọn con giống rất quan trọng. Cùng với lựa chọn giống, người nuôi nên làm chuồng kiểu sàn, diện tích tối thiểu bình quân khoảng 1,8 – 2 m2/con. Chuồng trại phải luôn sạch sẽ, khô ráo, thông thoáng, tránh gió lùa và mưa hắt; Định kỳ sát trùng, tiêu độc chuồng trại. Người nuôi lưu ý không chăn thả cừu đi ăn sớm khi cỏ còn ướt.

Để cừu mau lớn, người nuôi có thể bổ sung các loại thức ăn tinh như cám, bột ngô, bột sắn, hèm bia và các loại vitamin cho cừu vào mùa khô. Trong quá trình nuôi cần đề phòng và chữa trị một số bệnh như chướng hơi dạ cỏ, tiêu chảy, viêm loét miệng, viêm phổi, viêm mắt và bệnh sán lá.

Ninh Thuận là nơi có tổng đàn cừu lớn nhất nước, với khoảng 160.000 con, được người dân chăn thả tại các khu vực gò đồi ở các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam và Thuận Bắc.

Hướng tới đạt mục tiêu của Đề án cơ cấu lại ngành Chăn nuôi đến hết năm 2020, phát triển đàn cừu với quy mô 190.000 con; trong đó, nuôi tập trung 165.000 con, sản lượng thịt 9.000 tấn; đàn cừu lai (cừu Ninh Thuận lai với cừu nhập ngoại của Úc, Ả Rập) từ 50-70%, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình cải tạo đàn cừu, chọn hộ chăn nuôi tiêu biểu thực hiện thí điểm, sau đó nhân rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh. Trên thực tế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mô hình cải tạo đàn cừu, chuyển giao các hộ chăn nuôi có được giống tốt. Với giống cừu lai Úc, chỉ cần 7-8 tháng nuôi theo đúng kỹ thuật sẽ xuất chuồng, có trọng lượng bình quân 30 kg/con.

Chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận

Chăn nuôi cừu đang ngày càng phát triển theo hướng hình thành các trang trại tập trung gắn với du lịch. Đặc biệt, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đang có xu hướng phát triển mạnh, với một số doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư con giống, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tạo sinh kế cho nhiều hộ nghèo. Các hoạt động liên kết chăn nuôi cừu cũng đã mở rộng thị phần thịt cừu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các cơ sở kinh doanh dê, cừu trên địa bàn tỉnh đã đầu tư con giống, thức ăn gia súc cho hàng trăm hộ chăn nuôi mở rộng chuồng trại, tăng đàn, đưa nghề nuôi cừu trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.

Xây dựng thương hiệu tập thể

Thịt cừu là đặc sản được các nhà hàng, khách sạn chế biến thành những món ăn ngon như: thịt cừu nướng, tái, xào, xông khói, chả cừu, ca ri cừu, lẩu cừu, cừu nấu rau má, cừu nấu nho, hủ tiếu cừu.

Thịt cừu Ninh Thuận không những đang được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh thành trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định, mà còn định hướng xuất khẩu trong thời gian tới.

© Tuyên bố bản quyền