Triển vọng xuất khẩu sản phẩm thảm từ các địa phương thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa sang thị trường EU.

Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm thảm của Việt Nam sang EU trong tháng 7/2023 đạt 4,34 triệu USD, tăng 5,0% so với tháng 6/2023 và tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thảm sang EU chiếm 18,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 43,72 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường thảm EU còn rất nhiều tiềm năng khi nhu cầu nhập khẩu có xu hướng tăng. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhu cầu nhập khẩu thảm (HS 57) của EU là rất lớn, đạt trên 4 tỷ EUR/năm. Trong giai đoạn 2015 – 2019, nhập khẩu thảm của EU cơ bản ổn định (chỉ tăng nhẹ 0,2%/năm). Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhập khẩu thảm vào EU giảm 9,0% so với năm 2019, đạt 3,71 tỷ EUR. Tuy nhiên, trong 2 năm sau đó, nhập khẩu thảm vào EU đã tăng mạnh trở lại, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 – 2022 đạt 12,8%/năm, và đạt 4,716 tỷ EUR trong năm 2022. Tính chung trong giai đoạn 2017 – 2022, nhập khẩu thảm của EU tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.

Triển vọng xuất khẩu sản phẩm thảm từ các địa phương thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa sang thị trường EU.

Trong EU, Đức là thị trường nhập khẩu thảm nhiều nhất; tiếp đến là Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha. Trong đó, các thị trường đều tăng cường nhập khẩu thảm từ các thị trường ngoại khối. Theo thống kê, năm 2017, tỷ trọng nhập khẩu thảm từ các thị trường ngoại khối chiếm 35,4%, đến năm 2022 tăng lên 42,8%.

Trong các thị trường ngoại khối, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ là những thị trường cung cấp nhiều nhất thảm cho EU. Nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng trong giai đoạn 2017 – 2022.

Đáng chú ý, nhập khẩu thảm của EU từ Việt Nam tăng mạnh 279,6%/năm trong giai đoạn 2017 – 2022 – mức cao nhất trong số các thị trường đạt kim ngạch trên 1 triệu USD, đưa kim ngạch từ mức chỉ đạt 94 nghìn EUR trong năm 2017 đã tăng 788 lần lên 74,36 triệu EUR trong năm 2022.

Mặc dù nhập khẩu thảm của EU từ Việt Nam hiện mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ (1,6% trong năm 2022 và 2,0% trong 5 tháng đầu năm 2023), nhưng tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU là rất lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những ưu đãi trong EVFTA để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu thảm sang EU.

Việc thực thi EVFTA đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung và sản phẩm thảm nói riêng, nhất là tại thị trường có sức tiêu thụ lớn bậc nhất thế giới như châu Âu. Xu thế của người tiêu dùng trên thế giới đang ngày càng hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, những mặt hàng có nguồn gốc làm từ nguyên liệu tự nhiên. Đây là cơ hội phát triển rất lớn cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là khi chúng ta có thể mạnh về nguồn nguyên liệu và nghề truyền thống.

Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu dựa trên các ưu đãi thuế quan trong EVFTA, doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng có lợi thế, gia tăng giá trị sản phẩm cho nhóm hàng này. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng để tăng kim ngạch và xuất khẩu bền vững. Đồng thời, cần đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp.

© Tuyên bố bản quyền