Xây dựng thương hiệu cho trái bưởi Thanh Hà
Nhận thấy tiềm năng phát triển của các loại trái cây ngày càng lớn, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, phát triển cây ăn quả quy mô lớn gắn xây dựng thương hiệu. Trái bưởi đã được đăng ký nhãn hiệu và ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Bưởi Luận Văn – đặc sản bưởi tiến Vua, từ năm 2005 được đưa vào chương trình khôi phục và phát triển cây ăn quả đặc sản của tỉnh Thanh Hóa. Hiện giống bưởi Luận Văn đang được các nhà vườn tuyển chọn, phục tráng và diện tích trồng mới ngày càng được mở rộng.
Thời gian thu hoạch của trái bưởi Luận Văn bắt đầu từ tháng 10 âm lịch. Bưởi Luận Văn có màu đỏ đẹp mắt, mùi thơm dịu, thời gian bảo quản được lâu, được người tiêu dùng lựa chọn để trưng vào dịp Tết Nguyên Đán. Giá bán bưởi Luận Văn khoảng 50.000 – 100.000 đồng/trái đã mang lại thu nhập cao cho người trồng.
Với lợi ích kinh tế mà trái bưởi Luận Văn mang lại, Ủy ban Nhân dân xã Thọ Xương huyện Thọ Xuân chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho giống bưởi quý hiếm này. Năm 2020, sản phẩm Bưởi Luận Văn Hải Đăng của Công ty TNHH Nông nghiệp hiện đại Lam Sơn – Sao Vàng được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao.
Bưởi Luận Văn được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Thanh Hóa
Xã Bắc Lương huyện Thọ Xuân chú trọng xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn.
Cây bưởi từ lâu đã trở thành cây trồng chủ lực của xã Bắc Lương. Nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của chính quyền, người trồng bưởi trên địa bàn xã đã chú trọng xây dựng vùng chuyên canh sản xuất bưởi quy mô lớn. Hiện tại, toàn xã đã có 40 ha bưởi, chủ yếu là bưởi Diễn; trong đó, có 14 ha trồng tại vùng chuyên canh tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, quả bưởi xã Bắc Lương đã có logo, được dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, dễ dàng phân biệt với quả bưởi thông thường.
Nhằm xây dựng thương hiệu cho bưởi Diễn Bắc Lương, Ủy ban Nhân dân xã kết hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Thọ Xuân thực hiện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm bưởi Bắc Lương.
Sản phẩm bưởi Diễn Bắc Lương được dự kiến sẽ hoàn thành bảo hộ nhãn hiệu tập thể và tham gia vào chương trình OCOP cấp tỉnh để nâng cao giá trị kinh tế và khẳng định thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.
Để nâng cao giá trị sản phẩm và gia tăng hiệu quả kinh tế cho trái bưởi, Ủy ban Nhân dân xã Bắc Lương tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, nhất là cây bưởi Diễn. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng diện tích vùng sản xuất bưởi Diễn tập trung theo quy trình VietGAP; tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu VietGAP “Bưởi ruột hồng” Hà Long.
Nhờ lợi thế về địa hình thoát nước tốt, kết hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên “Bưởi ruột hồng” Hà Long có vị ngọt thanh, hương thơm ngát, tép bưởi giòn, ráo nước. Bưởi có lượng vitamin A và C dồi dào, độ ngọt tự nhiên tốt cả cho những người kiêng ngọt. Trái “bưởi ruột hồng” Hà Long được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm.
“Bưởi ruột hồng” ở thôn Quảng Bình, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có dáng hình tròn (số ít có hình quả lê); trong lượng bình quân từ 0,8 – 1,2 kg/trái; khi chín có màu vàng, ruột đỏ. Thời vụ thu hoạch của bưởi vào tháng 10 – 12 âm lịch.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hướng đến xuất khẩu, “Bưởi ruột hồng” Hà Long của gia đình anh Hoàng Công Hướng ở thôn Quảng Bình, xã Hà Long, huyện Hà Trung – người tiên phong đưa trái bưởi đỏ Tân Lạc (Hòa Bình) về trồng, đang được sản xuất theo quy trình VietGap. Quy trình sản xuất giống “Bưởi ruột hồng” phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trong sản xuất nông nghiệp, từ khâu lựa chọn giống, quản lý đất đến việc sử dụng phân bón hoàn toàn hữu cơ và nước tưới, kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch bệnh, quản lý và xử lý chất thải… để cho ra quả bưởi đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Nhờ vậy, thương hiệu “Bưởi ruột hồng” Hà Long được Trung tâm kiểm định chất lượng nông, lâm, thủy sản Tỉnh Thanh Hóa công nhận VietGAP. Điều này giúp khẳng định được chất lượng sản phẩm tiêu biểu của huyện Hà Long.
Thương hiệu “Bưởi ruột hồng” Hà Long ngày càng được các thương lái trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện trái “Bưởi ruột hồng” Hà Long được tiêu thụ ở các chợ đầu mối lớn tại: Thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa … Với mức thu từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/gốc bưởi, ước tính thu nhập từ trái “Bưởi ruột hồng” Hà Long sẽ cho giá trị lên đến hàng tỷ đồng/vụ bưởi/năm.
Việc được công nhận và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu VietGAP “Bưởi ruột hồng” Hà Long sẽ là cơ hội để người dân trên địa bàn huyện Hà Long tiếp tục mở rộng diện tích; Song song với đó, đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu và tiến hành xây dựng đạt sản phẩm OCOP. Điều này sẽ là cơ sở cho việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý “Bưởi ruột hồng” Hà Long, huyện Hà Trung.
Sản phẩm ‘Bưởi ruột hồng” Hà Long đã và đang từng bước khẳng định được thương hiệu của mình và tạo được chỗ đứng trên thị trường. Nhờ vậy, sản phẩm đã góp phần tích cực vào công tác chuyển đổi cây trồng mang giá trị kinh tế cao trên đồng đất Hà Long, huyện Hà Trung.
“Bưởi hữu cơ Mộc Ân” đạt tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ quốc gia – Organic.
Sau một thời gian trồng thử nghiệm, cây bưởi Diễn được đánh giá phù hợp với thổ nhưỡng ở thôn Xuân Thái, xã Yên Thái, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Nhờ mạnh dạn chuyển sang trồng cây bưởi Diễn theo mô hình canh tác hữu cơ, vườn bưởi phát triển xanh tốt quanh năm, cho ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon, ngọt đậm, màu sắc vàng ươm.
Để đạt tiêu chuẩn hữu cơ – Organic quốc gia cho sản phẩm bưởi Diễn, trang trại sản xuất theo hướng hoàn toàn hữu cơ: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích, không đánh bồn và sáo xới gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây.
Sau 4 năm thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ áp dụng cho Trang trại hữu cơ Nguyễn Xuân và đăng ký thương hiệu “Bưởi hữu cơ Mộc Ân”, đây là trang trại đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chuẩn hữu cơ – Organic Quốc gia.
Bưởi hữu cơ có chứng nhận đầu tiên tại Việt Nam.
Do sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo nên bưởi của trang trại được tiêu thụ khá ổn định.
Hiện sản phẩm bưởi mang thương hiệu “Bưởi Diễn Plus hữu cơ” của trang trại đang cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Trang trại hữu cơ Nguyễn Xuân cũng đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm bưởi cho Công ty cổ phần Tập đoàn Grove Group – một doanh nghiệp có chuỗi phân phối nông sản sạch tại thị trường Việt Nam, phân phối độc quyền thị trường phía Nam.
Hàng năm, bưởi Diễn Plus hữu cơ cung cấp khoảng 10 tấn quả chuyển ra quần đảo Trường Sa phục vụ quân dân trong dịp tết. Ngoài ra, sản phẩm bưởi Diễn của trang trại còn tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm ở nhiều triển lãm hàng nông sản trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, thương hiệu “Bưởi Diễn Plus hữu cơ” của trang trại phấn đấu hướng tới xuất khẩu.