Vĩnh Long sẽ xây dựng 18 mô hình sản xuất trái cây quy mô lớn theo hướng VietGap.
Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng sản phẩm trái cây sạch ngày càng tăng, cho đến nay tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản. Trong đó, có 18 mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhiều loại trái cây của Vĩnh Long đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính.
Diện tích cây đặc sản toàn tỉnh ngày càng được mở rộng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh hiện đạt khoảng 54.770ha, vượt 1,4% chỉ tiêu đến năm 2020 là 54 nghìn ha. Diện tích cây có múi tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2017, đặc biệt là cam sành, bưởi Năm Roi và bưởi da xanh. Tính đến cuối năm 2017, diện tích cây có múi đạt hơn 18.200 ha, tăng 16,1% so năm 2013, và vượt so với kế hoạch cơ cấu lại đến năm 2020 khoảng 3.200 ha. Trong đó, cây cam tăng 18,22%, đạt 9.244 ha; cây bưởi tăng thêm 14,04%, đạt hơn 8.979 ha. Cùng với mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp và nông dân tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế để tạo ra sản phẩm chất lượng theo hướng GAP và xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả đặc sản của địa phương.
Để hỗ trợ người dân trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng vườn cây ăn trái, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ hơn 500 nghìn cây giống, gồm nhãn Edor, xuồng cơm vàng, chôm chôm, bưởi da xanh và sầu riêng cho hơn 2.000 ha vườn cây già cỗi, kém hiệu quả, bệnh nặng, khó phục hồi tại các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm và TP Vĩnh Long.
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ nông dân thành lập 80 tổ hợp tác sản xuất và 18 mô hình tổ dịch vụ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), thu hút 7.175 hộ nông dân tham gia. Trong đó, có mô hình 10 ha bưởi Năm Roi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại thị xã Bình Minh; 50 ha bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại hai huyện Mang Thít và Vũng Liêm. Đến nay, nhiều mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đã được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm trái cây ăn trái.
Bưởi da xanh, sầu riêng, xoài xiêm núm Vũng Liêm.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vĩnh Long đã phối hợp với huyện Vũng Liêm tập trung thực hiện dự án “Xây dựng vùng sản xuất trái qui mô lớn theo hướng GAP gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2015-2020”. Với sự đồng tình và hưởng ứng của nông dân, đến nay dự án đã xây dựng được 3 mô hình trồng cây ăn trái đặc sản đạt chứng nhận VietGAP:
Mô hình trồng xoài Xiêm Núm: Hiện diện tích trồng xoài toàn huyện Vũng Liêm đã phát triển được 1.078ha, chủ yếu tại các xã Quới Thiện, Quới An, Tân Quới Trung, Trung Chánh. Trong đó, huyện và ngành chuyên môn tỉnh hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Xoài Quới An – Trung Chánh với 47ha, sản xuất đạt chuẩn VietGAP đã được chứng nhận.
Trước đó, huyện Vũng Liêm cũng đã xây dựng và được chứng nhận nhãn hiệu “Bưởi da xanh Vũng Liêm” và hiện đang lập thủ tục sử dụng địa danh đặt tên cho nhãn hiệu “Xoài cát núm Vũng Liêm” và xác nhận khu vực trồng xoài trên địa bàn huyện.
Mô hình sản xuất sầu riêng do UBND xã Thanh Bình phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện, với diện tích 25,3ha, có 42 hộ tham gia.
Đầu năm 2018, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 ở Cần Thơ đã đánh giá kết quả đạt chứng nhận VietGAP trên cây bưởi da xanh với diện tích 69,2 ha, 140 hộ tham gia. Trong năm 2018, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long sẽ thực hiện chứng nhận VietGAP trên cây bưởi ở 4 xã: Trung Chánh, Quới An, thị trấn Vũng Liêm, Trung Thành Tây.
Sau khi được chứng nhận VietGAP, mô hình đã có những chuyển biến tích cực:
Đối với sầu riêng, năng suất khoảng 1,2 – 1,5 tấn/1.000 m2/năm, chất lượng trái nâng lên, giá bán trung bình từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, tháng 3/2018, giá bán sầu riêng tại vườn là 90.000 – 100.000 đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định cho các nhà vườn.
Đối với bưởi da xanh, giá bán trung bình ở mức 40.000 – 50.000 đồng/kg, loại 1 kg trở lên. Nhà vườn tự làm thương lái, không lo bị ép giá, mang thu nhập cao cho gia đình.
Hiện nay Vũng Liêm có 3 hợp tác xã sản xuất cây ăn trái. Các HTX đã lên kế hoạch sản xuất rải vụ để có đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường. Một số cây ăn trái sản xuất rải vụ cho hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh, sầu riêng, xoài.
Các xã viên của HTX rất phấn khởi với việc sản xuất trái cây VietGAP. Mỗi năm HTX sản xuất được khoảng 100 tấn trái cây, giá bán ở mức cao. Trong đó có xoài Xiêm Núm được xuất khẩu sang Hàn Quốc, góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Giá trị của VietGAP được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm, vì thế ở Vũng Liêm ngày càng có nhiều nhà vườn tham gia sản xuất. Đến nay, huyện Vũng Liêm có gần 182 ha được chứng nhận VietGAP, với gần 340 nhà vườn tham gia.
Tham gia chương trình sản xuất theo tiêu chí GAP, kỹ thuật canh tác, tư duy kinh tế của nông dân được nâng lên. Các hộ có tinh thần đoàn kết, giúp nhau sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó có nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Các hộ có ý thức tốt trong bảo vệ môi trường, việc vứt bỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường không còn nữa. Các hộ có ý thức thu gom lại và bỏ vào hố rác BVTV do xã đầu tư. Có ý thức ghi chép nhật ký sản xuất để biết được chi phí sản xuất cũng như lợi nhuận của từng vụ trái cây. Thông qua nhật ký sản xuất, nông dân đúc kết được kinh nghiệm sản xuất từ khâu xử lý ra hoa, bón phân, quản lý sâu bệnh hại, sử dụng thuốc BVTV an toàn để cho giá trị kinh tế cao nhất.
Trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay, việc sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu và bền vững. Vì vậy các mô hình này cần được nhân rộng. Đồng thời cần có chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cho cây ăn trái trong thời gian tới.
Xoài cát núm huyện Vũng Liêm – tỉnh Vĩnh Long.
Bưởi Năm roi huyện Bình Minh.
Bưởi Năm roi là loại cây đặc sản của huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, được người dân cả nước ưa chuộng. Hiện diện tích trồng bưởi Năm roi toàn huyện đạt 1.900ha, tập trung chủ yếu ở các xã Mỹ Hòa, Ðông Thành và Thuận An, cung cấp cho thị trường hàng năm hơn 23.700 tấn. Mùa thuận cho trái rộ từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch. Điều đáng mừng là bưởi Năm roi Mỹ Hòa đã được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là điều kiện để bưởi Năm roi – Bình Minh mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Cây bưởi Năm roi có tuổi thọ từ 15 đến 17 năm, trái bưởi có đặc điểm là hình quả lê, khoảng 1,2-1,4kg/quả, vỏ mỏng, ruột trắng, thịt mềm, nhiều nước, vị ngọt chơi chua, mùi thơm, để càng lâu càng ngon. Đặc điểm nổi bật giữa bưởi Năm roi được trồng tại huyên Bình Minh tỉnh Vĩnh Long và bưởi Năm roi được trồng tại các vùng khác là bưởi Năm roi rất ít hạt hoặc khi chín sẽ không có hạt. Giá bưởi Năm roi bình quân đạt từ 19.000 – 22.000 đồng/kg, mang lại cho người nông dân thu nhập từ 360 đến 600 triệu đồng/ha/năm.
Hiểu rõ thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu của trái bưởi Năm roi, UBND tỉnh Bình Minh đã thành lập HTX bưởi Năm roi. Các xã viên sử dụng chung thương hiệu để cung ứng cho thị trường. Từ năm 2006, HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đã được thành lập với 13 xã viên, có tổng diện tích là 11 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hàng năm HTX có thể cung ứng cho thị trường khoảng 20 tấn/ha. Với chứng nhận Global GAP, bưởi Năm roi Mỹ Hòa đã nổi tiếng trên toàn quốc và xuất khẩu sang các nước ở Châu Âu, Mỹ, Trung Đông.
Để trái bưởi Năm roi tỉnh Vĩnh Long có thể mở rộng thị trường xuất khẩu cả trong và ngoài nước, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân, UBND tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư mở rộng phát triển diện tích trồng bưởi ở nhiều huyện, đặc biệt là vùng chuyên canh bưởi Năm roi huyện Bình Minh, tăng cường đầu tư chuyển giao các kỹ thuật sản xuất, chăm sóc cây theo quy trình GAP, đầu tư nhiều trong khâu thu hoạch và bảo quản nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP bước đầu đã giúp ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đạt được kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên trên thực tế việc đầu tư sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Các mô hình hợp tác sản xuất bền vững mang tính hình thức, do mối liên kết giữa các nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) chưa chặt chẽ; các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu điều phối sản xuất, liên kết sản xuất tiêu thụ chưa nhiều; doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp còn ít, thiếu doanh nghiệp mạnh để làm đầu tàu dẫn dắt chuỗi giá trị sản phẩm rõ nét, chưa xây dựng được thương hiệu vững chắc, khâu phối hợp giữa sản xuất và tiêu thụ chưa tốt.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và hướng tới thị trường tiêu thụ bền vững, các ngành và địa phương cần rà soát lại những thành quả đạt được trong quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp thời gian qua, phổ biến và nhân rộng các mô hình sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả ở địa phương; tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên bố trí nguồn lực cho lựa chọn sản phẩm chủ lực để đầu tư có trọng điểm và xây dựng được chuỗi sản phẩm này; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến xuất khẩu, dần xây dựng và hình thành chuỗi giá trị sản xuất hiệu quả, bền vững.