VN Đồn thúc đẩy mở rộng diện tích trồng cam theo hướng tập trung.
Cams Vạn Yên Vân Đồn nổi tiếng với các giống cam bản địa như cam sen, cam đường, cam giấy… có vị ngọt thanh mát, lớp vỏ mỏng và mùi thơm đặc trưng. Cam Vạn Yên từ lâu đã được người tiêu dùng ưa thích, cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo quy hoạch phát triển vùng sản xuất cam tập trung huyện Vân Đồn, diện tích quy hoạch vùng sản xuất cam tập trung đến năm 2020 tăng từ 300 ha lên 1.034 ha. Mục tiêu là hình thành được các vùng sản xuất cam an toàn quy mô lớn, từng bước đưa nghề sản xuất cam tại các vùng quy hoạch trở thành nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện.
Vân Đồn là một quần đảo vòng quanh phía Đông và Đông Bắc vịnh Bái Tử Long, nhưng lại nằm ở phía Đông và Đông Nam của tỉnh Quảng Ninh. Vân Đồn gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong tổng số 600 hòn đảo thuộc huyện thì có hơn 20 đảo có người ở.
Do địa hình là quần đảo chủ yếu là các đảo nhỏ, lại là núi đá vôi, nên trong toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện, diện tích đất liền không lớn, chủ yếu là diện tích mặt biển. Huyện đảo Vân Đồn có 68% diện tích đất tự nhiên trên các đảo là rừng và đất rừng. Trên các đảo không có sông ngòi lớn mà chỉ có vài con suối trên những đảo lớn.
Đất nông nghiệp của toàn huyện rất hẹp (1.242 ha) trong đó: đất trồng lúa chưa đến 600 ha và gần 100 ha cây ăn quả. Đất nông nghiệp lại là đất bạc màu, trên núi đá lại pha cát, thiếu nước tưới vì ít sông hồ nên năng suất thấp.
Mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi, song Vân Đồn lại sở hữu những vườn cam ngon, ngọt lịm. Trong đó, cam Vạn Yên nổi tiếng với các giống cam bản địa như cam sen, cam đường, cam giấy… có vị ngọt thanh mát, lớp vỏ mỏng và mùi thơm đặc trưng.
Xã Vạn Yên có hơn 100 hộ trồng cam, thu hoạch trên 200 tấn/vụ. Vì thế nhiều người vẫn thường gọi Vạn Yên là “vương quốc cam” của huyện đảo Vân Đồn. Cam Vạn Yên từ lâu đã được người tiêu dùng ưa thích, cung không đáp ứng đủ nhu cầu.
Vân Đồn mở rộng diện tích trồng cam theo hướng tập trung.
Hiện trên địa bàn huyện Vân Đồn có khoảng trên 320 ha diện tích trồng cam, tăng 120 ha so với năm 2016, đạt 30% so với dự án quy hoạch vùng sản xuất cam tập trung trên địa bàn huyện đến năm 2020. Trong đó 40% diện tích (khoảng 120 ha) đang cho thu hoạch. Tổng số hộ dân đang tham gia trồng cam trên địa bàn huyện khoảng 430 hộ. Diện tích cam phân bố ở các xã: Bản Sen 70 ha; Vạn Yên 148 ha; Đài Xuyên 20,5 ha; Đoàn Kết 55,5 ha. Đến hết năm 2017, diện tích trồng mới tăng thêm khoảng 80 ha (trong đó diện tích cam thuộc dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trên địa bàn là 50 ha, diện tích cam do người dân đề nghị hỗ trợ sau đầu tư là 30 ha). Tổng diện tích cam trồng trên toàn huyện ước đạt 390 ha. Cam Vân Đồn được đánh giá là hợp thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất và hiệu quả cao.
Từ những ưu điểm của cây cam trên đất Vân Đồn cũng như để phát huy giá trị loại cây trồng này, huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển vùng sản xuất cam tập trung đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây được đánh giá là một bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp của Vân Đồn. Đến năm 2020, theo quy hoạch, tổng diện tích trồng cam của huyện đạt 1.034 ha, trong đó diện tích cam trồng tập trung là 809 ha, ở 8 vùng, tập trung tại 4 xã Vạn Yên, Bản Sen, Đài Xuyên và Đoàn Kết. Năng suất bình quân khoảng 12 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 12-13 nghìn tấn/năm. Huyện cũng phấn đấu 40% sản lượng cam được quản lý theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất tiêu thụ sản phẩm, từng bước tạo dựng thương hiệu cam an toàn và mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận; 100% diện tích sản xuất cam của vùng quy hoạch đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu và một phần diện tích được chứng nhận đáp ứng theo VietGAP.
Đặc biệt, nhờ chương trình OCOP, cam Vạn Yên Vân Đồn được người tiêu dùng nhận diện đúng, chất lượng cam tốt, mẫu mã đẹp.
Với giá thu mua trên thị trường hiện nay từ 30.000 – 40.000 đồng/kg thì tổng giá trị thu được từ cây cam đạt khoảng 70 tỷ đồng/năm. Cụ thể, HTX Nông trang Vạn Yên đã mở rộng diện tích trồng cam lên 50 ha, nhưng mới thu hoạch được từ 5 – 8 ha, sản lượng đạt 80 – 100 tấn/vụ/năm, nhưng doanh thu từ vườn cam mang lại khoảng 1,8 – 2,5 tỷ đồng/năm. Dự kiến đến năm 2020 sản phẩm thu hoạch được khoảng 500 – 800 tấn/năm với doanh thu 30 – 50 tỷ đồng. Lợi nhuận cao, trong khi không quá vất vả để chăm sóc mà chủ yếu lưu ý đến kỹ thuật trồng cam, giống và phân bón.
Định hướng phát triển cam Vân Đồn thời gian tới.
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản địa phương, những năm qua, huyện Vân Đồn đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng các mô hình sản xuất hợp lý, theo hướng sản xuất hàng hoá nông sản, khuyến khích người dân phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Từ đầu năm 2013, huyện triển khai dự án áp dụng kỹ thuật trồng cây đào bằng ghép nhánh từ cây đào gốc Vân Đồn thay thế cho cách trồng đào truyền thống trước đây. Theo đó, kỹ thuật mới đã lai tạo ra đào có thế đẹp, thời gian trồng chỉ 2 đến 3 năm là có thể bán trên thị trường, rút ngắn thời gian từ 3 đến 5 năm so với trồng đào ươm hạt truyền thống. Hiện các xã cũng đã khuyến khích người dân phát triển sản phẩm thế mạnh của mình, bước đầu hình thành được nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại.
Xã Vạn Yên đã xây dựng đề án trồng cây cam bản địa theo hướng VietGAP, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thiện; đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, nhựa hóa đạt 85%; hệ thống kênh mương nội đồng được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất của nhân dân.
Định hướng phát triển của UBND huyện Vân Đồn là tiếp tục phát triển cây cam. Cây cam là loại cây rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Vân Đồn, cũng là sản phẩm chủ lực của Vân Đồn, của tỉnh. Tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Sản phẩm cam Vân Đồn cũng có nhiều đặc thù, riêng biệt đã được tham gia các chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Trên cơ sở đã quy hoạch vùng cam tập trung trên địa bàn, thời gian tới UBND huyện tập trung triển khai hình thành được các vùng sản xuất cam an toàn quy mô lớn, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình Vietgap và tuyên truyền ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất nâng cao năng suất và giữ vững thương hiệu.
Theo đó, huyện Vân Đồn cũng đã tập trung thực hiện một số giải pháp. Đối với giải pháp về đất đai, huyện mở rộng diện tích đất phục vụ sản xuất trồng cam và hiện nay người dân đã thực hiện trên đất trồng rừng do địa phương quản lý và đất rừng nhận khoán của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn. Với giải pháp về cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất hiện nay mới đầu tư một số cơ sở hạ tầng cho vùng trồng cam xã Vạn Yên; trong tương lai tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng hàng rào đến vùng quy hoạch đáp ứng tiến độ xây dựng và sản xuất cam tập trung. Đồng thời, có cơ chế và chính sách hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh cam theo chính sách của huyện, tỉnh và trung ương; hỗ trợ cơ chế chính cho nông dân sản xuất về giống, khoa học kỹ thuật… Huyện cũng đang đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng rừng (gần 1.000 ha) của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp sang trồng cam. Bên cạnh đó, định hướng hỗ trợ HTX, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ đầu ra cho người dân. Đến nay đã có 2 HTX đang hoạt động, phát triển và mở rộng sản xuất trồng cam. Nhằm quảng bá thương hiệu cam Vân Đồn, huyện đã xây dựng website, tuyên truyền sản phẩm cam Vân Đồn trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, logo và tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm…
Bên cạnh việc duy trì sản xuất tập trung giống cam trên đất Vạn Yên, 2 năm gần đây HTX Nông trang Vạn Yên (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) mới trồng thử nghiệm loại cam V2 Cao Phong. Vừa qua một mùa thu hoạch, giống cam ít hạt, ngọt thơm này đã cho thấy giá trị kinh tế cao.
Thực tế hiện nay hầu hết các hộ sản xuất cam đang canh tác theo cách truyền thống, sử dụng giống cam hiệu quả không cao và sử dụng nhiều phân hóa học nhằm tăng năng suất. Với cách thức sản xuất này, qua các vụ thu hoạch cam cho thấy, sản lượng và chất lượng không những không đạt được như mong muốn, đất đai ngày càng bị thoái hóa, canh tác khó khăn, mà còn ảnh hưởng môi trường sống và sản xuất của các hộ nông dân trong vùng.
Xuất phát từ thực tế trên, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đề xuất xây dựng dự án “Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất cam Vạn Yên tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, theo hướng an toàn sinh học.”
Người trồng cam ở Vạn Yên vẫn còn thiếu kinh nghiệm khi tiếp cận với các kỹ thuật để sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng cao. Việc ứng dụng kỹ thuật vi sinh vào trồng cam sẽ góp phần giúp nông dân có điều kiện tiếp nhận kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất sản phẩm sạch, an toàn phục vụ xã hội, nâng cao vị thế của thương hiệu vùng cam Vạn Yên.
Ngoài ra, việc đưa giống cam mới Cao Phong vào trồng theo phương pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh vật nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người sản xuất, dần thay thế giống cam đã thoái hóa, giảm chất lượng, sản lượng và giá thành thấp. Cùng với đưa giống cam mới vào trồng sẽ mở rộng diện tích vùng trồng cam tại huyện Vân Đồn.
Từ tháng 9/2018, mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất cam Vạn Yên nhanh chóng được triển khai trên 12 hộ, với diện tích 4,5 ha. 5.400 gốc giống cam V2 Cao Phong Hòa Bình đã được trồng thử nghiệm. Tương ứng với số cây giống này, Dự án cung cấp vật tư phục vụ sản xuất và các hoạt động phục vụ xây dựng mô hình. Hiện tại cây giống cam Cao Phong đang trong giai đoạn sinh trưởng tốt, dự kiến tầm 3 năm sẽ cho bói quả.
Việc đất ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân bằng, hệ sinh thái và hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy; tồn dư các chất độc hại ngày càng cao, mầm bệnh tích lũy trong đất và môi trường ngày càng nhiều dẫn đến sự phát sinh một số dịch hại khó dự báo trước.
Chính vì vậy, việc tìm giống cam mới, phương pháp sản xuất mới để cải thiện năng xuất, môi trường đất canh tác đã bị thoái hóa. Các hộ nông dân tham gia mô hình được tiếp cận với kỹ thuật và ứng dụng chế phẩm vi sinh vật vào trồng cam, biết lựa chọn giống có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Từ các hộ tham gia mô hình sẽ phổ biến đến các hộ trồng cam trên địa bàn, ứng dụng vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Qua đó, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thương hiệu sản phẩm cam Vạn Yên, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Được biết, ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, sẽ huy động nguồn vốn đối ứng của hội viên nông dân tham gia xây dựng mô hình. Theo đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ là hơn 580 triệu đồng; nguồn đối ứng của các hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình là gần 18 triệu đồng.
Việc ứng dụng chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên được thử nghiệm thành công trên diện tích cam tại xã Vạn Yên sẽ là bước đệm quan trọng để phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh; góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Từ những kết quả bước đầu về phát triển vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện Vân Đồn cho thấy sẽ tạo bước đột phá trong nông nghiệp của huyện nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, tạo đà thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần cải thiện đời sống của nông dân theo hướng làm giàu bền vững.