Trồng cây đinh lăng tại Gia Lai đem lại lợi ích kinh tế vượt trội.
Tỉnh Gia Lai đang thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu đến hết năm 2020 và định hướng đến 2030” nhằm bảo tồn và phát triển bền vững một số loài cây dược liệu quý, trong đó có cây đinh lăng.
Một số nghiên cứu cho thấy cây đinh lăng cùng họ với nhân sâm. Trong rễ đinh lăng có chứa nhiều Saponin giống như sâm, các vitamin B1, B2, B6, C và 20 acid amin cần thiết cho cơ thể, đặc biệt có những acid amin không thể thay thế được như: lyzin, cystein, methionin. Đinh lăng có các tác dụng dược lý tương tự như sâm, nhưng giá thành lại rẻ hơn và dễ trồng hơn sâm. Cụ thể, đinh lăng có tác dụng tăng thể lực, kích thích các hoạt động của não bộ, giải tỏa lo âu, mệt mỏi, chống oxy hóa, bảo vệ gan, kích thích miễn dịch.
Cây đinh lăng trồng tại Gia Lai
Đinh lăng là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, sử dụng phân bón hữu cơ trong suốt quá trình trồng, chăm sóc, là loại cây dược liệu quý, các bộ phận của cây có thể sử dụng làm thuốc hay gia vị. Trồng 1 ha đinh lăng được 16.000 cây, cho sản lượng khoảng 160 tấn tươi. Đinh lăng trồng trong thời gian 2 năm là có thể thu hoạch được thân và lá. Sau 6 năm bắt đầu thu hoạch rễ, trung bình mỗi rễ nặng khoảng 1 kg. Trồng đinh lăng thời gian càng lâu, rễ càng lớn, giá trị dược liệu và giá trị kinh tế càng cao.
Một số doanh nghiệp ở Gia Lai đã tập trung đầu tư phát triển trồng 11 loại cây dược liệu như: sa kê, vối, đinh lăng, atiso, dừa cạn, đậu săng, hoàng ngọc, diệp hạ châu (cây chó đẻ), xuyên tâm liên, trong đó đinh lăng được đầu tư phát triển mạnh các sản phẩm sau chế biến.
Tại huyện Chư Sê đã có chuyên đề về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, một số cây trồng dược liệu trong đó có cây đinh lăng được chọn để hỗ trợ canh tác. Huyện tập trung phát triển vùng dược liệu tại 2 xã Ia Hlốp và Ia Ko.Toàn huyện đã chuyển đổi hơn 600 ha hồ tiêu bị chết sang trồng cây khác. Cụ thể, chuyển hơn 200 ha sang trồng cây ăn quả như: bơ, mít, sầu riêng, chanh dây, cam; 30 ha trồng cây dược liệu; 10 ha trồng dừa, thanh long, rau, dâu, măng tây; 382 ha trồng cây cà phê…
Huyện Chư Sê sẽ tập trung phát triển mạnh diện tích cây dược liệu với định hướng theo lộ trình phát triển dược liệu của tỉnh, đến năm 2025 sẽ xây dựng thương hiệu dược liệu Chư Sê. Dự kiến đến hết năm 2020, diện tích cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao của huyện đạt khoảng 50 ha, phấn đấu tăng lên 250 ha trong năm 2025.
Tại huyện Kbang tỉnh Gia Lai, tổng diện tích trồng cây dược liệu là hơn 163 ha, trong đó sa nhân tím là 149 ha, sâm đá là 2,1 ha, đương quy là 3,5 ha, đinh lăng là 4,8 ha, gấc là 1,9 ha, nghệ là 1,8 ha… Dự kiến đến hết năm 2020, diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn sẽ vào khoảng 407 ha và phấn đấu đến năm 2030 là 817 ha.
Tại huyện Chư Pưh, các dự án về liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị với các hợp tác xã và doanh nghiệp đã được thực hiện, trong đó có dự án về trồng cây dược liệu.
Cây đinh lăng được người dân Gia Lai trồng nhiều trong vườn và xen canh với cây cà phê. Hiện nay cây đinh lăng đã được đầu tư chế biến thân, lá, rễ cây đinh lăng thành các sản phẩm tiện ích phục vụ nhu cầu người tiêu dùng như cao đinh lăng, thuốc bổ não, trà sâm đinh lăng… được nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó cây đinh lăng mang lại giá trị kinh tế cao sau chế biến được khuyến khích mở rộng diện tích trồng trong các năm tới.