TX.Ngã Năm Phát huy hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Sóc Trăng TX Ngã Năm đang tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, tạo ra giá trị kinh tế cao.

Sóc Trăng: Xuất khẩu thủy sản 11 tháng đạt trên 920 triệu USD

Sóc Trăng: Kiểm soát dịch tả heo châu Phi, nhưng giá lại giảm sâu

Ngành tôm Sóc Trăng nỗ lực phục hồi sau thời gian giãn cách xã hội

Bí thư Thị ủy Ngã Năm Trần Văn Việt tham quan mô hình chuyển đổi của người dân tại thị xã. Ảnh: Trọng Linh.

Phù hợp với thổ nhưỡng từng loại cây trồng

Tại TX Ngã Năm (Sóc Trăng), việc chuyển đổi nhiều diện tích từ đất trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng mãng cầu gai, khóm, ổi, nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

TX.Ngã Năm Phát huy hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Anh Ngô Vũ Hùng, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới là một trong những nông dân tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất tại địa phương. Với khoảng 400 gốc mãng cầu gai ghép với gốc bình bát trên diện tích 3.600m2, năm ngoái anh xuất bán lứa trái đầu tiên với giá 12.000 – 18.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận gần 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất.

Điều khá bất ngờ mà anh Hùng chia sẻ là vườn mãng cầu gai hiện tại trước đây từng là đất trồng lúa. Anh cho biết vùng đất trũng, thường xuyên bị ảnh hưởng của phèn, mặn, dẫn đến lúa có năng suất thấp. Anh đã tìm hiểu về cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát có khả năng chịu được nước và mặn. Hiện tại, anh đã có 400 gốc và dự định trồng thêm khoảng 300 gốc nữa.

Tại ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, bà con nông dân chọn cây khóm để phát triển kinh tế. Tổng cộng 20 ha đất được nông dân trồng khóm. Nhờ doanh nghiệp bao tiêu, giá thành ổn định, bình quân 1 ha khóm, nông dân thu về trên 150 triệu đồng.

Anh Phan Ngọc Thanh, một trong những nông dân tiên phong trong chuyển đổi đất sản xuất sang trồng khóm cho biết, cây khóm dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí đầu tư cho thuốc bảo vệ thực vật và phân bón giảm hơn 3 – 4 lần so với trồng lúa, mang lại lợi nhuận cao. Khóm được thu hoạch 3 đợt trong một năm, tổng thu nhập từ 15 – 16 triệu đồng/công.

Ông Trần Văn Việt, Bí thư Thị ủy Ngã Năm và ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND TX Ngã Năm kiểm tra hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Ảnh: Trọng Linh.

Kết nối với thị trường

Ông Hồng Minh Nhật, Trưởng phòng Kinh Tế TX Ngã Năm cho biết: Tái cấu trúc ngành nông nghiệp, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái nhằm mang lại lợi nhuận và giá trị kinh tế cao hơn đã được nhiều nông dân trên địa bàn hưởng ứng tích cực.

Trong 5 năm qua, gần 800 ha đất đã được chuyển đổi sang trồng loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Xã Vĩnh Quới thực hiện chuyển đổi mạnh nhất với 300 ha trồng mãng cầu gai và khóm, phường 2 đã chuyển gần 200 ha sang trồng ổi, xoài. Các xã, phường khác cũng chuyển đổi sang trồng chanh không hạt, dừa. Việc chuyển đổi gắn liền với thị trường tiêu thụ và thổ nhưỡng của từng vùng.

Cơ sở sản xuất trà mãng cầu Cẩm Thiều (Khóm 3, P1, TX Ngã Năm) hiện đang đa dạng hóa sản phẩm phục vụ thị trường tết. Trước đó, cơ sở đã có 3 sản phẩm trà mãng cầu đạt chuẩn 4 sao OCOP. Ảnh: Trọng Linh.

Tính đến nay, toàn TX Ngã Năm có trên 1.500 ha chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả, chủ yếu là mãng cầu gai, khóm, dừa, xoài. Các mô hình này đã chứng minh hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập ổn định, giúp nâng cao đời sống cho nông dân. Ngoài kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, TX Ngã Năm còn chú trọng liên kết sản xuất, hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác, ký kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp để tạo ra đầu ra ổn định.

Phòng Kinh tế TX Ngã Năm đã phân loại hợp tác xã theo Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT. Hiện địa phương có 2 hợp tác xã hoạt động tốt, 6 hợp tác xã hoạt động khá, 4 hợp tác xã hoạt động trung bình, 1 hợp tác xã yếu (Hợp tác xã NN Vĩnh Thành) và 5 hợp tác xã không phân loại.

Ông Hồng Minh Nhật cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận và liên kết với doanh nghiệp, Phòng Kinh tế phối hợp với UBND các xã, phường hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo cung cấp thông tin phục vụ hội nghị liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo tỉnh Sóc Trăng.

Ông Lê Bảo Xuyên, Giám đốc hợp tác xã Kiên Hòa, xã Vĩnh Quới, TX Ngã Năm, cho biết: “Lúc trước mãng cầu chưa có hợp tác xã nên đầu ra bấp bênh. Từ khi có hợp tác xã, đầu ra ổn định hơn, giúp bà con khấm khá hơn.” Hiện tại, hợp tác xã bán cho công ty khoảng 100 tấn.

Thị xã Ngã Năm còn quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho mặt hàng nông sản chủ lực địa phương. Các ngành chức năng tiến hành khảo sát thổ nhưỡng từng vùng và nghiên cứu thị trường tiêu thụ để lên kế hoạch chuyển đổi những loại cây thích hợp hơn.

Từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thị xã Ngã Năm, đã góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân, cùng tỉnh Sóc Trăng thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

TX Ngã Năm đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong việc chuyển đổi, thực hiện các mô hình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xác định các loại nông sản để tập trung phát triển, từng bước hình thành kinh tế tập trung chuyên canh, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu.

(Ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND TX Ngã Năm)

© Tuyên bố bản quyền